Công an huyện Tây Hòa đến thăm anh Võ Văn Lâm, nạn nhân bị TNGT ở xã Hòa Thịnh, huyện Tây Hòa
Nỗi đau ở lại
Vụ TNGT nghiêm trọng xảy ra vào chiều 9/6/2016, tại xã Sơn Long, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên do N.N.H (SN 1998, trú huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa) điều khiển mô tô lưu hành theo hướng tây đông, đi không đúng phần đường quy định nên đã tông vào mô tô do N.V.N điều khiển chở L.K.D, cùng trú xã Đức Bình Đông, huyện Sông Hinh và mô tô do N.V.T, trú xã Sơn Hà, huyện Sơn Hòa lưu hành hướng ngược chiều. Hậu quả N.N.H chết tại chỗ, N.V.N chết trên đường đi cấp cứu. L.K.D và N.V.T bị thương phải đưa đi cấp cứu tại bệnh viện.
Theo Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Phú Yên, từ tháng 11/2015 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 434 vụ TNGT đường bộ, làm chết 230 người, bị thương 385 người, thiệt hại tài sản ước tính khoảng 4,3 tỉ đồng. Trong đó, số vụ TNGT do đối tượng thanh thiếu niên từ 27 tuổi trở xuống gây ra là 120 vụ, làm chết 82 người, bị thương 121 người.Tai nạn giao thông nói chung, tình trạng vi phạm Luật Giao thông đường bộ trong lứa tuổi thanh thiếu niên nói riêng đang trở thành một vấn đề nhức nhối, là nỗi lo lắng của toàn xã hội. Đại tá Nguyễn Phi Lương, Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Phú Yên cho biết: “Một số thanh niên rất hiếu động, có sử dụng rượu bia, điều khiển xe máy với tốc độ cao gây bức xúc trong nhân dân; có trường hợp đi trên đường các em lạng lách, đánh võng. Chỉ vì một chút bất cẩn sẽ gây ra hậu quả khôn lường. Một số vụ TNGT xảy ra liên quan đến thanh thiếu niên qua thống kê cho thấy chiếm tỉ lệ không nhỏ”. |
Không chỉ ở TP Tuy Hòa mà tại các vùng nông thôn, miền núi trên địa bàn tỉnh Phú Yên, tình trạng thanh thiếu niên vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông vẫn còn xảy ra. Ở một bộ phận thanh thiếu niên hiện nay, ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông không tốt, cộng thêm tâm lý hiếu thắng, bốc đồng, a dua nên đã gây ra những vụ TNGT hết sức đau lòng. Đau xót hơn, có những trường hợp người tham gia giao thông chấp hành đúng Luật Giao thông đường bộ lại bị một số thanh niên vi phạm giao thông gây tai nạn, để lại thương tật suốt cuộc đời.
Câu chuyện buồn của em Võ Văn Lâm (SN 1985, ở xã Hòa Thịnh, huyện Tây Hòa) khiến nhiều người cám cảnh. Nhìn em Lâm ngồi trên chiếc xe lăn, đôi lúc lại cười nói ngô nghê như một đứa trẻ, ai cũng chạnh lòng thương cảm. Chỉ vì TNGT đã biến Lâm từ một thanh niên khỏe mạnh, trụ cột kinh tế trong gia đình trở thành người tàn tật suốt cả cuộc đời. Đã hơn 8 năm trôi qua, cuộc sống của Lâm chỉ quanh quẩn trong bốn bức tường và trên chiếc xe lăn. Tháng 3/2009, trong một lần liên hoan với bạn bè trong xóm, Lâm uống hơi nhiều rượu bia. Trong lúc say, Lâm chạy xe máy để đi mua card điện thoại, không đội mũ bảo hiểm. Do không làm chủ được tay lái, Lâm tông vào một người đi xe máy ngược chiều. Vụ tai nạn làm Lâm bị chấn thương sọ não, phải điều trị tại Bệnh viện Quy Nhơn hơn một tháng. Nhà nghèo, gia đình em phải bán hai con bò, tài sản có giá trị nhất trong nhà được hơn 40 triệu đồng để chữa trị cho con. Vì đau buồn, hai năm sau, mẹ Lâm bị bệnh qua đời. Bố mẹ đều mất, Lâm lại bị tàn tật nên hiện tại Lâm được vợ chồng anh trai nuôi dưỡng. Hoàn cảnh gia đình anh chị cũng rất khó khăn. Nghĩ đến giây phút bồng bột, nông nổi của mình, Võ Văn Lâm thổ lộ: “Em rất buồn, nhiều lúc nghĩ lại cũng hối hận lắm. Em mong thanh niên bây giờ phải chấp hành Luật Giao thông đường bộ cho thật tốt, đừng vì nhanh một phút mà chậm cả cuộc đời như em”.
