Thứ sáu, ngày 10/01/2025

Bình Định: Nỗ lực khôi phục hệ thống giao thông sau lũ

Thứ tư, 04/01/2017 14:32 GMT+7

Liên tiếp các đợt lũ lụt vừa qua đã gây thiệt hại nghiêm trọng hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh Bình Định. Ðể đảm bảo giao thông thông suốt, ngành GTVT tỉnh đã nỗ lực tập trung khắc phục hậu quả nhưng đang gặp khó khăn về kinh phí.

Thiệt hại nặng nề

Theo báo cáo của Sở GTVT, liên tiếp các đợt lũ lụt kéo dài trong thời gian qua đã làm cho hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh bị hư hại, xuống cấp nghiêm trọng, gây ách tắc giao thông trên nhiều tuyến. Qua khảo sát sau khi nước rút, nhiều tuyến đường bị nứt, lún, sạt lở; nhiều cầu cống bị gãy sập, bị nước lũ cuốn trôi… Mặt đường bê tông nhựa bị lún nứt, bể gãy rất nhiều và một số tuyến mặt đường bê tông nhựa đã xuất hiện “ổ gà” dày đặc, nhiều vị trí bị răn nứt, bong tróc, một số tuyến đường miền núi xói lở lề đường, hư hỏng rãnh dọc, sạt lở ta-luy, cây cối ngã đổ trên mặt đường gây ách tắc giao thông.

Trong đó, các tuyến tỉnh lộ bị hư hại nặng nề nhất gồm: ĐT 629 (Bồng Sơn - An Lão) bị hư hỏng mặt đường, xói lở lề đường, hư hỏng cầu Xóm Vạn... Tuyến ĐT 630 (Cầu Dợi - Kim Sơn) mặt đường bị hư hỏng tạo “ổ gà” cục bộ nhiều vị trí, lề đường xói lở, rãnh thoát nước dọc một số đoạn bị hư hỏng. Tuyến ĐT 631 (Diêm Tiêu - Tân Thạnh) bị sạt lở ta-luy âm, hư hỏng mặt đường, đất lấp mặt đường. Tuyến ĐT 632 (Phù Mỹ - Bình Dương) bị hư hỏng mặt đường, lề đường bị xói lở, đất lấp một số đoạn rãnh dọc… Trên các tuyến quốc lộ (QL) 1, 19, 19B, 19C, 1D cũng sạt lở nhiều đoạn, xuất hiện “ổ gà, ổ voi” dày đặc, gây mất an toàn giao thông.

Các tuyến giao thông nông thôn cũng đã bị nước lũ tàn phá, đặc biệt là ở các xã khu Đông Tuy Phước, Phù Cát, An Nhơn, Phù Mỹ, Hoài Nhơn và các huyện trung du, miền núi: Hoài Ân, An Lão, Vân Canh, Vĩnh Thạnh. Theo số liệu thống kê của UBND tỉnh, các đợt lũ lụt vừa qua đã làm cho 128,5 km đường giao thông bị hư hỏng, 310 điểm sạt lở nặng, 110 cống tiêu và 44 cầu bị sập hoàn toàn, làm ách tắc giao thông cục bộ tại nhiều địa phương trong tỉnh.


Tuyến đường ven hồ Định Bình từ thị trấn Vĩnh Thạnh đến xã Vĩnh Kim, Vĩnh Sơn (Vĩnh Thạnh) bị sạt lở nghiêm trọng.

Nỗ lực khắc phục

Nhằm đảm bảo giao thông thông suốt, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở GTVT và các đơn vị quản lý đường bộ huy động phương tiện, thiết bị và nhân lực làm việc liên tục 24/24 giờ để kịp thời khắc phục hậu quả lũ lụt trong thời gian ngắn nhất. Các đơn vị quản lý đường bộ Trung ương và địa phương đã phối hợp với lực lượng Thanh tra giao thông, Cảnh sát giao thông khẩn trương triển khai phương án khắc phục, cắt cử người túc trực hướng dẫn giao thông tại các vị trí bị hư hỏng, sớm thông đường.

