Thứ năm, ngày 16/01/2025

Đoàn nhà văn làm việc tại Tổng công ty Bảo đảm an toàn miền Bắc

Thứ năm, 27/11/2014 10:27 GMT+7

Tiếp tục chương trình hoạt động của Trại sáng tác văn học (STVH) phía Bắc, trong hai ngày 26 và 27/11 Đoàn gồm 45/50 nhà văn tham gia Trại đã về Hải Phòng làm việc tại Tổng công ty Bảo đảm An toàn hàng hải Miền Bắc...

Tiếp tục chương trình hoạt động của Trại sáng tác văn học (STVH) phía Bắc, trong hai ngày 26 và 27/11 Đoàn gồm 45/50 nhà văn tham gia Trại đã về Hải Phòng làm việc tại Tổng công ty Bảo đảm An toàn hàng hải (ATHH) Miền Bắc, trong đó có những nhà văn tên tuổi như nhà thơ Vũ Quần Phương (nguyên Đại biểu Quốc hội khóa IX), nhà thơ Y Phương (Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật), hoặc gắn bó với ngành GTVT như nhà văn Tô Đức Chiêu, Nguyễn Hiếu, Xuân Ba... và tìm hiểu thực tế tại một số công trình trọng điểm về GTVT trên địa bàn.

Ông Lưu Văn Quảng, Tổng giám đốc; ông Đồng Trung Kiên, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Bảo đảm ATHH Miền Bắc đã tiếp Đoàn.

Đoàn nhà văn làm việc tại Tổng công ty Bảo đảm an toàn miền Bắc

Tổng giám đốc Bảo đảm ATHH Miền Bắc, ông Lưu Văn Quảng (người đứng) giới thiệu với Đoàn

Giới thiệu về Tổng công ty với Đoàn nhà văn, Tổng giám đốc Lưu Văn Quảng cho biết, cách đây hơn 59 năm, sau 2 ngày Hải Phòng được giải phóng, vào ngày 15/5/1955, ngành Bảo đảm hàng hải đã tiếp nhận từ tay người Pháp 2 ngọn hải đăng lớn nhất miền Bắc lúc bấy giờ đó là Hải đăng Long Châu và Hải đăng Hòn Dấu. Ngày ấy đã trở thành Ngày truyền thống của Bảo đảm ATHH.

Những năm 1955 – 1964 - Bảo đảm ATHH Miền Bắc được gọi là “Ty Hoa đăng” (tức là Hoa tiêu và Hải đăng), dù còn non trẻ nhưng những cán bộ bảo đảm ATHH đã phải lập tức tìm tòi, học hỏi và dựa vào những người quản đăng cũ để phục hồi hệ thống đèn biển, phao và tiêu báo hiệu dẫn luồng vào cảng Hải Phòng; phương tiện đi lại chỉ bằng thuyền nan, nhưng những người công nhân đèn biển vẫn vươn lên làm chủ công việc, giúp đỡ nhau biết đọc, biết viết rồi nắm vững các kiến thức về đèn biển, về phao tiêu báo hiệu dẫn đường cho các con tàu trong và ngoài nước ra vào các cảng biển miền Bắc an toàn. Người công nhân tiêu biểu nhất thời kỳ bấy giờ của Bảo đảm ATHH Miền Bắc là ông Phùng Văn Bằng đã được Đảng và Nhà nước phong tặng Danh hiệu Anh hùng Lao động.

Đặc biệt thời kỳ chống phong tỏa đường biển của Đế quốc Mỹ, với quyết tâm mở luồng, thông tuyến, chống phong tỏa bằng thủy lôi của địch đảm bảo an toàn cho công tác vận tải đường biển, những người công nhân quản đăng đều trở thành những chiến sỹ. Những khẩu hiệu thể hiện ý chí kiên cường, sắt đá của người công nhân gác đèn biển như: “Còn người, còn đảo, trái tim còn đập, đèn còn sáng”, hoặc “Ra đi mang nặng lời thề, thủy lôi chưa sạch chưa về quê hương”.

