Thứ sáu, ngày 10/01/2025

Đối thoại tháo gỡ, kiềm chế tai nạn giao thông đường sắt

Thứ năm, 01/12/2016 10:43 GMT+7

Tình hình tai nạn giao thông (TNGT) trên các tuyến đường sắt thời gian qua có diễn biến phức tạp, tăng cả ba mặt (số vụ, số người chết, số người bị thương) so với cùng kỳ.

Đối thoại tháo gỡ, kiềm chế tai nạn giao thông đường sắt.

Chỉ tính riêng sáu tháng đầu năm 2016 xảy ra 200 vụ, làm chết 103 người, bị thương 127 người, so với cùng kỳ năm 2015 (tăng 17 vụ, tăng 12 người chết, tăng tám người bị thương). Nguyên nhân các vụ TNGT đường sắt nói trên chủ yếu xảy ra tại các lối đi dân sinh hoặc đường ngang không có người gác chắn (chiếm khoảng 84%).

Đây là con số báo động được đưa ra tại Hội nghị đối thoại giữa ba bên: Cục Cảnh sát giao thông, Cục đường sắt, doanh nghiệp, diễn ra vào sáng 29/11, tại Hà Nội.

Thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Hưng Yên là ba địa phương có mật độ đường ngang, lối đi dân sinh cao, trong đó có nhiều đường ngang đi vào các doanh nghiệp. Hằng năm, số vụ TNGT đường sắt tăng, nguy cơ xảy ra nhiều vụ tai nạn nghiệm trọng. Từ năm 2015 tới sáu tháng đầu năm 2016, địa bàn TP Hà Nội xảy ra 79 vụ, làm 42 người chết, 52 người bị thương. Hải Phòng xảy ra 16 vụ làm năm người chết, 17 người bị thương. Hưng yên xảy ra bảy vụ làm ba người chết, bảy người bị thương.

Nguyên nhân các vụ TNGT đường sắt nói trên chủ yếu xảy ra tại các lối đi dân sinh hoặc đường ngang không có người gác chắn chiếm 84%. Qua kết quả khảo sát cho thấy, hầu hết các đường ngang, lối đi dân sinh vào các doanh nghiệp vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập gây mất an toàn giao thông như: tầm nhìn bị hạn chế, thiếu các báo hiệu về đường ngang, mặt đường bộ trong phạm vi đường ngang không bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật và chưa có quyết định khai thác sử dụng theo đúng quy định của pháp luật… 31/32 đường ngang chưa có quyết định khai thác sử dụng theo đúng quy định của pháp luật.

Thông qua đối thoại này, hầu hết các doanh nghiệp đều đồng ý đầu tư, đóng góp kinh phí cùng các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền tổ chức cảnh giới, nâng cấp, sửa chữa, cải tạo bề mặt đường ngang để việc qua lại đượ bảo đảm an toàn.

Ba bên đã đề xuất cơ chế, chính sách đối với các doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư kinh phí xây dựng, mở đường ngang hoặc cải tạo, nâng cấp đường ngang làm lối đi vào doanh nghiệp để phục vụ sản xuất kinh doanh vừa tuân thủ các quy định của pháp luật, vừa tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động dưới sự giám sát của các cơ quan quản lý Nhà nước, đồng thời góp phần phòng ngừa, hạn chế tai nạn giao thông.

Sau hội nghị, sẽ tiến hành làm thí điểm mô hình này tại các địa bàn tham dự đối thoại. Trên kinh nghiệm đó, sẽ rút ra cơ chế kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước để có hành lang pháp lý nhân rộng ra phạm vi cả nước.

Nguồn: Báo Nhân dân

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)