CSGT thành phố Hòa Bình kiểm tra việc chấp hành pháp luật của người điều khiển phương tiện giao thông.
Những kết quả tích cực
TNGT xảy ra không chỉ cướp đi sinh mạng con người mà còn dẫn đến nhiều hệ lụy cho bản thân, gia đình, cộng đồng, là vấn đề bức xúc và mối quan tâm của toàn xã hội. Từ nhiều năm qua, hàng năm được Chính phủ lấy là "Năm an toàn giao thông” với nhiều chủ đề khác nhau, trong đó tháng 9 được chọn là tháng cao điểm hành động về ATGT, tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thiết lập lại trật tự kỷ cương ATGT. Địa bàn Hòa Bình lại là cửa ngõ vùng Tây Bắc, địa hình đèo dốc, sương mù. Những năm qua, hạ tầng giao thông được đầu tư phát triển, có tuyến quốc lộ 6 chạy xuyên suốt, bên cạnh thuận lợi cho giao thông cũng tiềm ần nhiều nguy cơ TNGT.
Từ năm 2010 đến năm 2015, TNGT trên địa bàn tỉnh liên tục được kéo giảm nhưng đến năm 2016 lại tăng 3 vụ TNGT, tăng 10 người chết so với năm 2015. Số vụ TNGT trên tuyến quốc lộ, số người chết trên tuyến tỉnh lộ, nội thị và đường nông thôn tăng cao. Trước tình hình đó, ngay từ đầu năm 2017, công tác đảm bảo TTATGT trên toàn tỉnh Hòa Bình được triển khai quyết liệt, đồng bộ. Các cấp ủy Đảng, chính quyền tăng cường, tập trung chỉ đạo, xác định công tác bảo đảm TTATGT là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, quan trọng. Thực hiện lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, liên tục, toàn diện, huy động cả hệ thống chính trị tham gia công tác bảo đảm TTATGT. Ban ATGT tỉnh tích cực tham mưu cho UBND tỉnh tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, xử lý các vi phạm, đồng thời đề xuất các giải pháp quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông nhằm đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông.
Cùng với đó, công tác tuyên truyền được đẩy mạnh, sâu rộng đến từng thôn, bản, người dân bằng nhiều hình thức phù hợp, dễ hiểu, dễ nhớ. Nổi bật trong tháng 4 với chủ đề Tháng hành động về thiết lập lại trật tự đô thị, bảo vệ hành lang giao thông, chống lấn chiếm và tái lấn chiếm lòng đường, hè phố. Thành phố Hòa Bình và các huyện đã quyết liệt triển khai, cơ bản lập lại trật tự, trả lại vỉa hè an toàn cho người đi bộ. Phòng CSGT làm tốt công tác tuyên truyền tại các trường học, khu dân cư, tập trung lực lượng, phương tiện thực hiện các chuyên đề ATGT về tốc độ, kiểm soát tải trọng xe, nồng độ cồn…
Trong 9 tháng, Phòng chủ động phối hợp với các cơ quan hữu quan xây dựng 8 phóng sự tuyên truyền, tổ chức 25 buổi tuyên truyền quy định pháp luật ATGT đường bộ, đường thủy nội địa cho hơn 10 nghìn lượt người nghe… Công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên các tuyến giao thông được đẩy mạnh. Qua công tác tuần tra, kiểm soát, lực lượng CSGT toàn tỉnh đã phát hiện và lập biên bản 11.983 trường hợp vi phạm, phạt tiền 9.830 trường hợp với tổng số tiền trên 9,3 tỉ đồng, tạm giữ 2.161 phương tiện các loại, tước giấy phép lái xe 676 trường hợp. Trong đó, riêng Phòng PC 67 đã phát hiện và lập biên bản 5.661 trường hợp, phạt tiền 4.375 trường hợp với tổng số tiền trên 6,3 tỉ đồng, tạm giữ 344 phương tiện các loại, tước giấy phép lái xe 447 trường hợp.
Với sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền, các lực lượng, tình hình TTATGT tại Hòa Bình 9 tháng năm nay đã đạt được những kết quả tích cực. TNGT giảm sâu trên cả 3 mặt. Đặc biệt, trong 3 tuần đầu của Tháng hành động về ATGT chỉ xảy ra 3 vụ TNGT, không có người chết vì TNGT, Đây là kết quả chưa từng có trong Tháng hành động về ATGT qua các năm trên địa bàn tỉnh.