“Hàng đêm, công nhân luồng dùng đèn pin biến mình thành “đăng tiêu sống” để dẫn luồng cho tàu tránh được thủy lôi nổ. Công nhân đảo đèn Long Châu (sống trên diện tích chưa đầy 1 km2) đã chiến đấu 238 trận với 5 nghìn tấn bom đạn dội xuống đảo, giữ cho hải đăng vẫn sáng. Đảo đèn Hòn Dáu bị đánh 116 trận, đèn chính bị đánh sập, nhưng chỉ trong vòng 24 giờ ngọn đèn Hải đăng tạm thời đã lại chớp sáng để chỉ dẫn tàu ra vào cảng Hải Phòng”, Tổng giám đốc Lưu Văn Quảng cho biết.

Đoàn nhà văn làm việc tại Tổng công ty Bảo đảm an toàn miền Bắc

Đoàn tìm hiểu thực tế tại cảng Hải Phòng

Cùng với các đơn vị bạn trong ngành Đường biển lúc bấy giờ, Bảo đảm ATHH Miền Bắc đã góp phần đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ đối với các cửa biển, luồng vào các cảng biển của miền Bắc, quan sát đánh dấu được 6.798 quả thủy lôi; rà phá nổ 1.098 quả thủy lôi...

Tiêu biểu trong thời kỳ này là Trạm đèn biển Long Châu được tặng Danh hiệu Anh hùng Lao động, Tiểu đoàn tự vệ Ty Bảo đảm hàng hải được tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Sau này, Bảo đảm ATHH Miền Bắc được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học kỹ thuật công trình phá thủy lôi từ tính và bom từ trường bảo đảm giao thông (1967-1972), Trạm luồng biển Nam Triệu được tặng Danh hiệu Anh hùng Lao động và Tổng công ty được tặng Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Như vậy, Tổng công ty là đơn vị “sở hữu” 5 danh hiệu Anh hùng.

Những năm xây dựng chủ nghĩa xã hội trên đất nước thống nhất Bảo đảm ATHH đã nhanh chóng phát triển cơ sở hạ tầng BĐATHH, đầu tư xây dựng thêm nhiều đèn biển, hệ thống báo hiệu dẫn luồng, tham gia khảo sát, thiết kế, xây dựng và quản lý vận hành các đèn biển...góp phần phát triển kinh tế biển cũng như khẳng định chủ quyền quốc gia và đảm bảo an ninh trên biển.

Trong những năm gần đây, Tổng công ty luôn hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch nhà nước giao, năng suất lao động được nâng cao, nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật đã được ứng dụng vào trong lĩnh vực quản lý, sản xuất; nhiều sáng kiến cải tiến, đề tài khoa học đã được thực hiện đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, trình độ, năng lực của đội ngũ lao động được nâng cao rõ rệt...góp phần tích cực, hiệu quả vào sự phát triển của kinh tế hàng hải nói riêng và thực hiện Chiến lược biển của đất nước nói chung.

Đoàn nhà văn làm việc tại Tổng công ty Bảo đảm an toàn miền Bắc

Đoàn thăm Hải đăng Hòn Dáu

Các nhà văn, nhà thơ đã được tận mắt chứng kiến những thành tựu, sản phẩm mới trong các lĩnh vực hoạt động của Tổng công ty và thăm Hải đăng Hòn Dáu.

Thay mặt Đoàn, nhà văn Đào Thắng, đồng Trưởng ban Tổ chức cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài GTVT đã bày tỏ cảm kích trước truyền thống hào hùng của Bảo đảm ATHH Miền Bắc trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và những thành tựu trong quá trình đổi mới của Tổng công ty. “Tôi nghĩ nhiều nhà văn đã được tiếp xúc với mảng đề tài rất mới. Đây cũng chính là cảm xúc sáng tạo mà Đoàn có được. Hy vọng sẽ có nhiều tác phẩm tốt về mảng đề tài này”, ông nói.

* Trong hai ngày ở Hải Phòng, Đoàn nhà văn cũng được tìm hiểu thực tế tại dự án cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện, thăm cảng Chùa Vẽ, cảng Đình Vũ (thuộc Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng), Công ty cổ phần Đóng tàu Sông Cấm, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam – ba cơ sở tiêu biểu của ngành GTVT đã được Đảng và Nhà nước tặng Danh hiệu Anh hùng Lao động./.

Ngô Đức Hành

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)