Những con số "biết nói"
Đường Hồ Chí Minh có chặng là tuyến giao thông huyết mạch nối liền các tỉnh Tây Nguyên với vùng Đông Nam Bộ và TP. Hồ Chí Minh. Đây cũng chính là con đường vừa được nâng cấp, cải tạo hoàn thành vào giữa năm 2016.
Thế nhưng, một thực trạng đáng lo ngại là trên tuyến đường này, tai nạn giao thông đang ngày một gia tăng, đặc biệt là những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng.
Đã hơn một tuần trôi qua nhưng người dân tại tỉnh Gia Lai vẫn chưa hết bàng hoàng trước vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trên đường Hồ Chí Minh đoạn qua địa bàn thị trấn Chư Sê giữa xe khách giường nằm và xe tải chở phân vào rạng sáng 7/5.
Theo đó, vào khoảng 5h chiều 6/5, xe ô tô tải mang BKS 77C-139.37 do tài xế Võ Văn Quý (27 tuổi, trú tại tỉnh Bình Định) điều khiển chở 20 tấn phân xuất phát từ tỉnh Bình Định đi giao hàng tại huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai. Đi cùng chuyến xe còn có phụ xe Đặng Duy Phúc (23 tuổi, trú huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định).
Đến khoảng 4h10' sáng 7/5, xe tải này đi đến Trạm thu phí BOT của Đức Long Gia Lai (xã Ia Băng, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) không mua vé và chạy với tốc độ cao vượt trạm, đâm gãy thanh chắn của trạm. Sau khi vượt trạm thu phí, tài xế xe tải liên tục bấm còi, vượt nhiều xe lưu thông trên đường.
Khi chạy đến Km1632+200 thuộc địa bàn thôn Mỹ Thạch 3, thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê, tài xế Quý đã điều khiển xe lưu thông với tốc độ 105km/h chạy vào đường cấm một chiều.
Ngay lúc này, xe khách mang BKS 18B-018.32 do tài xế Nguyễn Văn Vượng (52 tuổi, trú tại huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định) điều khiển lưu thông theo chiều ngược lại đã bị xe tải tông trực diện. Hậu quả vụ tai nạn đã làm 13 người chết và 33 người bị thương.
Vụ tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh Gia Lai làm 13 người tử vong, 33 người bị thương.
Trong năm, trên tuyến đường Hồ Chí Minh qua các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông cũng đã xảy ra hàng chục vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng. Điển hình như vào khoảng 4h rạng sáng 18/4, xe khách mang BKS 51B-150.53 lưu thông từ TP Hồ Chí Minh về Gia Lai.
Khi đi đến địa điểm huyện Đăk Mil, Đắk Nông, đã bất ngờ tông trực diện vào đuôi xe tải chở gạch mang BKS 47C-018.17 bị hỏng đang đậu ven đường. Vụ tai nạn đã làm tài xế và phụ xe khách chết tại chỗ, hơn 10 hành khách bị thương.
Vụ tai nạn trên vừa xảy ra thì đúng 3 ngày sau (21/4), tại khu vực chân cầu Ea Khanh thuộc địa bàn thị trấn Ea Đrăng, huyện Ea Hleo lại xảy ra một vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng khác giữa hai xe tải làm 6 người chết, 1 người bị thương nặng.
Tại địa bàn tỉnh Đắk Nông, vào lúc 0h30 rạng sáng 25/7/2015, trên đường Hồ Chí Minh đoạn qua thôn 11, xã Nam Bình, huyện Đắk Song đã xảy ra một vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng giữa xe khách và xe máy làm 4 người tử vong tại chỗ.
Theo thông tin từ Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an tỉnh Đắk Nông, vào thời điểm trên, xe khách mang BKS 47B-014.30 (của Nhà xe Danh Lợi Đắk Lắk) do tài xế Trương Văn Lợi (trú Đắk Lắk) điều khiển lưu thông từ Đắk Lắk đi TP. Hồ Chí Minh.
Khi đi đến địa điểm trên thì bất ngờ bị xe máy mang BKS 47H1-055.73 (trên xe máy chở 4 thanh niên) phóng nhanh, lạng lách đâm trực diện vào đầu xe khách. Vụ tai nạn khiến cả 4 thanh niên đi trên xe máy tử vong...
Đâu là nguyên nhân?
Theo các cơ quan chức năng, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các vụ tai nạn thảm khốc ở Tây Nguyên đều xuất phát từ việc tài xế điều khiển phương tiện không làm chủ tốc độ. Còn người tham gia giao thông thì cho rằng, vì đường làm rộng, đẹp, nhưng biển cảnh báo, cũng như biển hạn chế tốc độ còn ít nên người điều khiển phương tiện chủ quan chạy nhanh, vượt ẩu dẫn đến khi gặp chướng ngại vật hay tình huống bất ngờ sẽ không xử lý kịp.
Tuy nhiên, qua phân tích nguyên nhân chính vẫn do lái xe qua những cung đường này thường coi thường tính mạng của hành khách, phóng "bạt mạng", quá tốc độ cho phép từ 30-50%, bất chấp lực lượng CSGT tuần tra, bất chấp các quy định về an toàn trên đường và trên xe, thậm chí chủ động "ngắt sóng" thiết bị giám sát hành trình để hạn chế sự quản lý của cơ quan chức năng. Dẫn chứng là các vụ tai nạn chủ yếu liên quan đến xe chạy đường dài và diễn ra vào ban đêm hoặc rạng sáng, mà hậu quả để lại rất thảm khốc.