Thực trạng hạ tầng cơ sở giao thông
Những năm qua, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh luôn được Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hòa Bình, Bộ GTVT quan tâm đầu tư kinh phí nâng cấp, sửa chữa và xây dựng mới. Toàn tỉnh hiện có 11.745 km đường bộ, gồm 301,1 km quốc lộ, 439,1 km đường tỉnh, 686,7 km đường huyện, 1.470 km đường xã, liên xã, 21,05 km đường chuyên dùng, 202,4 km đường đô thị, 2.846 km đường trục thôn, xóm… Hàng năm, Sở GTVT Hòa Bình thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị quản lý đường bộ tăng cường công tác duy tu, bảo trì đường bộ, sửa chữa kịp thời các điểm hư hỏng mặt đường, điểm lún cao su, vá láng ổ gà trên các tuyến đường tỉnh và đường đô thị, tổ chức bổ sung hệ thống biển báo, vạch sơn, cọc tiêu, dải phòng vệ mềm tại những vị trí tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT trên các tuyến giao thông được giao quản lý.
Tuy vậy, thực tế cho thấy cơ sở hạ tầng giao thông trong tỉnh còn thiếu đồng bộ. Nhiều tuyến đường xuống cấp, hư hỏng chậm được đầu tư, nâng cấp do thiếu vốn đầu tư, chưa theo kịp tốc độ tăng trưởng của phương tiện giao thông. Trong 9 tháng năm nay, tại 9 điểm đăng ký xe của Công an tỉnh Hòa Bình đã tiếp nhận và giải quyết đăng ký mới cho 1.298 xe ô tô, 17.769 xe mô tô, 2.079 xe máy điện. Hiện quản lý 16.617 xe ô tô, 347.689 xe mô tô, 10.133 xe máy điện toàn tỉnh.
Xây dựng văn hóa giao thông là yếu tố then chốt
Có mặt tại điểm chốt kiểm tra ATGT tại phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) cùng tổ kiểm tra của Đội CSGT - Công an thành phố Hòa Bình trong Tháng hành động về ATGT chúng tôi ghi nhận khá nhiều trường hợp vi phạm. Đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, cán bộ Đội cho biết: Các lỗi vi phạm chủ yếu là vượt đèn đỏ, đèn vàng, người điều khiển xe mô tô, xe máy điện không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, không đầy đủ giấy tờ xe, vi phạm quy định về tốc độ, nồng độ cồn…
Theo đánh giá của Phòng CSGT (Công an tỉnh Hòa Bình), với sự gia tăng của phương tiện giao thông làm mật độ, lưu lượng phương tiện tham gia giao thông ngày một lớn hơn, nhất là tại địa bàn thành phố Hòa Bình và các thị trấn có thêm nhiều loại xe đạp điện, xe máy điện của người dân tham gia giao thông, trong khi cơ sở hạ tầng giao thông chưa đáp ứng các yêu cầu của hoạt động giao thông, dẫn đến các hoạt động giao thông ngày một phức tạp hơn.
Tại địa bàn thành phố Hòa Bình và các thị trấn vẫn nổi lên các vi phạm về giao thông tĩnh của xe ô tô các loại, tình trạng vi phạm hành lang giao thông, lấn chiếm vỉa hè, lề đường còn khá phổ biến. Vi phạm trong điều khiển các loại xe gắn máy, xe đạp điện của thanh, thiếu niên còn diễn ra thường xuyên, nhất là hành vi vi phạm không đội mũ bảo hiểm. Qua phân tích nguyên nhân TNGT của cơ quan chức năng, các nguyên nhân trực tiếp dẫn đến TNGT chủ yếu do người điều khiển phương tiện giao thông lạng lách, đánh võng, chở quá số người quy định, vi phạm quy định về nồng độ cồn, tốc độ… khi tham gia giao thông cho thấy ý thức tự giác chấp hành pháp luật ATGT của người tham gia giao thông, người dân còn nhiều hạn chế.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến vi phạm, TNGT nhưng có thể thấy nguyên nhân chính, sâu xa là từ sự kém ý thức của người tham gia giao thông. Số vụ TNGT xảy ra do lỗi chủ quan của người điều khiển phương tiện giao thông chiếm tỷ lệ cao. ATGT là vấn đề quan tâm của toàn xã hội. Thời gian qua, ủy ban ATGT quốc gia đã có nhiều giải pháp triển khai đảm bảo TTATGT, trong đó, việc tạo dựng văn hóa giao thông, nâng cao nhận thức, ứng xử văn minh trong tham gia giao thông được xem là giải pháp quan trọng, then chốt. "Văn hóa giao thông là tự giác chấp hành pháp luật giao thông”, mỗi người tham gia giao thông có văn hóa, chấp hành đúng, gương mẫu, tự giác đối với luật giao thông sẽ góp phần giảm thiểu, hạn chế tai nạn giao thông, tạo ra môi trường giao thông văn minh, thân thiện, an toàn.