Tổng giám đốc Vietnam Airlines Phạm Ngọc Minh chủ trì buổi họp báo
Lương phi công Vietnam Airlines so với mặt bằng thế giới thế nào?
Thu nhập phi công Việt Nam so với phi công nước ngoài đang được Vietnam Airlines thuê như thế nào cũng như so với mặt bằng chung của thế giới ra sao là vấn đề được nhiều nhà báo quan tâm đặt câu hỏi.
Đây cũng là vấn đề mà người đứng đầu Vietnam Airlines – Tổng giám đốc Phạm Ngọc Minh chủ động nêu lên ngay khi mở đầu buổi họp báo chiều 12/1.
Cụ thể, theo ông Minh, mức lương hàng tháng mà Vietnam Airlines trả cho cơ trưởng máy bay B777, A330 từ tháng 9 đến hết năm 2014 là 132 triệu, A321 là 115 triệu và ATR 72 là 100 triệu đồng. Con số này dự kiến sẽ tăng lên lần lượt là 177 triệu, 158 triệu và 121 triệu vào tháng 7/2015 sau 2 đợt tăng lương tiếp theo trong năm 2015. Ngoài ra, mức lương mà VNA trả cho cơ trưởng giáo viên và cơ trưởng thanh tra bay còn cao hơn nhiều, mức cao nhất hiện tại là 167 triệu/tháng, dự kiến lên tới hơn 210 triệu đồng từ tháng 7 năm nay” – ông Minh nhấn mạnh.
Một câu hỏi lớn, cũng là phần trọng tâm không phải một năm mà nhiều năm nay các thế hệ lãnh đạo của VNA quan tâm đến tiền lương của người lao động, đặc biệt là lực lượng lao động kỹ thuật cao.
Ông Minh khẳng định nhiều năm nay, các thế hệ lãnh đạo của VNA luôn
quan tâm đặc biệt đến vấn đề tiền lương của người lao động, đặc biệt là lực lượng lao động kỹ thuật cao
Với mức tăng trưởng theo ông Minh là “2 con số mỗi năm”, kể từ nửa cuối 2015, ông Minh khẳng định Vietnam Airlines đã thực hiện được mặt bằng lương theo cam kết với người lao động là thu nhập đạt mức khoảng 80% so với mặt bằng khu vực hay nói cách khác là thu nhập của người nước ngoài mà Vietnam Airlines đang trả cho phi công nước ngoài.
Ông Minh cũng nhấn mạnh rằng thu nhập của phi công ở đây được hiểu là thu nhập trước thuế, với phi công nước ngoài là mức trả cho công ty quản lý phi công, đơn vị đứng ra ký hợp đồng với VNA.
Một thông tin khác được ông Minh cung cấp là VNA cũng đã đặt mục tiêu tuyển dụng, đào tạo nhằm tăng dần tỷ lệ phi công Việt Nam trong đội bay của mình. Nếu như năm 2010, tỷ lệ phi công nước ngoài trong đội bay của VNA là khoảng 50% thì tỷ lệ này liên tục giảm trong những năm gần đây và năm 2014 là 22%.
Thông tin cả trăm phi công Vietnam Airlines báo ốm dịp Tết Dương lịch là có thật
Trao đổi với báo chí, ông Minh cũng thừa nhận dịp Tết Dương lịch vừa qua, nhiều phi công của Vietnam Airlines bất ngờ cáo ốm. Thông tin về vấn đề được cho là “hiện tượng bất thường” này, ông Minh cho biết: Trong đợt cao điểm Tết dương lịch 30/12/2014 đến 4/1/2015, có 117 lượt phi công báo ốm trong đó chỉ có 10 trường hợp có giấy bác sỹ (chứng nhận của cơ quan y tế).
Đáng nói hơn, số phi công của đội bay Airbus chiếm hơn 90%. Số lượng này gấp hơn 2 lần cùng kỳ 2013-2014, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của VNA vào mùa cao điểm.
“Việc phi công báo ốm hàng loạt bất thường cộng thêm hiện tượng hàng chục phi công ở đội bay Airbus nộp đơn xin thôi việc là một sự việc nghiêm trọng” – ông Minh nhận định.
"Vấn đề chúng tôi quan tâm hơn là diễn biến tư tưởng của người lao động và làm thế nào giải quyết căn bản
vấn đề này với lực lượng lao động của TCT, ổn định tâm lý của lực lượng lao động trong TCT” - ông Minh nói
Xung quanh thông tin đa số phi công nghỉ việc thuộc đội bay Airbus, một số phóng viên đặt vấn đề liệu có phải ông Minh ám chỉ đến việc phi công của Vietnam Airlines đang có ý định chuyển sang đối thủ cạnh tranh là Hãng hàng không Vietjet, vì hãng này đang khai thác loại tàu bay này? Tuy nhiên, người đứng đầu Vietnam Airlines đã phủ nhận điều này. “Chúng tôi không nghĩ chuyện vừa rồi là do Vietjet. Vấn đề chúng tôi quan tâm hơn là diễn biến tư tưởng của người lao động và làm thế nào giải quyết căn bản vấn đề này với lực lượng lao động của TCT, ổn định tâm lý của lực lượng lao động trong TCT” – ông Minh nói.
Hơn nữa, ông Minh cho biết về ngắn hạn cũng như lâu dài, việc phi công báo ốm hàng loạt, thậm chí xin nghỉ việc nhiều bất thường sẽ ảnh hưởng đến an ninh - an toàn khai thác cũng như ảnh hưởng đến việc thực hiện các nhiệm vụ của TCT đã được Thủ tướng Chính phủ và Bộ GTVT trực tiếp chỉ đạo là phục vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước, phục vụ các nhiệm vụ chính trị.
