Lực lượng Cảnh sát giao thông tuyên truyền những quy định mới về pháp luật giao thông đường bộ
cho học sinh Trường THPT Lê Xoay (Vĩnh Tường)
Đầu tháng 8/2017, lưu lượng học sinh tham gia giao thông đã tăng trở lại ở tất cả các huyện, thành, thị trên địa bàn tỉnh. Có mặt vào giờ tan học tại Trường THPT Bình Xuyên (thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên) dễ dàng bắt gặp hình ảnh các em học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ như: Không đội ngũ bảo hiểm khi đi xe máy điện, xe đạp điện; đi dàn hàng đôi, hàng ba lấn chiếm phần đường của các phương tiện tham gia giao thông khác; đặc biệt, dù đã có quy định bắt buộc xe máy điện phải đăng kí biển kiểm soát mới được tham gia giao thông nhưng thực tế vẫn còn khá nhiều xe máy điện lưu thông khi chưa đăng ký.
Trên đoạn đường ngã tư giao cắt giữa Tỉnh lộ 303 với đường đôi Yên Lạc đi thành phố Vĩnh Yên (thị trấn Yên Lạc, huyện Yên Lạc) tập trung nhiều trường học, do vậy, số lượng học sinh tham gia giao thông khá lớn, rất nhiều các em học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ như: Không đội mũ bảo hiểm, lạng lách, đánh võng, vượt đèn đỏ, đi ngược chiều... Tuyến đường này có rất nhiều phương tiện tham gia giao thông có trọng tải lớn, việc các em học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ rất dễ gây ra tai nạn. Em Đỗ Ngọc Long, học sinh Trường THPT Đồng Đậu (Yên Lạc), vừa vượt đèn đỏ và xe máy điện của em không đăng kí biển kiểm soát cho biết: “Do em mới mua xe máy điện nên chưa đăng kí biển kiểm soát. Tan học muộn và trời nắng quá nên em đã vượt đèn đỏ để về nhà cho sớm”. Chỉ đến khi bị lực lượng công an phát hiện vi phạm và ra quyết định xử lý vi phạm hành chính, Long hứa “sẽ chấp hành đúng Luật Giao thông đường bộ và sớm đăng kí xe trong thời gian tới”.
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, tình trạng học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ có chiều hướng gia tăng thời gian gần đây. Nguyên nhân là do một số em học sinh nghĩ rằng đầu năm học nên lực lượng chức năng chưa làm quyết liệt; công tác tuần tra, xử lý vi phạm của cơ quan công an tại một số địa phương còn buông lỏng; sự phối hợp giữa nhà trường và gia đình trong giáo dục, quản lý, giám sát việc thực hiện những quy định về đảm bảo TTATGT chưa chặt chẽ…
Để chấn chỉnh ý thức tham gia giao thông của học sinh, vừa qua, Sở GD&ĐT đã có văn bản yêu cầu các trường học trên địa bàn tỉnh ngay từ đầu năm học 2017 - 2018 phải tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về ATGT cho học sinh. Xác định nội dung chấp hành pháp luật về ATGT là tiêu chí xếp loại thi đua của tập thể, cá nhân. Nhanh chóng tổ chức cho học sinh ký cam kết thực hiện và vận động gia đình chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ. Cần đổi mới công tác tuyên truyền đưa nội dung giáo dục pháp luật Luật Giao thông đường bộ vào giờ giáo dục công dân, sinh hoạt ngoại khóa, xây dựng tủ sách pháp luật, cổng trường ATGT tại tất cả các trường học trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, Sở GD&ĐT thường xuyên phối hợp với Ban ATGT tỉnh và các huyện, thành, thị tập huấn cho đội ngũ giáo viên giảng dạy pháp luật về ATGT; phối hợp tổ chức các cuộc thi về ATGT tại các trường THCS, THPT; chú trọng khâu quản lý, kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện mô hình "truyền thông gia đình" giữa cha mẹ và con cái về Luật Giao thông đường bộ, câu lạc bộ về ATGT trong các nhà trường.
Đồng chí Nguyễn Mạnh Lợi, Trưởng phòng Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt Công an tỉnh cho biết: Bên cạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về ATGT, lực lượng CSGT tăng cường các đợt kiểm tra chuyên đề, kiên quyết xử lý các em học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ, gửi thông báo đến nhà trường để răn đe, giáo dục pháp luật trong học sinh.
Đảm bảo trật tự ATGT trong các trường học là nhiệm vụ quan trọng. Đây không chỉ là nhiệm vụ của nhà trường và lực lượng chức năng mà cần hơn nữa sự quan tâm, giáo dục của các bậc phụ huynh. Các bậc cha mẹ luôn sát sao đến con em mình, thường xuyên nêu gương và nhắc nhở, trang bị cho các em những kiến thức cần thiết khi tham gia giao thông, để bảo đảm an toàn tính mạng và tương lai con em mình.