Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Phú Yên, các sở, ban, ngành phối hợp tăng cường công tác phòng chống tai nạn thương tích và đuối nước cho học sinh, trẻ em. Các lớp học truyền thông phòng, tránh đuối nước và hướng dẫn kỹ năng bơi cho trẻ được tổ chức tại các huyện: Tây Hòa, Tuy An và Đồng Xuân. Mỗi lớp học thu hút khoảng 80 em từ 5-12 tuổi tham gia. Kinh phí cho hoạt động này trên 56 triệu đồng.
Với mục đích nâng cao nhận thức cho trẻ em và các gia đình về tai nạn đuối nước, các lớp học truyền thông phòng, tránh đuối nước và hướng dẫn kỹ năng bơi cho trẻ trong dịp hè đã nhận được sự quan tâm của phụ huynh và tham gia của các em học sinh.
Ngoài việc được cung cấp các kiến thức cơ bản về môi trường tắm an toàn, các học viên còn được thực hành cách xử lý khi bị đuối nước. Bên cạnh trang bị những kiến thức cơ bản, phần thực hành luôn được các giáo viên dạy bơi chú trọng. Để đảm bảo an toàn cho trẻ trong quá trình học, các học viên phải khởi động kỹ trước mỗi buổi học. Khi xuống nước, các học viên lần lượt xuống từng em và luôn đề cao tính kỷ luật, tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra. Tuy nhiên, vì hầu hết các em tham gia lớp học này đều chưa biết bơi nên khi xuống nước, nhiều em không khỏi lo lắng.
![](/Images/editor/images/HOA/tre-tap-boi.jpg)
Trẻ em ở huyện Tây Hòa háo hức tập bơi
Theo số liệu thống kê của Phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em - Bình đẳng giới (Sở LĐ-TB-XH Phú Yên), từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh xảy ra 4 vụ trẻ em bị đuối nước. Trong đó, Phú Hòa 2 trường hợp, Tây Hòa 1 trường hợp và Đồng Xuân 1 trường hợp. Mặc dù đã có sự vào cuộc của các cấp, ngành và gia đình, nhưng vẫn chưa có biện pháp ngăn chặn hiệu quả. Nguyên nhân chủ yếu là do trẻ không biết bơi, chưa được trang bị đầy đủ những kiến thức về an toàn trên mặt nước. Nhiều bậc phụ huynh vẫn còn tâm lý chủ quan, thiếu sự quản lý và theo dõi chặt chẽ đối với con em mình. Tình trạng trẻ tự do tìm đến sông, hồ, ao đùa nghịch, tắm mát mà không có sự giám sát của người lớn, không có trang bị bảo hộ… vẫn còn thường xuyên xảy ra.
Anh Đào Tấn Tiến, phụ huynh em Đào Huỳnh Hiệp và Đào Như Hòa tham gia khóa học này, cho biết: “Quá nhiều vụ đuối nước thương tâm, khiến tôi và nhiều phụ huynh khác cảm thấy lo lắng. Vì thế, dù công việc có bận rộn đến mấy nhưng gia đình vẫn cố gắng cho cháu đến lớp học bơi và sắp xếp thời gian đưa đón cháu đúng giờ”.
Tuy nhiên, do điều kiện còn nhiều khó khăn nên các địa phương trên địa bàn tỉnh chưa có hồ bơi chuyên dụng để tổ chức công tác dạy bơi cho trẻ. Vì vậy, việc tận dụng chính địa hình sông, suối tại địa phương để làm nơi tập bơi cho trẻ như ở huyện Tây Hòa là một cách làm sáng tạo và linh hoạt. Anh Nguyễn Văn Chính, giáo viên Thể dục Trường THCS Phạm Văn Đồng, chia sẻ: “Tận dụng địa hình sẵn có trên địa bàn để làm nơi hướng dẫn kỹ thuật bơi cho các em là cách làm hay, giúp các em không có điều kiện đến các trung tâm dạy bơi có cơ hội được học bơi. Tuy nhiên, trong quá trình hướng dẫn các em tập bơi vì chưa có đồ bơi chuyên dụng, thiếu phòng thay đồ nên gây không ít khó khăn”.
Ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Trưởng Phòng LĐ-TB-XH huyện Tây Hòa, cho biết: “Nguy cơ đuối nước luôn rình rập đối với trẻ em. Trước thực trạng đáng báo động này, bên cạnh sự quan tâm của các cơ quan chức năng thì các bậc làm cha, làm mẹ cần quản lý và chăm sóc con cái mình cẩn thận hơn. Chúng tôi hy vọng, lớp học này sẽ trang bị cho các em những kỹ năng cơ bản về kỹ thuật bơi để các em có thể tự bảo vệ mình, tránh những tai nạn thương tâm xảy ra”.