Tình huống giả định là vụ tai nạn xảy ra tại đường số 6 ga Đông Anh. Tại hiện trường có 3 toa xe hàng bị trật bánh. Cụ thể: Toa xe H chở Apatit (số xe 432110) bị trật bánh hai giá chuyển hướng cách ray 2m; toa xe N rỗng (số xe 531406), trật bánh hai giá chuyển hướng cách ray 0,8m và toa xe M rỗng (số xe 631839), trật bánh một trục cách ray 0,2m.
Lực lượng trực tiếp tham gia giải quyết tai nạn là 5 tổ: tổ cẩu cứu hộ KATO - Chi nhánh ĐS Đông Anh; tổ cẩu cơ động, cơ giới, tổ ứng phó khu gian Yên Viên - Xí nghiệp Vận dụng toa xe hàng Hà Nội và Tổ cẩu 1435 - Xí nghiệp Đầu máy Yên Viên. Cùng với đó là các thiết bị phục vụ cho việc cứu hộ như: cẩu đường bộ KATO - tải trọng 50 tấn, cẩu ĐS KIROW (khổ 1000m) - tải trọng 100 tấn, cẩu ĐS 1435 (khổ đường 1435mm) - tải trọng 100 tấn, bộ ky điện…
Ngay khi Phó Tổng giám đốc Tổng công ty ĐSVN Đoàn Duy Hoạch phát lệnh diễn tập, toàn bộ lực lượng cứu hộ khẩn trương và tập trung thực hiện nhiệm vụ. Hội đồng Giải quyết TNGT ĐS nhanh chóng nắm bắt tình hình, lập phương án và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ phận Vận tải, Toa xe, Cầu đường, Thông tin tín hiệu, Đầu máy…
Các đội cứu viện lập tức tiếp cận hiện trường, khẩn trương thực hiện công tác cứu hộ lúc 9h00'. Tổ cứu hộ ứng phó khu gian Yên Viên dùng bộ ky điện đưa toa xe N (bị trật bánh 01 trục) lên đường ray lúc 09h30’. Tổ cứu viện cơ động tổ chức ky toa xe M xong giá thứ nhất lúc 9h51’, đưa toàn bộ xe lên đường lúc 10h39’. Đối với toa xe H, cẩu KIROW và cẩu đường bộ KATO phối hợp đưa lên đường ray trong thời gian từ 9h đến 9h25. Sau đó, cẩu 1435 tiếp cận hiện trường lúc 9h45’ phối hợp cùng cẩu KATO, cẩu toa xe H lên đường ray lúc 10h35’.
Sau hơn 1,5 giờ cứu chữa, các toa xe đã được đưa lên đường ray, cung đường được kiểm tra, chữa đường và trả đường với tốc độ 10 km/h. Các đơn vị đã thực hiện đúng quy trình tác nghiệp, phối hợp ăn ý, chính xác, đảm bảo đúng tiến độ đề ra.
Phát biểu tại buổi diễn tập, Ông Đoàn Duy Hoạch - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty ĐSVN, Trưởng ban Chỉ đạo diễn tập cho biết: “Những vụ cứu chữa tai nạn giao thông ĐS vừa qua còn chậm mặc dù lực lượng tham gia đông. Vì vậy, việc tổ chức diễn tập lần này nhằm kiểm tra tính sẵn sàng, khả năng ứng phó, xử lý tình huống thực tế của Ban chỉ đạo, sự phối hợp giữa các đơn vị cũng như đội ngũ trực tiếp tham gia giải quyết sự cố, tai nạn. Từ đó, nâng cao năng lực thực hành của lực lượng cứu hộ, góp phần đảm bảo công tác ứng phó, giải quyết tai nạn được thực hiện nhanh chóng, chính xác, hiệu quả và an toàn”.
Mặc dù còn nhiều điều cần bổ sung, rút kinh nghiệm nhưng buổi diễn tập thực sự là bài học thực tế thiết thực cho các đơn vị trong công tác cứu hộ. Theo kế hoạch, vào đầu năm 2106, Tổng công ty Đường sắt VN sẽ tiếp tục tổ chức diễn tập tại khu vực miền Trung và miền Nam.