Thứ năm, ngày 16/01/2025

Học sinh Việt Nam-Nhật Bản giao lưu, tham quan công trình cầu Nhật Tân

Thứ năm, 04/12/2014 16:11 GMT+7

Sáng 4/12, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhất Bản (JICA) và Ban Quản lý dự án 85 đã tổ chức chương trình tham quan cầu Nhật Tân và giao lưu học sinh Việt Nam - Nhật Bản.

Ông Nguyễn Ngọc Thuyên phát biểu tại buổi lễ


Tham dự chương trình, các em học sinh Trường Trung học cơ sở thực nghiệm Hà Nội và Trường Nhật Bản Hà Nội đã có dịp tham quan và nghe các kỹ sư Nhật Bản, Việt Nam giới thiệu chi tiết về quá trình xây dựng cầu Nhật Tân - cây cầu biểu tượng của tình hữu nghị giữa hai nước Việt Nam - Nhật Bản.
Thay mặt Bộ GTVT, ông Nguyễn Ngọc Thuyên, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ GTVT đã chúc các em học sinh hai nước Việt - Nhật có buổi tham quan lý thú và vui vẻ. Hy vọng chương trình tham quan sẽ là cơ hội tốt để các em học sinh, những thế hệ trẻ của Việt Nam và Nhật Bản sẽ hiểu sâu sắc hơn về tình hữu nghị Việt Nhật, về các dự án ODA của Chính phủ Nhật Bản dành cho Việt Nam mà đặc biệt là cầu Nhật Tân, cây cầu biểu tượng sinh động cho tình hữu nghị, quan hệ đối tác sâu rộng giữa hai nước trong thời kỳ mới.

Học sinh hai trường Việt-  Nhật chụp ảnh lưu niệm


Thay mặt các bạn học sinh Nhật Bản, em Wakui Yugo nguyện sẽ cùng các bạn tiếp tục gắn kết mối quan hệ hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản trong tương lai. Em cho biết, ngôi nhà em đang sinh sống ở ven Hồ Tây, do vậy em có thể ngắm toàn cảnh cây cầu. Ngoài ra, "hàng ngày em đều đi trên con đường dưới cây cầu này để đến lớp. Vì thế, em có thể cảm nhận sự thay đổi từng chút từng chút của cây cầu trong quá trình xây dựng. 3 năm trước, khi em mới chuyển tới sống ở Hà Nội, cây cầu còn chưa thành hình, và ngày hôm nay, em thực sự xúc động khi được chứng kiến cây cầu đã hoàn thành, vô cùng đẹp đẽ" - Yugo nói.

Nghe các kỹ sư giới thiệu về quá trình xây dựng cầu Nhật Tân

Thích thú tham quan bên trong trụ tháp chính


Còn em Nguyễn Ngọc Vân Thảo, học sinh lớp 8C Trường THCS Thực nghiệm thay mặt các bạn học sinh Việt Nam đã gửi lời "cảm ơn các cô chú tư vấn, nhà thầu Nhật Bản,các  kỹ sư và công nhân Việt Nam đã vất vả xây nên cây cầu to đẹp này. Xin được cảm ơn các cô chú  ở Đại sứ quán Nhật Bản, Bộ Giao thông vận tải, Ban Quản lý giao thông (PMU) 85, các thầy cô giáo Trường Thực nghiệm, Trường Nhật Bản và Văn phòng JICA Việt Nam đã tổ chức cho chúng cháu chuyến tham quan học hỏi đầy ý nghĩa này". Thảo cũng cho biết, em và các bạn rất tự hào được là những học sinh Việt Nam và Nhật Bản đầu tiên đặt chân lên cây cầu Nhật Tân,  cây cầu dây văng dài nhất Việt Nam và sau khi khánh thành sẽ rút ngắn quãng đường từ Sân bay Nội Bài đến trung tâm Thành phố Hà Nội, chính là rút ngắn khoảng cách giữa bạn bè quốc tế với nhân dân Việt Nam.
Kết thúc chương trình tham quan và giao lưu đại diện giáo viên hai nhà trường đã cảm ơn Bộ GTVT, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản và Ban QLDA 85 đã tổ chức một chương trình rất có ý nghĩa, giúp các em học sinh hai nước có sự hiểu biết rõ hơn về cây cầu Nhật Tân nói riêng cũng như mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Nhật Bản nói chung.

Giao lưu với Ngài Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Fukada Hiroshi


Trước khi thực hiện chương trình tham quan cầu Nhật Tân, các em học sinh trường Việt - Nhật đã đến thăm Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam và được trực tiếp lắng nghe Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Fukada Hiroshi nói về mối quan hệ hữu nghị Việt-Nhật cũng như chương trình hợp tác ODA giữa hai nước.

Dự án cầu Nhật Tân, cầu Hữu nghị Việt-Nhật được đầu tư và xây dựng bằng nguồn vốn vay ưu đãi (ODA) của Chính phủ Nhật Bản và nguồn vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam sẽ được khánh thành và đưa vào sử dụng vào tháng 1 năm 2015. Cầu Nhật Tân được khởi công xây dựng từ tháng 4/2009 đến tháng 12/2014 với tổng chiều dài là 8,95km, thiết kế theo hình thức cầu dây văng liên tục 6 nhịp, 5 trụ tháp có chiều dài 1.500m, trên nền móng vòng vây cọc ống thép và được sử dụng công nghệ hiện đại, tiên tiến của thế giới và là cầu dây văng có nhiều nhịp nhất Đông Nam Á. Cây cầu này khi hoàn thành và đưa vào sử dụng sẽ tạo thành trục giao thông kết nối trung tâm chính trị Ba Đình với Sân bay Nội Bài và đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội, văn hoá, du lịch của Thủ đô Hà Nội và của cả nước. Đồng thời cũng giảm thiểu ách tắc giao thông, giảm tải cho cầu Thăng Long và tăng cường kết nối giao thông vận tải quốc gia.


LD

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)