Ảnh minh họa
Điều này chắc chắn sẽ đồng thời dẫn tới việc người dân bắt buộc phải đi bộ và tự tạo cho mình thói quen đi bộ. Nên việc đảm bảo an toàn, thuận lợi cho sự đi bộ này cần phải được quan tâm, chú trọng ngay từ bây giờ bằng những nghiên cứu, khảo sát và nhất là phải xây dựng được văn hóa đi bộ khi tham gia giao thông, thông qua những biện pháp bằng truyền thông, bằng chế tài luật pháp.
Theo đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2017-2020 tầm nhìn 2030”, thì từ năm 2017 – 2018 bắt đầu thực hiện, và được những người xây dựng đề án cam kết rằng: Đến năm 2030, các phương tiện giao thông công cộng sẽ đáp ứng hơn 50% nhu cầu đi lại, tức là đảm bảo 80% không gian trong vùng “lõi” đô thị, mạng lưới xe, điểm dừng nhà chờ sẽ được cải tạo triệt để, làm sao đáp ứng được trong khoảng cách người dân tiếp xúc điểm dừng nhà chờ dưới 500m.
Mục tiêu đến 2020: có 30-35% người dân ở vùng “lõi” đô thị sẽ sử dụng dịch vụ vận tải công cộng. Đương nhiên, việc này tạo áp lực cho người dân phải đi bộ những quãng đường ngắn. Theo như tính toán của ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia, hiện hằng ngày Hà Nội có 30 triệu lượt đi lại, trong đó với 6 kết quả nghiên cứu nhu cầu đi lại, thì 10-12 triệu lượt đi có khoảng cách dưới 2km. Như vậy, với kết quả khảo sát này, và theo như nội dung đề án, thì đi bộ sẽ là một phương thức tham gia giao thông.
Tuy nhiên, Cục Cảnh sát giao thông đường bộ đường sắt (Bộ Công an) đã thống kê năm 2014, tại Việt Nam, số người đi bộ tử vong vì TNGT là khoảng 300 người (tương đương 3,2% số người chết do tai nạn giao thông, khoảng 14% trong tổng số các vụ TNGT).
Nguyên nhân dẫn đến TNGT do người đi bộ gây ra phần lớn là do đi không đúng phần đường, qua đường không đúng quy định, đu bám phương tiện giao thông khác, mang, vác cồng kềnh không đảm bảo an toàn giao thông, dẫn dắt súc vật đi vào phần đường cho xe cơ giới. Tất cả những điều đó có nghĩa là, dân chúng Hà Nội cần phải đi bộ và có thói quen đi bộ. Bởi phương tiện cá nhân bị hạn chế, giao thông công cộng được phát triển, đồng nghĩa với việc đi bộ sẽ trở nên bắt buộc và phổ biến hơn.
Ở thời bao cấp xưa, khi phương tiện giao thông hạn chế, thì đi bộ đã từng là hình thức di chuyển chính, là thói quen. Nhưng ngày nay, xã hội phát triển, xuất hiện nhiều loại phương tiện nên nhiều người đã không còn thói quen đi bộ. Gần thì xe máy ô-tô, xa thì máy bay tàu hỏa.
Ngay trong tương lai gần, thì việc đi bộ ở Hà Nội sẽ không còn chủ yếu là hoạt động nâng cao sức khỏe của người người dân nữa, mà là một nhu cầu. Vậy phải tạo nên văn hóa đi bộ, sao cho không bị nguy hiểm và không tạo ra nguy hiểm cũng như an toàn và thuận lợi.