Đến nay, hầu hết những điểm sạt lở nghiêm trọng trên các tuyến giao thông đều đã được khôi phục tạm thời, đảm bảo phục vụ cho việc đi lại của nhân dân. Riêng một số tuyến ở miền núi bị sạt lở với khối lượng đất đá quá lớn nên chưa thể khắc phục kịp. Theo ông Trần Văn Dới, Giám đốc Công ty cổ phần Giao thông thủy bộ Bình Định - đơn vị chịu trách nhiệm quản lý, bảo trì các tuyến tỉnh lộ trên địa bàn tỉnh: Để đảm bảo thông suốt sau lũ, thời gian qua, được sự chỉ đạo của UBND tỉnh và Sở GTVT, đơn vị đã huy động toàn bộ cán bộ, công nhân và các Hạt Quản lý đường bộ tập trung phương tiện, nhân công để sửa chữa các tuyến tỉnh lộ. Đối với các cầu, cống bị sập thì bắc cầu tạm, gia cố lại các móng cầu bị sạt lở; hàn gắn lại các đoạn đường bị nước lũ làm vỡ đứt. Đến nay, toàn bộ các tuyến tỉnh lộ trên địa bàn tỉnh bị hư hỏng nặng như: ĐT 629, ĐT 630, ĐT 631, ĐT 632, ĐT 640, ĐT 637, ĐT 639B… đã được khắc phục bước 1, đảm bảo thông xe.

“Từ nay đến trước Tết Nguyên đán Đinh Dậu - 2017, đơn vị sẽ tiếp tục tiến hành đúc bê tông, thảm nhựa mặt đường các đoạn bị hư hỏng, xuống cấp, đảm bảo cho bà con nhân dân đi lại an toàn; sẽ khảo sát thực trạng toàn bộ hệ thống tỉnh lộ, lên phương án kinh phí khắc phục để báo cáo Sở GTVT và UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí” - ông Dới cho biết.

Đối với những hư hỏng trên QL1 đoạn từ km1212+400 - 1265 (qua địa bàn Nam Bình Định - Phú Yên), ông Nguyễn Văn Phồn, Trạm trưởng Trạm Thu phí BOT Nam Bình Định, cho biết: Đến thời điểm này, các đơn vị đã khắc phục, sửa chữa, dặm vá được 17.000m2/18.000m2 mặt đường bị bong tróc, hư hỏng. Chúng tôi đang tập trung chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị đẩy nhanh việc đổ cấp phối đá dăm, đúc bê tông xi măng, lu lèn các vị trí hư hỏng; trong 10 ngày nữa sẽ hoàn thành việc khắc phục. Bên cạnh đó, theo chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ, các đơn vị thi công đang khảo sát nền đường để thí điểm phủ lớp mặt đường bằng công nghệ Novachip (thảm bê tông nhựa hiện đại) nhằm tăng độ kín, tránh thẩm thấu nước do đặc thù QL1 qua Bình Định thường có mùa mưa kéo dài, nhiều vị trí bị ngập lũ.  

Thiếu kinh phí trầm trọng

Ông Trần Thanh Dũng - Phó Giám đốc Sở GTVT - cho biết: “Sở đang chỉ đạo các đơn vị trong ngành triển khai khắc phục hậu quả lũ lụt trên tinh thần khẩn trương, đảm bảo các tuyến đường phải được thông tuyến trong thời gian sớm nhất. Tuy nhiên, cái khó hiện nay là thiếu kinh phí. Từ nhiều năm nay, nguồn vốn cấp cho công tác quản lý, bảo trì hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh chỉ đáp ứng khoảng 40% yêu cầu. Do vậy, không có kinh phí dành cho việc sửa chữa, khắc phục hậu quả lũ lụt. Vừa qua, tại buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã đề nghị Chính phủ hỗ trợ kinh phí khắc phục hậu quả lũ lụt, riêng kinh phí đề nghị hỗ trợ khôi phục hạ tầng giao thông là 180 tỉ đồng”.

Trước mắt, Sở GTVT đã chỉ đạo các đơn vị quản lý giao thông trên địa bàn tỉnh tạm ứng vốn để kịp thời khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, do mức độ thiệt hại khá lớn, kinh phí của các đơn vị, địa phương có hạn, nên hiện nay công tác khôi phục hệ thống giao thông sau lũ trên địa bàn tỉnh ta chỉ mới dừng lại ở việc gia cố, tu sửa tạm thời. Hiện, Sở GTVT đang tiếp tục khảo sát thực trạng của toàn bộ hệ thống giao thông, tiếp tục kiến nghị Bộ GTVT và Chính phủ sớm hỗ trợ kinh phí để kịp thời sửa chữa, nhằm tránh những thiệt hại nặng nề về sau.

Nguồn: Báo Bình Định

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)