Thứ sáu, ngày 10/01/2025

Từng bước nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông đường sắt

Thứ ba, 31/07/2018 15:11 GMT+7

Một trong những nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông đường sắt là do hệ thống an toàn của hạ tầng giao thông đường sắt chưa đảm bảo. Để giải quyết vấn đề này, ngành Đường sắt đã triển khai đầu tư nhiều hạng mục, góp phần kiềm chế tai nạn giao thông, đảm bảo an toàn cho người dân.

Đường gom cùng hành lang an toàn dọc đường sắt đoạn qua phường 8, TP Tuy Hòa 

Xây dựng đường gom

Tuyến đường sắt đi qua địa bàn tỉnh Phú Yên dài khoảng 95km với 235 đường ngang. Trong đó có 24 đường ngang có người gác, 21 đường ngang hợp pháp (có hệ thống đèn báo hiệu tự động), còn lại là đường ngang dân sinh với nhiều vị trí tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn. Đường gom là một trong những phương án để xóa bỏ hệ thống đường ngang dân sinh, đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) đường sắt. Chính vì vậy, khoảng 9km đường gom được xây dựng dọc nhiều đoạn đường sắt qua địa bàn tỉnh đã góp phần hạn chế tai nạn giao thông, ổn định cuộc sống của người dân sống cạnh đường sắt.

Theo ông Nguyễn Anh Nguyên, Đội trưởng Đội Đường sắt Tuy Hòa, ngành Đường sắt đã không ngừng đầu tư xây dựng hành lang an toàn đường sắt cũng như hệ thống đường gom để người dân đi lại thuận tiện. Hành lang ATGT đường sắt được xây dựng như một hệ thống hàng rào an toàn bằng sóng tôn hoặc xây hàng rào bê tông tại các vị trí có đông dân cư và tồn tại nhiều đường ngang dân sinh nguy hiểm, thường xuyên xảy ra tai nạn.

Với quy mô mặt đường rộng khoảng 3m tùy thuộc vào địa hình thực tế tại địa phương, các đoạn đường gom được xây dựng bằng bê tông xi măng khá khang trang. Khi mới triển khai xây dựng, người dân còn chưa hiểu hết ý nghĩa cũng như tác dụng thiết thực của hệ thống đường gom nên cản trở, không đồng ý. Nhưng qua quá trình thuyết phục của địa phương và nhân viên đường sắt, nhiều người đã đồng ý tạo điều kiện thi công.

Từ khi được hình thành, hệ thống đường gom, hành lang an toàn đã phát huy những ưu điểm vốn có, góp phần đáng kể trong việc giảm thiểu tai nạn, được người dân ủng hộ. Chị Nguyễn Thị Phượng ở phường Phú Thạnh, TP Tuy Hòa cho biết: “Lâu nay quen việc qua lại bằng đường ngang dân sinh, nay có đường gom phải đi vòng, lúc đầu tôi thấy rất bất tiện. Thế nhưng, đường vòng đi hoài cũng thành quen, tôi lại thấy an toàn và yên tâm hơn khi không phải qua đường ngang như trước”.

Còn với ông Lê Văn Sĩ, nhà ở sát đường sắt tại thị trấn La Hai, huyện Đồng Xuân thì từ ngày có đường gom, ông thấy rất yên tâm mỗi khi có tàu qua lại. Ông Sĩ chia sẻ: “Nhà ở gần đường sắt, con cháu thường chơi đùa trước cửa nhà nên tôi luôn nơm nớp lo sợ mỗi khi có tàu lửa chạy qua. Từ khi có đường gom cùng hàng rào dọc đường sắt thì an toàn hơn rất nhiều, đường sá cũng khang trang hơn”.

Từng bước đầu tư hiện đại

Hiện trên tuyến đường sắt qua địa bàn tỉnh Phú Yên vẫn còn nhiều đoạn qua khu đông dân cư với hệ thống đường ngang dân sinh dày đặc. Đa số các đường ngang này do người dân tự ý mở nên không có hệ thống đảm bảo ATGT. Chị Trần Thị Thu Thủy ở xã Hòa Hiệp Bắc, huyện Đông Hòa cho biết: Đường ngang giao nhau với đường sắt ở đây tồn tại đã lâu. Vị trí này không hề có còi báo hay gác chắn; mỗi khi qua lại, mọi người phải tự quan sát nên rất nguy hiểm. Mong sao các ngành chức năng sớm làm hệ thống còi báo tự động để bà con đi lại an toàn hơn.

Theo Ban ATGT tỉnh Phú Yên, trong 7 tháng đầu năm, toàn tỉnh xảy ra 9 vụ tai nạn giao thông đường sắt, làm chết 7 người, bị thương 3 người.

So với cùng kỳ năm ngoái, tai nạn đã tăng 7 vụ, tăng 6 người chết, tăng 3 người bị thương.

Theo ông Nguyễn Anh Nguyên, Đội trưởng Đội Đường sắt Phú Khánh, để đảm bảo ATGT đường sắt, giúp người dân đi lại an toàn tại các đường ngang giao nhau với đường sắt, đơn vị đã kiến nghị cấp trên đầu tư nâng cấp 11 đường ngang có biển báo lên thành đường ngang có cảnh báo tự động, 1 đường ngang có biển báo lên thành đường ngang có gác chắn (tại xã An Mỹ, huyện Tuy An). Ngoài ra, đơn vị cũng kiến nghị làm hàng rào an toàn, đường gom tại 16 vị trí. Đồng thời phối hợp với các địa phương tiến hành giải tỏa đảm bảo tầm nhìn tại 17 vị trí.

Trước mắt, để đảm bảo an toàn mỗi khi có tàu chạy qua, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thực hiện đợt cao điểm với nhiều giải pháp mạnh, trong đó có việc đồng loạt lắp đặt camera giám sát. Hiện tất cả phòng trực ban chạy tàu đã được lắp đặt hệ thống này. Bên cạnh đó, tất cả các đường ngang có gác chắn cũng được lắp đặt 1 camera bên trong gác chắn và 1 camera phía ngoài nhà gác. Hệ thống camera này sẽ góp phần giúp bộ phận quản lý giám sát nhân viên trực ban, nhằm giảm thiểu các nguy cơ mất an toàn, hạn chế tối đa tai nạn giao thông do chủ quan.

Trong khi đó, theo Sở GTVT Phú Yên, nhằm đảm bảo an toàn tại các điểm đường bộ giao nhau với đường sắt, đơn vị cũng đang triển khai xây dựng gờ giảm tốc tại các điểm giao cắt cùng mức giữa đường bộ và đường sắt trên địa bàn tỉnh. Theo đó, đơn vị xây dựng gờ giảm tốc tại 23 điểm; bổ sung biển báo hiệu đường bộ, vạch dừng xe tại 37 đường ngang với tổng kinh phí trên 1 tỉ đồng.

Nguồn: Báo Phú Yên

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)