Thứ tư, ngày 15/01/2025

Năm 2015, xử phạt gần 55 nghìn xe quá tải

Thứ sáu, 08/01/2016 14:15 GMT+7

Trong năm 2015, Tổng cục ĐNVN đã xử lý gần 55 nghìn xe quá tải, nộp Kho bạc nhà nước gần 400 tỷ đồng.

Lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, xử lý xe vi phạm chở quá tải trọng quy định.

Quyết liệt xử lý xe quá tải

Với vai trò là cơ quan thường trực thực hiện công tác kiểm soát tải trọng xe, ngay từ đầu năm 2015, Tổng cục ĐBVN đã chỉ đạo các Cục QLĐB, các đơn vị trực thuộc phối hợp với các Sở GTVT, Cục ĐKVN, Công an các đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT, Bộ Công an trong công tác KSTTX; chủ trì dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác KSTTX; tiến hành kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các hành vi thay đổi kích thước thùng chở hàng trái phép đối với xe ô tô tải tự đổ trên các quốc lộ, các nhà máy, xí nghiệp, kho bãi, bến cảng.

Để đảm bảo công tác kiểm soát tải trọng xe đạt hiệu quả, trong năm 2015, Tổng cục báo cáo Bộ GTVT chấp thuận, đầu tư thêm 13 bộ bàn cân KTTTX lưu động và 30 bộ cân xách tay để tăng cường cho các địa phương có nhiều xe quá tải hoạt động. Đồng thời điều chuyển Trạm KTTTX lưu động của tỉnh Bạc Liêu cho tỉnh Hải Dương và của Cục QLĐB I cho TP. Hải Phòng.

Bên cạnh đó, hiện đang triển khai lắp đặt thí điểm hệ thống cân động tốc độ cao do Chính phủ Nhật Bản tài trợ (Công ty TANAKA thực hiện) tại Km78/QL.5, đoạn qua TP Hải Phòng; Hướng dẫn các Nhà đầu tư lắp đặt hệ thống cân KTTTX tại các Trạm thu phí và kết nối về Tổng cục ĐBVN: BOT Đại Dương, Km98/QL.18, Quảng Ninh; BOT Tasco, Km604/QL.1 Quảng Bình; Long Phước, Km11/cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây), An Sương – An Lạc/QL.1, đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng...

Cùng với đó, lãnh đạo Tổng cục ĐBVN trực tiếp làm việc với một số địa phương khi có sự vụ, sự cố để kịp thời chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn cho lực lượng KSTTX; làm việc với một số doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn trong quá trình vận chuyển hàng hóa.

Mặt khác, Tổng cục ĐBVN và Cục Đăng kiểm Việt Nam ký ban hành Kế hoạch phối hợp kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm của xe ô tô chở hàng quá tải trọng, thay đổi kích thước thành thùng xe, nâng cao hiệu quả công tác kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện cơ giới đường bộ.

Ngoài ra, Tổng cục ĐBVN đã ban hành nhiều văn bản đôn đốc, chỉ đạo các đơn vị, các Sở GTVT trong công tác KSTTX.

Cơ bản không còn xe đường dài vi phạm quá tải

Công tác kiểm soát tải trọng phương tiện tiếp tục được sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, UBATGTQG, sự phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ GTVT trong công tác chỉ đạo, điều hành; UBND cấp tỉnh đã tích cực vào cuộc  triển khai đồng bộ các nhiệm vụ giải pháp tại Thông báo số 04, rà soát Quyết định, Quy chế của địa phương để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với Kế hoạch 12593; các Bộ, ngành liên quan vào cuộc theo chức năng quản lý. Bố trí kinh phí, cơ sở vật chất phục vụ kiểm soát tải trọng phương tiện; tại một số địa phương như: Hà Tĩnh, Hòa Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, ... đồng chí chủ tịch UBND tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh, Giám đốc Sở GTVT, Chủ tịch UBND cấp huyện trực tiếp kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kiểm soát tải trọng xe, do vậy tình hình vi phạm chở quá tải đã giảm hẳn, tạo được sự đồng thuận và ủng hộ của xã hội; thị phần vận tải đang được cơ cấu lại hợp lý, kết hợp hài hòa các phương thức vận tải.

