Thi công khắc phục hằn lún cao tốc Nội Bài - Lào Cai
Lo dừng thu phí, phấn đấu xử lý xong hằn lún trước 31/10
Sau hơn một năm đi vào khai thác toàn tuyến, cao tốc Nội Bài - Lào Cai xuất hiện tình trạng hằn lún vệt bánh xe (HLVBX) khiến nhiều đoạn bị trồi sụt, ảnh hưởng đến an toàn của các phương tiện lưu thông. Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu chủ đầu tư - Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc VN (VEC) và các nhà thầu thi công khẩn trương khắc phục, xử lý. Nếu không hoàn thành trước 31/10, sẽ bị dừng thu phí.
"Toàn bộ chi phí khắc phục HLVBX và lún đầu cầu, đầu cống do nhà thầu chính chịu trách nhiệm bởi các gói thầu vẫn đang nằm trong thời gian bảo hành công trình”.
Ông Đào Quang Tuấn
Giám đốc Ban QLDA
Nội Bài - Lào Cai
|
Chiều 12/10, trực tiếp khảo sát trên toàn tuyến, PV Báo Giao thông ghi nhận, tình trạng HLVBX trên cao tốc dài nhất Việt Nam đã cơ bản được khống chế, các vị trí bị hư hỏng còn lại với khối lượng không nhiều và tập trung chủ yếu tại khu vực các Gói thầu từ A2 đến A5 đi qua địa phận hai tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ. Máy móc, thiết bị chuyên dụng để cào bóc mặt đường và dây chuyền thảm bê tông nhựa của các đơn vị thi công đang được tập trung tối đa tại ba vị trí xảy ra hằn lún gồm: Km 39+800, Km 45+100 (thuộc địa phận tỉnh Vĩnh Phúc) và Km 76+00 (tỉnh Phú Thọ).
Chỉ đạo trực tiếp tại công trường, ông Đào Quang Tuấn, Giám đốc Ban QLDA Nội Bài - Lào Cai cho biết, công tác khắc phục hằn lún mặt đường cơ bản thực hiện xong đối với các Gói thầu từ A6 đến A8 (từ Yên Bái đến Lào Cai). Trên tuyến chỉ còn lại một số vị trí cục bộ tại các Gói từ A2 đến A5 do Posco và Keangnam đảm nhiệm với vai trò là nhà thầu chính. Với trách nhiệm bảo hành công trình, hai nhà thầu ngoại này đang thuê ba dây chuyền thi công bê tông nhựa để khắc phục.
“Đến nay, công tác khắc phục tình trạng hằn lún mặt đường đã thực hiện được hơn 65 nghìn m2 (đạt 70%), còn lại khoảng 20 nghìn m2 đang được các nhà thầu triển khai. Chắc chắn sẽ hoàn thành trong tháng 10 theo đúng chỉ đạo của Bộ trưởng Đinh La Thăng”, ông Tuấn nói.
Cũng theo ông Tuấn, để đảm bảo chất lượng đối với những vị trí sửa chữa, chủ đầu tư đã yêu cầu các nhà thầu xem xét, điều chỉnh lại cấp phối bê tông nhựa, cấp phối đá dăm, đồng thời, bổ sung thêm phụ gia vào hỗn hợp bê tông nhựa để tăng cường độ của bê tông nhựa và hạn chế HLVBX.
Bù lún mặt đường chỉ là quy trình kỹ thuật
Cùng với công tác khắc phục HLVBX, theo ghi nhận, hiện tại, các đơn vị thi công trên tuyến đang tiến hành xử lý hiện tượng lún võng mặt đường tại bốn vị trí nền đất yếu được cắm biển theo dõi lún gồm các đoạn Km49, Km77, Km 79+500 và Km83. Trong đó, tại Km83 (nút giao IC10, tỉnh Phú Thọ), nhà thầu chính Keangnam đang thuê một dây chuyền thảm bê tông nhựa của Công ty Bê tông Hà Thanh tiến hành bù lún và hoàn thiện mặt đường với chiều dài hơn 300 m. Phần bên phải tuyến theo chiều Nội Bài - Lào Cai đã được thi công hoàn thiện, máy móc, thiết bị đang được đơn vị thi công chuyển sang làn bên trái để tiếp tục bù lún và hoàn thiện mặt đường. Theo tìm hiểu, đây là khu vực cần phải bù lún lớn nhất toàn tuyến với khối lượng bê tông nhựa cần khoảng 3 nghìn tấn.
Ông Đào Quang Tuấn cho biết, toàn dự án có 9 vị trí xử lý nền đất yếu, đến nay, đã hoàn thành bù lún và hoàn thiện mặt đường năm vị trí, còn lại bốn vị trí, các nhà thầu chính đang thuê hai dây chuyền của hai đơn vị là Công ty Bê tông Hà Thanh và Công ty Thái Bình để thi công.
“Việc thực hiện công tác bù lún đối các vị trí nằm trong phạm vi xử lý nền đất yếu là quy trình xử lý kỹ thuật bình thường, không phải mặt đường bị hư hỏng phải sửa chữa”, ông Tuấn nói và lý giải, trong quá trình thi công qua khu vực cần xử lý nền đất yếu, khi nền đương lún đến 90%, nhà thầu được phép dỡ tải để thi công móng đường, nền đường. Cùng với việc khắc phục, sửa chữa tình trạng HLVBX, chủ đầu tư đã chỉ đạo các nhà thầu tiến hành xử lý những vị trí lún võng mặt đường hoàn thành xong trước 31/10 theo đúng chỉ đạo của Bộ GTVT”, ông Tuấn cho biết.