Người điều khiển xe máy không đội mũ bảo hiểm vượt đèn đỏ
tại giao lộ đường 3-2 và Nguyễn Hữu Cảnh (TP.Vũng Tàu) bất chấp nguy hiểm
Những cách hành xử thiếu văn hóa
Bất chấp tín hiệu giao thông, chen lấn, kèn cựa… là những biểu hiện phổ biến nhất của sự yếu kém về ý thức khi tham gia giao thông ở nước ta nói chung, tỉnh BRVT nói riêng. Nguy hiểm nhất và cũng đáng lên án nhất trong các hành vi phản VHGT là việc người điều khiển phương tiện cố tình vượt đèn đỏ. Hành vi này đang phổ biến ở khắp các địa phương, kể cả những nơi đã có hệ thống giám sát giao thông. Đã có nhiều giao lộ trên địa bàn tỉnh trở thành điểm đen về tai nạn giao thông không phải vì lưu lượng xe đông, mặt đường xấu mà do có quá nhiều người vượt đèn đỏ. Tại TP. Vũng Tàu, giao lộ đường 3-2 - Nguyễn Hữu Cảnh (phường 10) là địa điểm thường xuyên xảy ra các vụ tai nạn giao thông do người điều khiển phương tiện vượt đèn đỏ. Hầu hết các vụ tai nạn đều rất nghiêm trọng.
Không chỉ vượt đèn đỏ, sự thiếu ý thức khi tham gia giao thông còn thể hiện ngay tại những điểm được phép rẽ phải khi đèn đỏ. Tại những điểm cho phép xe 2 bánh được rẽ phải khi đèn đỏ như giao lộ Nguyễn An Ninh – Nguyễn Thái Học, Lê Hồng Phong - Lê Lợi (TP. Vũng Tàu) nhiều người không để ý đến tấm bảng chỉ dẫn nên dừng xe bít đường của người phía sau. Và thay vì nhắc nhở nhau nhường đường thì người phía sau lại bấm còi inh ỏi, tạo nên không gian ồn ào không đáng có…
Có nhiều trường hợp khi nhìn thấy tai nạn giao thông thay vì xuống xe giúp đỡ, gọi điện thoại cấp cứu thì lại đứng nhìn hoặc quay clip. Nghiêm trọng hơn là chuyện cự cãi giữa đôi bên khi xảy ra tai nạn giao thông, thậm chí đã có những án mạng xảy ra chỉ vì những vụ va chạm nhỏ trên đường.
Đẩy mạnh tuyên truyền
Năm 2013, Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch đã ban hành 9 tiêu chí về VHGT đường bộ như: tự giác chấp hành pháp luật giao thông; thực hiện nghiêm nhiệm vụ, tác phong chuẩn mực, văn minh; tôn trọng, nhường nhịn, giúp đỡ mọi người khi tham gia giao thông; có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng khi tham gia giao thông; đi đúng làn đường, phần đường quy định; không tham gia đua xe và cổ vũ đua xe trái phép; tuân thủ pháp luật khi xử lý và bị xử lý các hành vi vi phạm trật tự ATGT; tạo dựng kết cấu hạ tầng giao thông chuẩn mực, an toàn; có ý thức văn hóa xây dựng môi trường giao thông thân thiện, an toàn.
Theo Đại tá Lê Văn Ninh - Trưởng Phòng PC67- Công an tỉnh, trong thời gian tới, lực lượng CSGT sẽ tập trung xử phạt những lỗi vi phạm mà người dân thường xem nhẹ nhưng dễ hình thành thói quen xấu như không nhường đường ưu tiên, không tôn trọng vạch dành cho người đi bộ; tăng cường xử phạt nguội qua camera… Bên cạnh sự vào cuộc chấn chỉnh của ngành chức năng thì mỗi người cần tự nâng cao ý thức để bảo đảm an toàn cho bản thân, tạo hình ảnh đẹp, văn minh khi tham gia giao thông, nhất là ở đô thị.