Trong năm 2015, công tác kiểm soát tải trọng phương tiện được triển khai rộng khắp trên toàn quốc, các lực lượng chức năng Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông, Cảnh sát khác, Kiểm soát quân sự mà nòng cốt là lực lượng Cảnh sát giao thông và Thanh tra giao thông, Thanh tra các Cục QLĐB đã khắc phục khó khăn, tăng cường kiểm tra, kiểm soát liên tục 24/24 giờ và 7 ngày trong tuần, đã tác động mạnh đến các Doanh nghiệp vận tải, chủ hàng, chủ xe, lái xe chấp hành quy định về vận tải đường bộ; tình trạng xe ô tô chở hàng quá tải đã giảm nhiều, góp phần bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, giảm tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông.

Cùng với đó, các cơ quan truyền thông, phương tiện thông tin đại chúng như: Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, truyền hình Công an nhân dân, truyền hình VTC, Báo Giao thông, Báo Công an nhân dân, Báo, Đài địa phương... tiếp tục vào cuộc quyết liệt trong công tác tuyên truyền, vận động mang lại hiệu quả tích cực và được dư luận xã hội, các Hiệp hội nghề nghiệp đồng tình ủng hộ; đồng thời phản ảnh về hiện tượng bất cập trong công tác kiểm soát tải trọng phương tiện.

Tính từ 1/01 - 15/12/2015, các Trạm KTTTX trên cả nước và Thanh tra các Sở GTVT sử dụng cân xách tay đã tiến hành kiểm tra 635.351 xe, phát hiện 50.863 xe vi phạm, trong đó 2.367 xe vi phạm về kích thước thùng hàng, tước 20.289 Giấy phép lái xe, xử phạt nộp kho bạc nhà nước 345 tỷ đồng.

Thanh tra các 4 Cục QLĐB đã tiến hành kiểm tra và xử lý 2.802 xe, trong đó 2.079 xe vi phạm về tải trọng, 601 xe vi phạm về kích thước thùng hàng, xử phạt nộp kho bạc nhà nước 44,7 tỷ đồng.

Theo Báo cáo của Tổng cục ĐBVN, đến nay, nhìn chung trên phạm vi toàn quốc cơ bản không còn tình trạng xe quá tải lưu thông đường dài (Bắc – Nam), chỉ còn khoảng 01% xe quá tải lưu thông trong phạm vi vùng, qua các tỉnh lân cận; không còn xe vi phạm chở hàng quá tải trên 300%, chủ yếu mức quá tải từ 20% - 50%, mức quá tải trên 50% - trên 100% không đáng kể, tổng thể số lượng xe quá tải đã giảm khoảng 91,5%. (còn khoảng 8,5% xe quá tải).

Lực lượng liên ngành triển khai công tác cân kiểm tra xe vi phạm tải trọng.

Thực hiện mục tiêu "xóa sổ" xe quá tải

Thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT đã ban hành nhiều văn bản và đề xuất một loạt biện pháp xử lý mạnh tay đối với xe chở quá tải, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, việc kiểm tra và xử lý vi phạm về bốc xếp hàng hóa lên phương tiện tại các cơ sở đầu nguồn hàng, kho bãi, bến cảng còn chưa được thường xuyên, liên tục, kết quả còn hạn chế, chưa phân tích được số liệu sau khi đã kiểm tra; Một số địa phương có cảng, mỏ chưa quyết liệt kiểm soát việc xếp hàng lên xe và chưa kiên quyết xử lý.

Vẫn còn một bộ phận doanh nghiệp vận tải, chủ hàng, chủ xe, lái xe ý thức chấp hành pháp luật giao thông đường bộ, các quy định về vận tải đường bộ chưa nghiêm. Một số Doanh nghiệp có xe vi phạm khi bị kiểm tra thường tìm mọi cách né tránh, giấu xe, cho người theo dõi Tổ KTTTX hoặc khi bị kiểm tra thì không chấp hành như đóng cửa xe bỏ đi, lôi kéo nhiều người chống đối, gây rối, cản trở Lực lượng KSTTX.

