![](/Images/editor/images/HOA/2017/29e7db5cac2c525830f2036629f44a13.jpg)
Đại diện lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Công đoàn Tổng công ty
Công nghiệp tàu thủy xuống nơi làm việc thăm hỏi, động viên người lao động.
Sau ba năm nỗ lực thực hiện tái cơ cấu theo chỉ đạo của Chính phủ, Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC) hiện nay còn gần 14 nghìn lao động với một công ty mẹ và tám đơn vị thành viên. Việc thực hiện nhiệm vụ đã thay đổi cơ bản tình hình hoạt động của các doanh nghiệp (DN). Về cơ bản, người lao động (NLĐ) đều có việc làm, không bị nợ lương, thu nhập bình quân từng bước ổn định trung bình hơn bảy triệu đồng/người/tháng.
Tuy không còn là một trong tám công ty được Tổng công ty mẹ giữ lại nhưng hết năm 2016, Nam Triệu đã cơ bản hoàn tất việc tái cơ cấu các đơn vị thành viên. Hiện nay, công ty còn 800 lao động, đều là đoàn viên công đoàn. Trong quý I/2017, công ty đã bảo đảm việc làm cho cán bộ, công nhân viên chức, lao động và thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách liên quan đến NLĐ: thanh toán lương, tiền ốm đau, thai sản, chi trả trợ cấp thôi việc sau khi chấm dứt hợp đồng lao động. Thu nhập bình quân đầu người gần 8 triệu đồng/tháng.
Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Một thành viên Đóng tàu Nam Triệu Nguyễn Văn Canh cho biết: "Chúng tôi luôn nhận thức, trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trong giai đoạn khó khăn này, vai trò công đoàn càng phải được phát huy hơn bao giờ hết". Công nhân Trần Văn Tiến, phân xưởng Ụ Đà tâm sự với chúng tôi: Công ty bước vào giai đoạn khó khăn nhưng chúng tôi càng cảm nhận được sự quan tâm của lãnh đạo Công ty, tổ chức công đoàn về mọi mặt: phúc lợi xã hội, việc làm, bảo đảm thu nhập, nhất là về công tác bảo đảm an toàn vệ sinh lao động.
May mắn hơn, Công ty Đóng tàu TNHH MTV Phà Rừng là một trong tám công ty thành viên được SBIC giữ lại. Do có những cơ chế hỗ trợ từ SBIC cộng với nỗ lực tự thân, năm 2016, Công ty có nhiều việc làm. Nhân lực thiếu, công ty tiếp tục thuê nhà thầu phụ, tuyển dụng thêm lao động. Các quyền lợi, chế độ của NLĐ cơ bản được bảo đảm, thực hiện theo thỏa ước lao động tập thể. Hiện nay, Công ty còn hơn 870 lao động, thu nhập bình quân 8,7 triệu đồng/người/tháng. Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, Công ty thanh toán đầy đủ lương tháng thứ 13, tặng thêm quà Tết trị giá một triệu đồng/người, tổ chức đưa công nhân lao động về quê đón Tết.
Chúng tôi đã vào thăm nhà ăn ca của Công ty đúng lúc NLĐ được nghỉ trưa. Công nhân Bùi Văn Chất, thợ hàn bậc 6, Xưởng đóng mới, phân xưởng gò 2 đã gắn bó với Công ty 17 năm cho biết: "Cách đây vài năm, chúng tôi cũng có thời gian mất việc vài tháng. Một số anh em nhanh nhạy “chạy” ra ngoài tìm việc, rồi quay về “kéo” những người khác cùng đi làm, bảo đảm thu nhập nuôi sống gia đình. Khi Công ty vượt qua giai đoạn khủng hoảng, ổn định sản xuất, có nhiều đơn đặt hàng, anh em lại rủ nhau về tiếp tục gắn bó với Công ty, dù thu nhập ở chỗ làm mới có nhỉnh hơn". Khó khăn đã qua rồi. Bữa ăn ca tự chọn tăng từ 25 lên 30 nghìn đồng/bữa với những món ăn đa dạng, đầy đủ dinh dưỡng. Động viên, chia sẻ cùng NLĐ không chỉ bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, quan tâm từng bữa ăn ca, cấp phát trang thiết bị bảo hộ lao động đầy đủ, đúng chất lượng, công đoàn Công ty Đóng tàu Phà Rừng còn chú trọng tổ chức các phong trào thi đua góp phần thúc đẩy tinh thần và khí thế của cán bộ, đoàn viên, CNLĐ trong công việc.
