Thứ năm, ngày 16/01/2025

Hầm đường bộ Cổ Mã: Thông xe kỹ thuật vào cuối tháng 9

Thứ sáu, 11/09/2015 14:40 GMT+7

Sau gần 2 năm thi công, hầm Cổ Mã (Dự án hầm đường bộ đèo Cả) đã hoàn thành, vượt tiến độ 3 tháng so với cam kết. Dự kiến cuối tháng 9, hầm Cổ Mã sẽ chính thức thông xe kỹ thuật.

Tính đến ngày 8/9, đơn vị thi công gói thầu số 2 Công ty Cổ phần Sông Đà 10 đang hoàn tất những hạng mục cuối của Dự án hầm Cổ Mã. Con đường dẫn vào hầm được thảm nhựa phẳng lỳ, những người thợ hầm đang chỉnh trang, lắp đặt chỉ dẫn giao thông bằng đèn led. Trao đổi với phóng viên, ông Lê Quỳnh Mai - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả cho biết: “Đến thời điểm này, hầm Cổ Mã đã hoàn thành toàn bộ những hạng mục chính như hầm, đường dẫn, hệ thống chiếu sáng... Đơn vị thi công đang hoàn tất công đoạn chỉnh trang cảnh quan môi trường khu vực hầm. So với cam kết, phần xây dựng đã vượt tiến độ 3 tháng, phần hệ thống chiếu sáng vượt tiến độ 6 tháng. Dự kiến ngày 26-9, chúng tôi sẽ tổ chức thông xe kỹ thuật hầm Cổ Mã”.

Công nhân hoàn thiện hệ thống đèn chiếu sáng

Hầm Cổ Mã dài 500m, gồm 2 ống hầm song song cách nhau 30m, mỗi ống có chiều rộng gần 10m. Ống hầm được thiết kế với 2 làn xe, vận tốc khi qua hầm là 80km/giờ. Hầm Cổ Mã được thi công theo công nghệ NATM (New Austrian Tunneling Method) là phương pháp thi công hầm dưới mặt đất sử dụng tất cả những phương tiện có thể để phát triển khả năng tự chống đỡ lớn nhất của đá hay đất nhằm có được sự ổn định khi tiến hành khoan mở dưới lòng đất. Đây là công nghệ của Áo và khi thi công hầm Cổ Mã, đơn vị thi công đã vận dụng những tiến bộ phát triển mới nhất của Nhật Bản.

Hầm Cổ Mã chuẩn bị được thông xe kỹ thuật

Hầm Cổ Mã khởi công xây dựng từ tháng 11/2013. Đây là một phần của Dự án đầu tư xây dựng hầm đường bộ đèo Cả do Bộ Giao thông vận tải chủ trì, Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả là nhà đầu tư theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) và BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) với vốn đầu tư hơn 15.600 tỷ đồng, trong đó hầm Cổ Mã có vốn đầu tư khoảng 700 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Đình Tuấn - chuyên viên Ban quản lý Dự án hầm đường bộ đèo Cả cho biết thêm, công nghệ NATM được áp dụng vào hầm Cổ Mã đã làm cho hầm tự ổn định. Hầm đào đến đâu được bảo vệ ngay đến đó bằng lớp bê tông phun mỏng. Điều này tạo ra một vòng khuyên chịu tải tự nhiên làm giảm thiểu sự biến dạng của đá. Cùng với công nghệ đào hầm NATM, hầm Cổ Mã cũng được sử dụng những trang thiết bị cho hệ thống ánh sáng hiện đại từ Australia, Áo, Đức. Hầm có hệ thống quạt thông gió, bụi, ánh sáng cảm biến tự động. Hệ thống đường dẫn của hầm cũng được thảm bằng vật liệu bê tông nhựa polymer để chống hằn lún.

Cùng với việc bảo đảm tiến độ, công tác quản lý, kiểm soát chất lượng thi công cũng được ban quản lý dự án chú trọng. Ông Phạm Quang Chính - Phó Trưởng phòng Kỹ thuật Công ty Cổ phần Sông Đà 10 cho biết: “Để đảm bảo tiến độ, chất lượng thi công, chúng tôi huy động tối đa nhân lực và đưa vào những thiết bị thi công hiện đại. Đồng thời thi công 3 ca liên tục, không kể ngày nghỉ, lễ, tết. Đơn vị cũng chủ động khâu vật tư, đảm bảo vật tư luôn được tập kết đầy đủ để công nhân thi công liên tục, xuyên suốt. Trong quá trình thi công, chúng tôi thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở việc bảo đảm an toàn lao động, không để xảy ra mất an toàn, chậm tiến độ”.

Ông Huỳnh Duy Hùng - đại diện tư vấn giám sát hầm Cổ Mã đánh giá, nhà thầu đã đảm bảo thời gian thi công; chất lượng công trình cũng đảm bảo các yêu cầu chỉ dẫn kỹ thuật.

Nguồn: Báo Khánh Hòa

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)