Phòng CSGT phát tờ rơi tuyên truyền về ATGT
Đa dạng hình thức
Trong năm 2016, toàn tỉnh Phú Yên xảy ra 257 vụ, làm chết 127 người, bị thương 246 người, thiệt hại tài sản hơn 3 tỉ đồng. So với cùng kỳ năm 2015 giảm cả 3 mặt: giảm 49 vụ (tỉ lệ 16%), giảm 6 người chết (tỉ lệ 4,5%), giảm 56 người bị thương (tỉ lệ 18,5%). |
Theo trung tá, Đội trưởng Đội Tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn và xử lý vi phạm hành chính Lý Công Thành, đơn vị luôn xác định công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về ATGT có vị trí, ý nghĩa quan trọng. Đây là giải pháp cơ bản để chuyển biến nhận thức của người dân, góp phần giảm tai nạn giao thông. Tuy nhiên, trong quá trình tuyên truyền pháp luật về ATGT đến với người dân, lực lượng chức năng đã gặp nhiều khó khăn nên hiệu quả còn hạn chế.
Đa số người tham gia các buổi tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT ở cơ sở chủ yếu là cán bộ, học sinh và những người lớn tuổi; chưa tập hợp được số đông thanh niên độ tuổi từ 18-27. Đây lại là những người trong độ tuổi lao động thường xuyên tham gia giao thông và chiếm tỉ lệ cao trong số các vụ tai nạn giao thông xảy ra. Do vậy, ngay từ đầu năm, đội đã đưa ra nhiều mô hình, chương trình tuyên truyền ATGT đến các tầng lớp nhân dân. Xuất phát từ tình hình thực tế và để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền đến đúng đối tượng cần tập trung tuyên truyền, Đội Tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn và xử lý vi phạm hành chính đã tham mưu Phòng CSGT Công an tỉnh triển khai mô hình “Tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật về trật tự ATGT nơi công cộng” ở các địa phương trên địa bàn tỉnh. Đơn vị đã tham mưu Công an tỉnh ký cam kết phối hợp với các cơ quan, doanh nghiệp chiếu video có nội dung phim khoa giáo, phóng sự tuyên truyền, hướng dẫn ATGT cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, hộ kinh doanh và chiếu tại các địa điểm công cộng. Đến nay, sau 3 năm thực hiện, 97 đơn vị kinh doanh, quán ăn, giải khát trên địa bàn tỉnh đã tham gia ký cam kết phối hợp tuyên truyền pháp luật trật tự ATGT.
Song song với hình thức chiếu phim tại các điểm công cộng, đội đã tổ chức tuyên truyền lưu động về ATGT thông qua hệ thống loa phát thanh gắn trên ô tô tại các tuyến đường chính, dọc tuyến đường sắt, nơi tập trung đông người… Ngoài ra, lực lượng CSGT còn tổ chức tuyên truyền lưu động về tận thôn, xóm ở khắp các địa phương trên địa bàn tỉnh để đưa pháp luật ATGT đến với người dân. Đặc biệt, trong năm 2016, đội đã tổ chức tuyên truyền ATGT cho các đối tượng thanh thiếu niên từng vi phạm các quy định của pháp luật khi tham gia giao thông.
Thêm một mô hình tuyên truyền được nhân rộng trong thời gian qua là “Văn hóa giao thông trong trường học”. Mô hình này đã được thực hiện ở nhiều trường trên địa bàn tỉnh như Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (huyện Tây Hòa), Trường THPT Lê Thành Phương (huyện Tuy An)… theo từng chủ đề phù hợp với địa bàn trường đóng (dọc đường sắt, dọc các tuyến quốc lộ). Tại các trường đại học, cao đẳng đóng trên địa bàn tỉnh, đội cũng đã tổ chức các buổi tuyên truyền pháp luật về ATGT cho sinh viên, học sinh đang theo học.
Hiệu quả thiết thực
Những mô hình tuyên truyền về trật tự ATGT đã góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành của người dân khi lưu thông trên đường. Theo thống kê của Đội Tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn và xử lý vi phạm hành chính, việc chiếu phim tuyên truyền ATGT tại các đơn vị, doanh nghiệp, hộ kinh doanh được duy trì thường xuyên trong 3 năm qua. Trung bình mỗi ngày, các đơn vị tổ chức chiếu phim ATGT từ 90-150 phút, tập trung vào thời gian có nhiều người dân, khách hàng đến chờ liên hệ công tác, ăn uống, cà phê giải khát. Qua thống kê, khoảng 600.000 lượt người xem các phim khoa giáo, phóng sự tuyên truyền, hướng dẫn ATGT, góp phần nâng cao nhận thức và ý thức tự giác chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông.
Bên cạnh đó, các buổi tuyên truyền trực tiếp về ATGT cũng được đông đảo người dân hưởng ứng. Ông Nguyễn Văn Tuấn ở xã Hòa Phú, huyện Tây Hòa, cho biết: Lâu nay, tôi chỉ thấy tuyên truyền về ATGT trên ti vi hay báo chí. Gần đây, tôi được trực tiếp nghe CSGT thông tin về những quy định, quy tắc thường gặp khi tham gia giao thông. Điều đặc biệt là lực lượng CSGT đã về tận xã tập trung thanh thiếu niên thường xuyên vi phạm về trật tự ATGT để nhắc nhở. Qua đó, ý thức chấp hành của mọi người đã được nâng lên rất nhiều. Bà con ở đây ai cũng nhắc nhở bản thân và con cháu thực hiện đúng luật khi tham gia giao thông.
Ngoài ra, theo Trung tá Lý Công Thành, từ khi thực hiện mô hình “Văn hóa giao thông trong trường học” đến nay không có cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh tại các trường ký kết vi phạm các quy định pháp luật về trật tự ATGT gây tai nạn. Nhờ việc kết hợp đồng loạt nhiều hình thức tuyên truyền ATGT đến với mọi tầng lớp nhân dân, ý thức người tham gia giao thông đã được nâng lên rõ rệt.