Ban ATGT tỉnh tổ chức tuyên truyền cho đội ngũ công nhân của Công ty CP Prime Đại Lộc.
Tuyên truyền khắp nơi
“Tính mạng con người là trên hết”, “ATGT cho trẻ em” là lời cảnh tỉnh cần thiết cho mỗi ai khi tham gia giao thông, được tuyên truyền trực quan phổ biến thời gian qua. “Chúng tôi luôn xác định tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành trật tự ATGT cho các tầng lớp nhân dân là nhiệm vụ trọng tâm. Đây là giải pháp có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm giữ vững, ổn định tình hình, kiềm chế sự gia tăng của tai nạn giao thông trên địa bàn” - Giám đốc Sở Giao thông vận tải Lê Văn Sinh, kiêm Phó Trưởng ban Thường trực Ban ATGT tỉnh Quảng Nam nói. Theo đó, Ban ATGT tỉnh tổ chức nhiều hoạt động lồng ghép nhân các buổi lễ ra quân Năm ATGT. Cụ thể: trao tặng bộ tài liệu phổ biến ATGT trong học đường đến 50 trường tiểu học; phát hơn 10.000 tờ rơi, tờ gấp liên quan đến Luật Giao thông đường bộ... Còn trên Quốc lộ 1 và điểm nút giao thông phức tạp, Ban ATGT tỉnh sử dụng 10 bảng điện tử truyền tải các thông điệp; tuyên truyền nơi nhà chờ xe buýt; xã hội hóa lắp đặt hơn 200 pa nô tại các cổng trường...
Theo ông Trương Khuê - Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Quảng Nam, trọng tâm của hoạt động tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật của đơn vị là thực hiện tốt công tác phối hợp. Điển hình là việc sát cánh cùng Ủy ban ATGT Quốc gia và Công ty TNHH Yamaha Motor Việt Nam tổ chức chương trình “Quà tặng Yamaha năm 2017” với sự tham gia của hơn 4.000 người và trao tặng 15.650 mũ bảo hiểm đạt chuẩn cho học sinh tiểu học trên địa bàn tỉnh; đồng hành Quỹ phòng chống thương vong châu Á (AIP) tiếp tục triển khai dự án “Mũ bảo hiểm cho trẻ em”.
Ban ATGT tỉnh còn tích cực tham gia nhiều chương trình: “Thanh niên với văn hóa giao thông” tại Duy Xuyên (Tỉnh đoàn tổ chức); tập huấn tuyên truyền pháp luật về trật tự ATGT cho cán bộ mặt trận cơ sở ở Nông Sơn và Đại Lộc (Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chủ trì); tập huấn phương pháp giảng dạy môn học ATGT cho giáo viên cấp THCS (Sở GD-ĐT thực hiện); triển lãm tranh thiếu nhi với ATGT (Sở VH-TT&DL tổ chức). Về phần mình, các cơ quan báo, đài của tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Tỉnh đoàn, Sở TT-TT, Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an tỉnh, Thanh tra Sở Giao thông vận tải, Ban ATGT các huyện, thị xã, thành phố cũng tiến hành nhiều hoạt động tuyên truyền đã góp phần làm chuyển biến nhận thức, nâng cao ý thức và hành động tuân thủ luật pháp của mọi tầng lớp nhân dân.
Hiệu quả chưa cao
Với phương châm tuyên truyền theo kiểu “mưa dầm thấm lâu” nhưng xem ra kết quả của công tác này vẫn chưa đạt được như kỳ vọng. Thực tế hoạt động tuyên truyền chưa diễn ra liên tục, tập trung vào một nhóm đối tượng, hành vi cụ thể trong một thời gian dài mà còn dàn trải, theo đợt. Một cán bộ hưu trí từng bộc bạch, mỗi lần ra quân liên quan đến ATGT, lực lượng chức năng chủ yếu đưa ô tô có gắn băng rôn, loa tuyên truyền diễu hành qua các tuyến đường chứ chưa tập trung xoáy vào nội dung chuyên sâu, cụ thể.
Vì vậy, việc lên từng cụm bản để mời đồng bào ngồi lại, rồi tiến hành tuyên truyền như Đội CSGT - trật tự cơ động huyện Nam Giang từng thực hiện cần được nhân rộng. Phòng CSGT Công an tỉnh sử dụng ô tô tải gắn pa nô, hình ảnh và chở mô tô bị hư hỏng nặng do tai nạn giao thông, kết hợp sử dụng loa phóng thanh nhằm tạo sự chú ý và tác động trực tiếp đến nhận thức của người dân cũng là cách làm hay.
Phó Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Quảng Nam - ông Phan Đức Tiễn từng chia sẻ, làm lay chuyển ý thức tự giác chấp hành của người tham gia giao thông nói riêng không phải ngày một, ngày hai. Chính vì vậy, tuyên truyền và giáo dục pháp luật trật tự ATGT phải được quan tâm thỏa đáng cả về hình thức, đặc biệt về nội dung. Để tháo gỡ tồn tại, Ban ATGT tỉnh đã trực tiếp đến nhiều nhà máy để tuyên truyền, kết hợp sân khấu hóa để người nghe dễ tiếp nhận. Song tại nhiều địa phương, nhất là cấp xã, phường, thị trấn thì chưa thật sự vào cuộc mà “khoán trọn” cho ngành chức năng cấp huyện.
Trong khi đó, lực lượng CSGT ở địa phương không thường xuyên cắm chốt tại vị trí có đèn tín hiệu giao thông, để “tuýt còi” hành vi vượt đèn đỏ; dù được đầu tư sân mô hình giáo dục ATGT, nhiều trường chưa phát huy hiệu quả, còn ngành GD-ĐT thì bỏ ngỏ việc hậu kiểm gây lãng phí nguồn lực đầu tư. Nhiều chuyên đề tuyên truyền thiết thực như: ATGT cho người đi mô tô; kiểm soát tốc độ; kiểm soát tải trọng xe; kiểm soát uống rượu, bia đối với lái xe; an toàn đường ngang đường sắt; an toàn bến khách ngang sông nhưng chưa được quan tâm áp dụng.
Hoạt động “2 trong 1” đang cho thấy tính hiệu quả, đó là tuần tra kiểm soát, kết hợp tuyên truyền từ phía CSGT nên được phát huy. Ở nhiều nơi, CSGT khi bắt gặp đối tượng vi phạm thì trước hết nhẹ nhàng giải thích, khuyên răn đã tạo nên thiện cảm nơi người dân. Một khi hình ảnh đẹp của CSGT “ghi điểm” trong lòng nhân dân, việc vận động họ tích cực ủng hộ, tham gia giúp đỡ lực lượng chức năng hoàn thành tốt nhiệm vụ sẽ trở nên dễ dàng.