Những giải pháp phòng ngừa
Hậu quả của những vụ TNGT là rất nặng nề. Song, chủ động phòng ngừa TNGT là điều hoàn toàn có thể. Bởi theo thống kê của cơ quan chức năng, hầu hết các vụ TNGT do thanh thiếu niên gây ra đều do ý thức chủ quan của người điều khiển phương tiện.
Nhằm ngăn chặn tình trạng thanh thiếu niên vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông, lực lượng cảnh sát giao thông Công an Phú Yên cùng các ban, ngành chức năng, các đoàn thể đã triển khai, thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt. Công tác tuyên truyền pháp luật về trật tự an toàn giao thông được đẩy mạnh với nhiều nội dung, hình thức phong phú, phù hợp với từng đối tượng, lứa tuổi. Từ năm 2016 đến nay, lực lượng cảnh sát giao thông đã phối hợp với công an các địa phương tổ chức hơn 32.000 buổi tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông bằng nhiều hình thức như chiếu phim, phát tờ rơi, thi tuyên truyền an toàn giao thông dưới hình thức sân khấu hóa cho hơn 700.000 lượt người tham gia. Việc tuyên truyền này được tổ chức đến tận thôn, buôn, khu phố.
Công an Phú Yên cũng đã phối hợp với Sở GD-ĐT tổ chức tuyên truyền pháp luật về trật tự an toàn giao thông cho học sinh, sinh viên ở các trường đại học, cao đẳng, trung học trên địa bàn tỉnh vào dịp đầu năm học mới. Bên cạnh đó, lực lượng cảnh sát giao thông Công an tỉnh đã đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền cho phù hợp với lứa tuổi thanh thiếu niên. Mô hình “Văn hóa giao thông trong trường học”; mô hình “Tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật về trật tự an toàn giao thông”; mô hình “Tuyên truyền về an ninh trật tự, an toàn giao thông qua mạng Facebook”, “Đoạn đường an toàn giao thông” ở một số trường THPT tiếp tục được duy trì và nhân rộng trên địa bàn tỉnh. Các tổ chức Đoàn thanh niên từ tỉnh đến cơ sở cũng tổ chức tuyên truyền về Luật Giao thông đường bộ bằng nhiều hình thức phong phú, sinh động. Anh Phan Xuân Hạnh, Bí thư Tỉnh đoàn Phú Yên cho biết: “Tỉnh đoàn Phú Yên đã đẩy mạnh nhiều chương trình công tác, đặc biệt là công tác tuyên truyền, tổ chức các ngày hội văn hóa “Thanh niên với văn hóa giao thông” bằng các trò chơi, các buổi sinh hoạt sân khấu hóa để tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ trong học sinh, sinh viên, đặc biệt là đoàn viên thanh niên. Tỉnh đoàn đã thành lập 11 đội hình sơ ứng cứu nhanh về TNGT trên địa bàn toàn tỉnh mà có các tuyến quốc lộ đi qua và các đội hình này hoạt động rất hiệu quả”.
Đại tá Bùi Xuân Chiến, Trưởng Công an huyện Tây Hòa cho biết: Đầu năm 2017, Công an huyện Tây Hòa đã phối hợp, bàn giao các đối tượng vi phạm pháp luật, vi phạm Luật Giao thông đường bộ cho các hội, đoàn thể nhận lãnh để tuyên truyền, cảm hóa, giáo dục. Bước đầu mô hình này đã mang lại nhiều kết quả.
Trung tá Đinh Tiên Hoàng, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông công an TP Tuy Hòa cũng cho biết: “Đội cảnh sát giao thông Công an thành phố đã tham mưu cho lãnh đạo xây dựng kế hoạch, triển khai nhiều biện pháp công tác, rà soát, lên danh sách toàn bộ thanh thiếu niên vi phạm về trật tự an toàn giao thông trên địa bàn; gọi hỏi, răn đe giáo dục; tổ chức tuyên truyền cá biệt những đối tượng vi phạm, cho viết cam kết không tái phạm. Bên cạnh đó, qua công tác tuần tra kiểm soát, chúng tôi đã sử dụng camera ghi nhận những hình ảnh vi phạm của số đối tượng thanh thiếu niên này và kịp thời thông báo cho tổ tuần tra kiểm soát công khai dừng xử lý”.
Với tinh thần xung kích, tình nguyện, năng động, hy vọng rằng thanh niên luôn xung phong đi đầu, gương mẫu thực hiện cuộc vận động “Thanh niên với văn hóa giao thông”, chấp hành tốt pháp luật về trật tự an toàn giao thông. Mỗi đoàn viên, thanh niên sẽ là những tuyên truyền viên tích cực, năng động, góp phần tích cực trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông.a