Nhiều Ban QLDA, Nhà thầu thi công, Nhà đầu tư BOT, Doanh nghiệp Cảng, mỏ, Nhà máy sản xuất xi măng, Clinker, Doanh nghiệp vận tải, mặc dù đã ký cam kết với Bộ GTVT và UBND các tỉnh về không bốc xếp, tiếp nhận phương tiện vận tải hàng hóa quá tải trọng quy định, nhưng thực tế vẫn vi phạm cam kết, không phối hợp với các Đoàn Thanh tra của các Cục QLĐB, hoặc phối hợp rất hạn chế trong công tác xử lý xe quá tải và xe cơi nới thành thùng.

Một số Dự án BOT đã lắp đặt hệ thống cân kiểm tra tải trọng xe ghép với trạm thu phí, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại chưa hệ thống cân nào hoàn thiện để có thể dùng kết quả xử phạt vi phạm hành chính.

Theo phản ánh của các cơ quan thông tấn báo chí, phản ánh của người dân về đường dây nóng của Tổng cục ĐBVN và công tác nắm bắt tình hình, một số địa phương vẫn còn tình trạng xe quá tải, xe có kích thước thùng hàng vượt quá quy định chở vật tư, vật liệu xây dựng đi qua các địa phương liền kề như Hà Nội, Thanh Hóa, Ninh Bình, Hà Nam, Hưng Yên, Vĩnh Phúc v.v…

Để phát huy những kết quả đã đạt được, đồng thời thực hiện mục tiêu chấm dứt tình trạng xe quá tải, Tổng cục ĐBVN chỉ đạo các Sở GTVT, các Cục QLĐB tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp để thực hiện có hiệu quả Kế hoạch tổ chức đợt cao điểm kiểm soát tải trọng phương tiện trong 02 tháng cuối năm 2015 được ban hành kèm theo Quyết định số 4087/QĐ-BGTVT ngày 17/11/2015 của Bộ trưởng Bộ GTVT; Nâng cao hiệu quả phát hiện, xử lý vi phạm, bảo đảm số xe vi phạm trong số xe dừng cân kiểm tra đạt tỷ lệ từ 70% trở lên, hạn chế đến mức thấp nhất việc dừng xe kiểm tra mà không vi phạm; các vi phạm được phát hiện trên tuyến phải tiến hành làm rõ quá trình vi phạm theo đúng nội dung trong Kế hoạch cao điểm; Lực lượng Thanh tra GTVT, Công chức Thanh tra GTVT nắm bắt tình hình, phản ánh của báo chí và người dân; căn cứ tình hình thực tế chủ động có kế hoạch kiểm tra, thanh tra đột xuất trên các tuyến giao thông, kiểm tra hành vi vi phạm về tải trọng phương tiện và kích thước thành thùng xe; tập trung kiểm tra tại các đầu nguồn hàng, khu vực cảng, bến, mỏ vật liệu, công trình, dự án lớn; đặc biệt là các trường hợp san tải trước khi vào cảng, dồn tải sau khi ra khỏi cảng và xử phạt vi phạm hành chính đối với từng chủ thể có hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật…

Trong thời gian tới, Tổng cục ĐBVN tiếp tục nghiên cứu, bổ sung quy định thu hồi phù hiệu hoặc Giấy phép kinh doanh vận tải vào Thông tư số 10/2015/TT-BGTVT ngày 15/4/2015 của Bộ GTVT; Tiếp tục phối hợp với các cơ quan tham mưu của Bộ GTVT hoàn thiện trình Chính phủ Nghị định thay thế Nghị định số 171/2013/NĐ-CP ngày 17/11/2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

Bên cạnh đó, triển khai thực hiện Quy chế phối hợp giữa Tổng cục ĐBVN và Tổng cục Cảnh sát về việc phối hợp thực hiện nhiệm vụ bảo đảm TTATGT và bảo vệ KCHTGTĐB.

Triển khai thực hiện Kế hoạch phối hợp giữa Tổng cục ĐBVN và Cục Đăng kiểm Việt Nam về việc phối hợp kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm của xe ô tô chở hàng quá tải trọng, thay đổi kích thước thành thùng xe, nâng cao hiệu quả công tác kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện cơ giới đường bộ

Phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí của Trung ương và địa phương mở đợt cao điểm tuyên truyền về kiểm soát tải tải trọng phương tiện; nêu gương điển hình tốt và chưa tốt trên các phương tiện thông tin đại chúng.



 

Nguồn: http://duongbo.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)