Cuối cùng, người đứng đầu Vietnam Airlines cũng khẳng định “Vietnam Airlines không có chủ trương trả lương cho phi công theo bất kỳ mức giá nào mà thị trường hay đối thủ nào đó nêu ra. Chúng tôi nói rõ với tập thể lãnh đạo phi công của Đoàn bay 919 chúng tôi điều chỉnh lương theo lộ trình. 600 lao động là phi công được điều chỉnh đồng loạt chứ không riêng gì phi công cho loại máy bay nào.
Ngoài 600 người này, ông Minh cũng khẳng định TCT cũng đặc biệt quan tâm đến đời sống, thu nhập của hơn 9.000 lao động còn lại của TCT.
“Chính phủ can thiệp những chuyện thế này đã có tiền lệ trên thế giới”
Liên quan đến câu hỏi của phóng viên về việc Hãng có văn bản báo cáo và đề nghị Bộ chủ quản là Bộ GTVT và một số Bộ ngành khác liên quan như Bộ Tài chính, Bộ Lao động, thương binh và xã hội “can thiệp”, ông Minh cho biết đây không phải là lần đầu tiên.
Thực tế, từ 25/6/2014, bằng văn bản chính thức, lãnh đạo Vietnam Airlines đã dự báo nguy cơ này với lãnh đạo Bộ GTVT. TCT sau đó cũng đã nhận được chỉ đạo của Bộ về việc bên cạnh công tác tư tưởng, phải nhanh chóng điều chỉnh thu nhập cho lực lượng lao động đặc thù cho hợp lý.
“Rải rác từ đầu 2014, chúng tôi thấy có hiện tượng đầu tiên là kỹ sư thợ máy nộp đơn xin nghỉ việc. Chúng tôi đã làm công tác tư tưởng, vận động song vẫn có một số người quyết ra đi. Từ nửa cuối 2014, xuất hiện một số ít phi công xin nghỉ việc. Đến dịp Tết Dương lịch vừa rồi thì hiện tượng bất thường phi công báo ốm hàng loạt mới xảy ra.
Trước tình trạng phi công nghỉ việc và kiến nghị của Vietnam Airlines, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã yêu cầu Vietnam Airlines điều chỉnh chế độ tiền lương cho lực lượng lao động kỹ thuật cao trong quý I năm nay, để không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và uy hiếp hoạt động bay của Tổng công ty. Ngoài ra, Vietnam Airlines cần thực hiện những giải pháp cấp bách về tư tưởng, giáo dục để ổn định tình hình; có kế hoạch đào tạo, tuyển dụng sử dụng nguồn nhân lực kỹ thuật cao.
“Việc một hãng hàng không quốc gia lâm vào trình trạng như thế này không phải là không có tiền lệ trên thế giới. Cathay Pacific, Qantas… cũng đã phải đối mặt với tình trạng này. Trong nhiều trường hợp, chính phủ các nước đều can thiệp. Cụ thể, Chính phủ Trung Quốc yêu cầu Cathay Pacific tuyệt đối không đàm phán với nghiệp đoàn phi công đồng thời hỗ trợ hãng hàng không này cả về phương tiện và nhân lực để vượt qua khó khăn.
Với Vietnam Airlines - một hãng hàng không chủ lực quốc gia, khi có hiện tượng như vậy, chúng tôi có trách nhiệm báo cáo cơ quan quản lý nhà nước, tìm cách giải quyết để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ chính yếu của VNA là phục vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước, phục vụ các nhiệm vụ chính trị, đảm bảo an ninh quốc phòng, ông Minh chia sẻ với báo giới.
Phi công của Vietnam Airlines nghỉ việc phải bồi hoàn chi phí như thế nào?
Tại cuộc họp báo, một câu hỏi được đặt ra là phi công của VNA ra đi thì có phải bồi thường chi phí đào tạo cho hãng hay không, ông Minh nói: Ngay bây giờ chúng tôi mà nêu vấn đề này sẽ có tranh luận lớn bởi chi phí đào tạo cơ bản thì có thể đo đếm được nhưng chi phí để đào tạo cho học viên đó trở thành cơ trưởng, cơ phó, thậm chí cơ trưởng giáo viên, cơ trưởng thanh tra bay thì không tính được.
Cũng theo ông Minh: Một phi công sau khi hoàn tất khóa học phi công cơ bản sẽ phải tham dự các khóa huấn luyện chuyển loại, huấn luyện định kỳ và huấn luyện nâng cấp theo một quá trình dài trong nhiều năm. Để đào tạo được 1 phi công hay 1 thợ có chứng chỉ bảo dưỡng thì phần chi phí đào tạo trực tiếp (được ký trong hợp đồng đào tạo) là rất nhỏ so với các chi phí để tạo dựng được hệ thống tổ chức, hệ thống triển khai và nguồn nhân lực giáo viên, tài liệu, các quy trình và đặc biệt là môi trường tác nghiệp để người lao động hoàn thiện các kiến thức, kỹ năng.
Với phi công nước ngoài, VNA trả thu nhập trên cơ sở bằng cấp và kinh nghiệm phi công đó tự tích lũy ở những nhà khai thác khác, do không phải đào tạo. Với phi công Việt Nam, nhiều quá trình đào tạo do VNA tự thực hiện và chi trả chi phí (huấn luyện chuyển loại máy bay khai thác, huấn luyện nâng cấp lên lái phụ hoặc nâng cấp lên lái chính...) do vậy mức lương thấp hơn phi công nước ngoài, ông Minh giải thích thêm.