Sáng 5/6, tại Hà Nội, Bộ GTVT tiếp tục tổ chức Hội nghị lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp liên quan các Quyết định của Thủ tướng về cơ chế, chính sách thu hút xã hội hóa đầu tư bến xe, khuyến khích phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt và Dự thảo Quy hoạch tuyến vận tải hành khách cố định (VTHKCĐ) bằng xe ô tô sau 02 Hội nghị vừa được tổ chức tại Thành phố Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh.
Tham dự Hội nghị có Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Quyền, Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải Phan Thị Thu Hiền cùng lãnh đạo các Vụ, Cục, Văn phòng Bộ, Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia, Viện Chiến lược và Phát triển GTVT, Sở GTVT các tỉnh khu vực phía Bắc, đại diện các Hiệp hội vận tải, các bến xe, doanh nghiệp…
Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải Phan Thị Thu Hiền hướng dẫn thực hiện Quyết định
Theo bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải, Quyết định số 12 của Thủ tướng Chính phủ gồm 10 Điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/6/2015 sẽ tạo nhiều cơ chế chính sách, ưu đãi xã hội hóa khai thác bến xe khách như: miễn tiền thuê đất đối với các hạng mục bến xe, vận tải; ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp... Các tổ chức, cá nhân tham gia xã hội hóa bến xe phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, điều kiện cụ thể gồm giấy phép, nguồn vốn đầu tư tối thiểu chiếm 70% tổng số vốn đầu tư xây dựng bến xe khách (không bao gồm kinh phí giải phóng mặt bằng); tối thiểu 15% vốn đầu tư thuộc sở hữua của nhà đầu tư để thực hiện dự án và có kế hoạch bố trí đủ số vốn đầu tư còn lại. Quyết định số 13 tạo cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt. Theo đó, phụ tùng, linh kiện thuộc loại trong nước chưa sản xuất được để sản xuất, lắp ráp phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt được miễn thuế nhập khẩu. Miễn lệ phí trước bạ đối với phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt sử dụng năng lượng sạch…
Cũng tại Hội nghị, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và phát triển GTVT Lê Đỗ Mười đã trình bày dự thảo Quy hoạch chi tiết tuyến VTHKCĐ liên tỉnh đường bộ toàn quốc đến năm 2020. Theo đó, dự kiến đến năm 2020, cả nước sẽ có 3.715 tuyến đi đến 100% các trung tâm tỉnh, thành phố và hầu hết các huyện thị. So với 3.497 tuyến hiện nay, số tuyến quy hoạch bổ sung mới là 218 tuyến, tăng 6,2%. Quy hoạch phát triển chi tiết mạng lưới tuyến VTHK cố định liên tỉnh đường bộ thống nhất và hợp lý trên phạm vi cả nước và đáp ứng nhu cầu, tạo thuận lợi cho sự đi lại của nhân dân trên cơ sở đảm bảo hiệu quả khai thác của toàn mạng lưới tuyến, tăng cường kết nối các tuyến VTHK cố định liên tỉnh với các phương thức vận tải khác.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam phát biểu tại Hội nghị
Đóng góp ý kiến tại Hội nghị, đại diện các Sở GTVT, các đơn vị, doanh nghiệp cơ bản nhất trí về việc triển khai Quyết định 12, Quyết định 13 của Thủ tướng Chính phủ và kiến nghị các Bộ ngành liên quan sớm soạn thảo các văn bản hướng dẫn để thực hiện. Về Quy hoạch tuyến VTHKCĐ, các đại biểu thống nhất về mục tiêu, nội dung của dự thảo, nhưng còn nhiều ý kiến cho rằng, dự báo lưu lượng xe đến năm 2020 chưa chính xác, cần điều chỉnh và một số đề xuất bổ sung thêm tuyến mới…
Tổng kết Hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Quyền cho biết, Bộ GTVT và các đơn vị tham mưu xin tiếp thu các ý kiến đóng góp tại Hội nghị, sẽ nghiên cứu, xem xét và bổ sung vào dự thảo Quy hoạch tuyến VTHKCĐ.
Phó Tổng cục trưởng cũng đề nghị các tỉnh cần có sự thống nhất cao, nghiêm túc, chủ động triển khai 02 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, các tỉnh phải nghiên cứu, rà soát lại theo đặc thù mỗi địa phương; rà soát, công bố lại quy hoạch bến xe một cách rộng rãi; xây dựng lộ trình quy hoạch tuyến VTHKCĐ một cách chuẩn xác…
Sau Hội nghị này, đề nghị các Sở GTVT tiếp tục rà soát các nội dung cần thiết phải chuẩn xác hóa, bổ sung các ý kiến cần thiết hoàn thiện quy hoạch để trình Bộ trưởng Bộ GTVT ký ban hành trong thời gian gần nhất./.
KC