Thứ tư, ngày 15/01/2025

Bộ GTVT yêu cầu tăng cường các giải pháp nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường sắt trong thời gian tới

Thứ năm, 14/06/2018 14:05 GMT+7
Bộ GTVT vừa có Văn bản số 6241/BGTVT-ATGT yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan về việc tăng cường các giải pháp nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường sắt (ATGT ĐS) trong thời gian tới.

Nội dung văn bản nêu rõ: Trong thời gian qua tình hình trật tự ATGT ĐS diễn ra khá phức tạp, đặc biệt trong tháng 5 năm 2018, trên tuyến đường sắt Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh đã xảy ra liên tiếp 05 vụ sự cố, tai nạn giao thông đường sắt (TNGT ĐS) nghiêm trọng, trong đó có 03 vụ sự cố, tai nạn do lỗi chủ quan của ngành đường sắt gây ra, hậu quả làm 02 người chết và 11 người bị thương, gây thiệt hại lớn về người và tài sản của nhà nước, cũng như ảnh hưởng đến uy tín của ngành GTVT nói chung và đường sắt nói riêng. Đây thực sự là thách thức, là nguy cơ, hiểm họa tiềm ẩn đối với an sinh và trật tự an toàn giao xã hội.

Để tăng cường các giải pháp trước mắt và lâu dài nhằm giảm thiểu các vụ TNGT ĐS tương tự xảy ra, Bộ GTVT yêu cầu các cơ quan, đơn vị thực hiện một số nội dung sau:

1. Đối với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam:
-  Báo cáo với Bộ GTVT đánh giá của Tổng công ty về các nguyên nhân chủ quan gây ra TNGT ĐS trong thời gian qua có các yếu tố liên quan đến con người, phương tiện, công tác kiểm tra, giám sát quy trình tác nghiệp từ Tổng công ty đến các đơn vị chưa được hiệu quả, một số đơn vị còn chưa thực hiện đầy đủ, kịp thời công tác kiểm tra, giám sát dẫn đến nguy cơ mất an toàn chạy tàu.
-    Tập trung triển khai các giải pháp để khắc phục ngay các yếu tố chủ quan gây mất ATGT ĐS; rà soát lại các quy trình tác nghiệp quản lý an toàn từ Tổng công ty xuống đến các đơn vị trực thuộc theo đúng quy định hiện hành, đặc biệt là các chức danh nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu, tuyệt đối không được để xảy ra những vụ tai nạn tương tự.
-    Sắp xếp lại các đầu mối, xây dựng hệ thống liên thông giám sát an toàn từ trên xuống dưới; xây dựng hoàn chỉnh chức năng, nhiệm vụ, rõ trách nhiệm của bộ phận quản lý kết cấu hạ tầng, vận tải, an toàn của Tổng công ty mang tính chuyên nghiệp cao.    
- Tổ chức rút kinh nghiệm trong toàn Tổng công ty, quán triệt các quy định về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường sắt, nâng cao tinh thần, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công nhân viên đường sắt, đánh giá lại quy trình bảo đảm an toàn chạy tàu sau khi sắp xếp, cổ phần hóa tại các doanh nghiệp trực thuộc.
-    Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và phân công rõ trách nhiệm đối với cá nhân, tập thể lãnh đạo từ Tổng công ty xuống đến các đơn vị trong toàn ngành. 
-    Xác định rõ nhu cầu về đào tạo, đào tạo lại và quy trình đào tạo đối với các chức danh nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu, đặc biệt là đội ngũ trực ban chạy tàu, lái tàu, gác đường ngang, gác cầu chung.
-    Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ Dự án OCC (Dự án hiện đại hóa Trung tâm Điều hành giao thông vận tải đường sắt) theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT tại Thông báo kết luận số 141/TB-BGTVT ngày 22/03/2018.
-    Khẩn trương đẩy nhanh dự án, sử dụng hiệu quả nguồn vốn sự nghiệp kinh tế để sửa chữa, nâng cấp kết cấu hạ tầng đường sắt, các đoạn xung yếu, các đoạn có nguy cơ xảy ra tai nạn, các ga sử dụng thiết bị 6502, triển khai kết nối hệ thống camera tại các đường ngang trên một số tuyến đường sắt.
-    Đối với các thiết bị tự động giám sát tại đường ngang, yêu cầu Tổng công ty phải có đánh giá kết quả thực hiện trong thời gian qua và đưa ra các giải pháp cụ thể để triển khai thực hiện có hiệu quả nhất.
-    Tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện tốt Quy chế phối hợp giữa Bộ GTVT và UBND các tỉnh, thành phố có đường sắt đi qua trong việc đảm bảo TTATGT tại các điểm giao cắt đồng mức giữa đường bộ và đường sắt; triển khai xây dựng gờ giảm tốc, thu hẹp các lối đi tự mở qua đường sắt.

2.    Giao Cục Đường sắt Việt Nam:
-    Chủ trì và phối hợp với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tham mưu cho Bộ GTVT tổ chức Hội nghị trực tuyến với các địa phương có đường sắt đi qua theo Quy chế phối hợp; rà soát cơ sở pháp lý, cơ sở kỹ thuật để nghiên cứu xây dựng các quy định về an toàn, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về ATGT đường sắt.
-    Chỉ đạo lực lượng Thanh tra đường sắt phối hợp chặt chẽ với Sở Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã có đường sắt đi qua tăng cường tuần tra xử lý vi phạm tại các khu vực có nhiều điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt.

3. Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông, Vụ Tài chính phối hợp với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam nghiên cứu nguồn vốn để đầu tư thiết bị thông tin tín hiệu đường sắt cho một số ga sử dụng thiết bị 6502 trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh, nhằm đảm bảo an toàn chạy tàu.

4. Giao Vụ ATGT nghiên cứu, đề xuất bổ sung một số nội dung nhằm nâng cao ATGT khi tham gia giao thông tại các vị trí giao cắt giữa đường bộ với đường sắt vào nội dung sửa Luật Giao thông đường bộ 2008./. 

Nguồn: hoavt

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)