Vượt đèn đỏ diễn ra như cơm bữa
Việc tuân thủ đèn tín hiệu giao thông không chỉ đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông, mà còn được xem là một nét đẹp trong VHGT. Tuy nhiên, vẫn còn không ít người dân thiếu ý thức, cố tình vượt đèn đỏ khi tham gia giao thông. Tại ngã tư đường Nguyễn Gia Thiều - Nguyễn Chí Thanh (phường Phú Hậu, TP. Huế) tình trạng vượt đèn đỏ diễn ra như cơm bữa cho dù đây là tuyến đường khá hẹp, phương tiện tham gia giao thông dày đặc. Khi có tín hiệu đèn đỏ, chỉ có 1-2 người dừng lại, còn phần lớn người điều khiển xe vẫn vô tư vượt đèn, trong đó có cả xe tải khiến cho người dân bức xúc.
Tình trạng vượt đèn đỏ vẫn khá phố biến khi vắng lực lượng chức năng (Ảnh chụp tại đường Phạm Văn Đồng)
Bà Nguyễn Thị Hoa - trú đường Nguyễn Gia Thiều cho biết: “Dù đã được lắp đặt hệ thống đèn giao thông, nhưng số người tuân thủ tín hiệu đèn thì chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đã có không ít tai nạn giao thông xảy ra tại đoạn đường này, nặng thì tử vong, nhẹ thì cũng trầy xước”.
Tại chốt đèn đỏ giao nhau giữa đường Phạm Văn Đồng với đường Lâm Hoằng, hay ngã tư Phạm Văn Đồng - Tùng Thiện Vương, tình trạng vi phạm tín hiệu đèn càng diễn ra phổ biến. Khi thấy đèn vàng, thay vì dừng xe trước vạch sơn thì nhiều người điều khiển phương tiện cố tăng ga để vượt. Một số người chờ đèn đỏ lâu cũng lấn dần ra giữa ngã tư rồi lách qua dòng xe đang cắt ngang để sang đường.“Tại chốt đèn giao thông này ít người chấp hành tín hiệu đèn giao thông. Lúc có lực lượng CSGT làm nhiệm vụ thì người dân chấp hành khá nghiêm túc, nhưng khi không có người trực thì tình hình đâu lại vào đó”, ông Bùi Văn Khánh - người dân tại đây cho hay.
Ngoài vi phạm tín hiệu đèn giao thông, hành vi chở quá số người quy định, không đội mũ bảo hiểm khi điều khiển phương tiện, lạng lách, phóng nhanh, vượt ẩu; bấm còi inh ỏi, thậm chí gây sự, đánh nhau mỗi khi có va chạm xảy ra vẫn diễn ra khá phổ biến.
Cốt lõi vẫn là ý thức người dân
Từ những ứng xử thiếu văn hóa khi tham gia giao thông như trên đã dẫn đến những tai nạn, va chạm đáng tiếc xảy ra, khiến nhiều người bị thương, thậm chí là tử vong. Tổn thất do TNGT để lại hệ lụy lâu dài cho gia đình và xã hội. Trong 3 tháng đầu năm, từ 16/1-16/4, trên địa bàn TP. Huế xảy ra 49 vụ TNGT đường bộ.
Để giảm thiểu TNGT, thời gian qua, Công an TP. Huế đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tuyên truyền, từ huy động lực lượng cảnh sát giao thông đến công an các phường, nhất là tuyên truyền cho người tham gia giao thông tại các trục giao lộ trọng điểm, nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho người tham gia giao thông.
Thượng tá Trương Thế Vũ - Phó Trưởng Công an TP. Huế cho biết: “Hằng ngày, lực lượng CSGT TP. Huế đều cắt cử lực lượng chốt chặn ở các tuyến đường có hệ thống đèn, tiến hành xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm an toàn giao thông. Tuy nhiên, những vi phạm vẫn xảy ra khi không có lực lượng chức năng. Do đó, để xây dựng VHGT trong toàn cộng đồng, cần nhất vẫn chính là ý thức của mỗi người dân”.
Để xây dựng VHGT, các cơ quan chức năng cần có chiến lược tuyên truyền sâu rộng và dài hơi, phù hợp với đặc thù từng nhóm đối tượng; đồng thời cần có chế tài xử lý nghiêm, đủ sức răn đe và tạo chuyển biến trong nhận thức của người tham gia giao thông. Và mỗi người dân hãy bắt đầu từ những thói quen: đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe máy; nghiêm chỉnh chấp hành tín hiệu giao thông; không uống rượu, bia khi tham gia giao thông…
4 tháng đầu năm, địa bàn toàn tỉnh Thừa Thiên Huế xảy ra 142 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm 54 người chết, 126 người bị thương. So với cùng kỳ năm 2015, giảm 13 vụ, tăng 1 người chết và giảm 24 người bị thương.