Lực lượng cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn của người tham gia giao thông trên Quốc lộ 25
Bi hài chuyện xử lý
Xử phạt vi phạm về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện là một trong những việc không khó nhưng gây nhiều rắc rối và mất thời gian đối với lực lượng cảnh sát giao thông. Trong quá trình thực thi nhiệm vụ trên các tuyến đường, cán bộ Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Phú Yên gặp nhiều câu chuyện bi hài. Đại úy Phạm Ngọc Lam, Đội phó Đội tuần tra số 2, kể: Thường thì từ 19 giờ trở đi là thời điểm các quý ông về nhà sau cuộc lai rai. Đây cũng là lúc tổ công tác chuyên kiểm tra nồng độ cồn của Phòng Cảnh sát giao thông tiến hành dừng xe kiểm tra nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện trên các tuyến đường. Nhiều đối tượng khi bị lực lượng chức năng ra hiệu lệnh dừng xe thì đóng cửa ô tô “cố thủ” và nằm trên ghế lái đánh luôn một giấc, chẳng còn biết gì nữa. Với những trường hợp như vậy, chúng tôi đành “chờ” họ thức dậy mới có thể làm việc được.
Theo chân các chiến sĩ của đội tuần tra số 2, chúng tôi chứng kiến không ít tình huống như vậy. Trường hợp của anh V.H.C ở huyện Phú Hòa là một ví dụ. Sau khi nhậu cùng bạn bè ở TP Tuy Hòa, anh C tự lái ô tô lưu thông trên Quốc lộ 25 về nhà thì bị cảnh sát giao thông yêu cầu dừng xe, kiểm tra giấy tờ và đo nồng độ cồn. Qua kiểm tra, lực lượng thực thi nhiệm vụ phát hiện nồng độ cồn của a C vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở nhưng anh này vẫn khăng khăng nói rằng anh chỉ uống một ly bia và không đồng ý ký vào biên bản xử lý. Lực lượng cảnh sát giao thông phải mất cả tiếng đồng hồ để giải thích và đưa ra bằng chứng số đo khí thở trên máy thì anh C mới chịu.
Đó là một trong những trường hợp chịu chấp hành xử phạt vi phạm nồng độ cồn khi bị xử lý. Theo đại úy Lam, có trường hợp khi bị lực lượng cảnh sát giao thông yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn, tài xế không chịu thổi vào máy đo hoặc thổi rất nhẹ, cảnh sát giao thông phải nhắc nhở và hướng dẫn cả chục lần mới chịu thực hiện đúng. Có người còn tìm cách câu giờ như gọi điện thoại cho nhiều người, thậm chí dùng điện thoại… lướt mạng. Còn chuyện say xỉn, chửi bới, thách thức công an là chuyện thường. “Bởi vậy, xử lý các trường hợp vi phạm nồng độ cồn rất mất thời gian, có khi chỉ một trường hợp mà chúng tôi mất cả tiếng đồng hồ”, đại úy Lam nói.
Bài học cho “ma men”
Theo thượng tá Ngô Văn Ương, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông Công an Phú Yên, uống rượu bia là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tai nạn giao thông, nhất là những vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng. Nửa tháng nay, lực lượng cảnh sát giao thông Công an tỉnh tổ chức đợt cao điểm ra quân xử lý người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộcó nồng độ cồn vượt mức cho phép. Các tuyến đường được tập trung kiểm tra là các Quốc lộ 25, 29, 1, đường nội thành, tuyến có nhiều quán, nhà hàng… Thời gian kiểm tra từ 19-23 giờ mỗi ngày. Các đối tượng vi phạm nồng độ cồn bị xử lý nghiêm theo quy định của Nghị định 46 của Chính phủ.
Theo thống kê từ Công an tỉnh Phú Yên, từ ngày ra quân cao điểm xử lý nồng độ cồn đến nay, lực lượng cảnh sát giao thông toàn tỉnh đã xử lý 70 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Bên cạnh việc xử lý kiên quyết, cảnh sát giao thông còn lồng ghép tuyên truyền an toàn giao thông, trong đó nhấn mạnh các quy định về việc sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông nhằm thay đổi nhận thức, hành vi của người điều khiển phương tiện. Qua đó, đa số người dân đều nắm được quy định xử phạt mới và có ý thức hơn khi điều khiển phương tiện lưu thông trên đường, đặc biệt là không sử dụng rượu, bia khi điều khiển các loại xe tham gia giao thông. Ông Nguyễn Tiến Đạt ở huyện Tây Hòa, chia sẻ: “Tôi lái ô tô nhiều năm rồi, nhưng đây là lần đầu tiên bị phạt vì nồng độ cồn. Chỉ uống một hai ly bia nhưng vừa qua tôi bị phạt 8 triệu đồng vì vượt nồng độ cồn cho phép. Đau lòng vì mất tiền nhưng cũng là bài học lớn, bởi khi tỉnh ra mới thấy việc uống rượu bia khi lái ô tô là rất nguy hiểm cho bản thân và người đi đường”.
Anh Trần Trung Tín ở TP Tuy Hòa cũng phải đến Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh để nộp phạt 2 triệu đồng vì lỗi vi phạm nồng độ cồn. Tuy đây chưa phải là mức phạt hết khung nhưng cũng để lại cho anh Tín một bài học lớn. “Do có công việc nên tôi uống mấy chai với bạn bè trước khi điều khiển xe máy về, thế là bị lực lượng chức năng yêu cầu dừng lại kiểm tra, đo nồng độ cồn và xử phạt. 2 triệu đồng đối với tôi là số tiền lớn, do vậy, từ nay có uống rượu bia thì tôi uống tại nhà hoặc nếu đi uống thì sẽ đón taxi về”, anh Tín tự dặn lòng khi nhìn tờ biên lai nộp phạt.
Theo Nghị định 46 của Thủ tướng Chính phủ, mức xử phạt đối với người điều khiển ô tô trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở bị phạt từ 16-18 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 4-6 tháng. Mức xử phạt đối với người điều khiển mô tô, xe gắn máy trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá từ 50-80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá từ 0,25-0,4 miligam/1 lít khí thở từ 1-2 triệu đồng; phạt tiền đối với người điều khiển mô tô, xe gắn máy mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở từ 3-4 triệu đồng và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 3-5 tháng.