Tại đây, Đoàn đã đến kiểm tra tuyến đường sắt Gia Lâm Hải Phòng tại Km17+500 đến Km18+00 thuốc địa bàn Thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Tại đây còn tồn tại 14 đường dân sinh. Theo báo cáo của Công ty Quản lý đường sắt Hà Hải, trong thời gian thực hiện nghị quyết 88 và Quy chế phối hợp Công ty đã nhiều lần phối hợp với UBND huyện Văn Lâm tiến hành cưỡng chế giải tỏa các đường dân sinh trái phép tại đây, nhưng sau giải tỏa, tình trạng tái vi phạm lại tiếp diễn. Còn tại Km83+00 đến Km89+00 tuyến đường sắt Gia Lâm - Hải Phòng thuộc địa bàn huyện An Dương, thành phố Hải Phòng, tồn tại 39 đường dân sinh và 4 đường ngang (một đường phòng vệ bằng biển báo, hai đường CBTĐ, một đường ngang có người gác). Ban an toàn giao thông đang tổ chức xây dựng hàng rào, đường gom tại đây.
Theo báo cáo của Ban ATGT thành phố Hải Phòng, sau khi dự án hoàn thành sẽ tổ chức lại giao thông tại khu vực này và trên đoạn tuyến từ Km 83-85 chỉ còn 8 đường ngang được phòng vệ bằng cần chắn tự động, toàn bộ nguồn vốn trên Thành phố Hải Phòng sẽ đầu tư để thực hiện, các hộ dân tại khu vực này tự động bàn giao mặt bằng để đơn vị thi công thực hiện.
Phó Tổng giám đốc Tổng công ty ĐSVN Nguyễn Văn Minh cho rằng: "Sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương và chủ động tích cực của Tổng công ty ĐSVN sẽ là cơ sở để hạn chế, đẩy lùi các nguy cơ tai nạn giao thông đường sắt tại các điểm giao cắt giữa đường sắt với đường bộ".
Tân Phó Tổng giám đốc Tổng công ty đã chỉ đạo Công ty Quản lý đường sắt Hà Hải phối hợp với UBND các địa phương đi kiểm tra rà soát các đường ngang, đường dân sinh trên địa bàn. Theo đó, 2 bên sẽ cùng bàn bạc để tìm các biện pháp đảm bảo an toàn như: Thành phố đầu tư kinh phí cải tạo 8 mặt lát đường dân sinh, xây dựng 2,5km hàng rào đường gom, duy trì 9 điểm cảnh giới, cùng với đó Công ty Quản lý đường sắt Hà Hải tổ chức hướng dẫn nghiệp vụ cho lực lượng cảnh giới của địa phương, trang cấp dụng cụ phòng vệ cho lực lượng này.