Lái xe Nguyễn Văn Quân (48 tuổi, trú tại TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum), người có thâm niên chạy tuyến Kon Tum - TP. Hồ Chí Minh chia sẻ, đã là dân trong nghề, chưa có một tài xế nào mà không vi phạm tốc độ, nhất là xe khách đường dài. Chỉ khi nào đến chốt kiểm soát của CSGT, các xe khách đều có "chiêu" thông báo cho nhau bằng cách nháy đèn xi nhan hoặc đèn pha để hãm tốc độ theo đúng luật.
"Không chỉ chặng đường dài mà đường ngắn cũng vậy, các tài xế thường chạy với tốc độ kinh hoàng. Nhiều đoạn đường quy định xe khách từ 30 chỗ ngồi trở lên chỉ được phép chạy tối đa là 60km/h, thế nhưng, cánh tài xế ít khi chạy dưới 100km/h và lúc nào cũng sẵn sàng vượt tất cả các loại xe trên đường," anh Quân tâm sự.
Theo tài xế Quân, chủ xe khoán giờ, xếp lốt (lộ trình giờ xuất bến), doanh thu nên nếu chạy chậm, không kịp xếp tài quay đầu thì "không có cơm mà ăn" cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến đa phần lái xe khách "đánh đu" với "thần chết" trên đường.
Vụ tai nạn khiến 19 người thương vong trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.
Đồng tình quan điểm đó, anh Vũ Xuân Tình (35 tuổi, trú tại TP. Pleiku, Gia Lai), người có thâm niên lái xe tải tuyến Gia Lai - TP. Hồ Chí Minh hơn 5 năm trong nghề thở dài ngao ngán khi chính xe của anh đã gây nên vụ tai nạn giao thông khiến một người đi đường bị chấn thương sọ não, mà đến giờ anh vẫn bị ám ảnh tâm lý và không đủ can đảm để cầm lái.
Anh Tình kể, 10 năm cầm lái, ngồi trên vô lăng nhiều loại xe, anh luôn lái thận trọng trên đường. Nhưng do điều kiện kinh tế khó khăn, anh chuyển sang lái xe tải khoán theo chuyến. Từ ngày đó, đôi mắt tài xế cứ phải căng ra để quan sát, chèn ép, giành giật trên đường, trốn CSGT để kiếm lợi nhuận cao.
"Lái xe tải dù có thâm niên hay lương tâm yêu nghề đến đâu thì mức khoán chính là "con dao hai lưỡi" dính chặt vào cuộc đời lái xe, bởi không cạnh tranh, không ganh đua thì chỉ có nước nghỉ việc", anh Tình thở dài.
Trong cuộc họp khẩn với tỉnh Gia Lai về vụ tai nạn giao thông thảm khốc vừa qua, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho rằng, nguồn gốc của những tai nạn giao thông thảm khốc trong thời gian qua là do cả doanh nghiệp tư nhân và Nhà nước chưa có sự thay đổi cách nhìn nhận, cách quản lý, sử dụng đội ngũ lái xe.
Lý giải điều này, ông Hùng bộc bạch, trong những năm qua, các doanh nghiệp quản lý đội ngũ lái xe rất thiếu chặt chẽ và coi họ như đối tượng ở "chợ lao động", làm việc theo thời vụ. Khi cần, chủ xe gọi đi lái, không cần thì cho nghỉ ở nhà. Do đó, đội ngũ lái xe không gắn bó với nghề.
"Theo quy định, lái xe không được làm việc quá 10 tiếng một ngày, không được cầm vô lăng liên tục quá 4 tiếng. Rõ ràng khi chạy đường dài thì phải có trạm dừng nghỉ để thay lái xe. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp không quan tâm đến việc này, để cho một lái, một xe chạy liên tục 18-20 tiếng trong một ngày thì rất dễ gây ra hậu quả nghiêm trọng. Vậy nên, Nhà nước và doanh nghiệp phải quan tâm đến vấn đề này"- ông Hùng đưa ra lời khuyên.
Cũng tại cuộc họp khẩn, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ cho biết, trong thời gian tới, Bộ sẽ tổ chức họp với các tỉnh, thành phố và các Sở Giao thông vận tải để tăng cường quản lý Nhà nước của các địa phương, đặc biệt là của địa phương với doanh nghiệp trong việc thiết lập quản lý điều kiện kinh doanh vận tải và bàn thảo trách nhiệm của doanh nghiệp, của địa phương, cũng như xử lý những lái xe vi phạm.
"Tai nạn giao thông xảy ra chủ yếu do ý thức của người lái xe chứ không phải là do trình độ hay vấn đề về thiết bị, phương tiện kém. Bộ Giao thông vận tải sẽ tiếp tục tăng cường công tác quản lý Nhà nước và xử lý những cá nhân, tập thể không chấp hành pháp luật, làm ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của nhân dân. Bộ sẽ xử lý những cán bộ, đơn vị có những vi phạm liên quan đến công tác quản lý dẫn tới tai nạn", Thứ trưởng Thọ nhấn mạnh.