So với Nam Triệu và Phà Rừng, Công ty cổ phần Đóng tàu Sông Cấm ra đời muộn hơn nhưng đã biết cách tận dụng thời cơ, vươn lên, hiện có cơ ngơi với dây chuyền sản xuất hiện đại, đáp ứng được các đơn đặt hàng từ những nước phát triển. Trước đây, Công ty chỉ có một cơ sở sản xuất trong khu vực nội thành TP Hải Phòng, luồng lạch hạn hẹp gây bất lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Tháng 11/2013, thực hiện chủ trương tái cơ cấu, Công ty Sông Cấm tiếp nhận toàn bộ cơ sở vật chất, lao động của Công ty Đóng tàu Bến Kiền vốn có lợi thế về mặt bằng rộng rãi, vị trí thuận lợi phù hợp với hoạt động đóng mới các gam tàu. Đến nay, Công ty chuyên nhận đơn đặt hàng đóng mới các loại tàu kéo, tàu cao tốc xuất khẩu cho hãng Damen (Hà Lan). Việc tận dụng, khai thác tối đa cơ sở vật chất của Bến Kiền, cũng như từng bước hợp lý hóa dây chuyền sản xuất không chỉ tăng năng suất lao động mà còn cải thiện điều kiện làm việc và đời sống NLĐ. Bên cạnh đó, Công ty đã đầu tư xây mới một số công trình phúc lợi quan trọng như nhà ăn ca, khu nhà nghỉ ca công nhân với sức chứa 800 người,...
Sự chuyển đổi thành công mô hình của Công ty Sông Cấm giữ được cơ ngơi của Công ty Bến Kiền, không những giúp Công ty Sông Cấm có một mặt bằng, một cơ sở mới để phát triển mà còn giúp người lao động Công ty Bến Kiền (cũ) tiếp tục có việc làm, thu nhập ổn định. Năm 2016, Hội đồng quản trị, Ban điều hành cùng công đoàn và tập thể NLĐ công ty đã nỗ lực từng bước giữ vững và ổn định sản xuất, đạt giá trị sản lượng 604,59 tỷ đồng, thu nhập bình quân 8,5 triệu đồng/người/tháng. Năm 2017, Công ty phấn đấu đạt tổng doanh thu 585 tỷ đồng, thu nhập bình quân hơn 8,5 triệu đồng/người/tháng.
Chủ tịch Công đoàn SBIC Trần Bá Thành cho biết: Ba công ty này phản ánh gần như đầy đủ bức tranh toàn cảnh về ngành Đóng tàu của Việt Nam hiện nay. Năm 2016, toàn Tổng công ty bàn giao 198 sản phẩm, tăng 18 sản phẩm so với kế hoạch. Đó là do sự nỗ lực của lãnh đạo cũng như công đoàn, tập thể NLĐ, doanh thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh, không bao gồm giá trị từ thanh lý tàu, trong năm 2016 xấp xỉ đạt kế hoạch đề ra và vẫn có lãi, cơ bản bù đắp được các khoản chi phí để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm đời sống cho người lao động với thu nhập bình quân 7,64 triệu đồng/người/tháng.
Khó khăn vẫn còn nhiều ở phía trước, đòi hỏi toàn thể tập thể lãnh đạo, cán bộ, công đoàn, đoàn viên, NLĐ Tổng công ty phải cố gắng, nỗ lực hơn để nhanh chóng vượt qua những khó khăn trước mắt, sớm thực hiện mục tiêu phát triển ngành Đóng tàu bền vững.