Thứ năm, ngày 16/01/2025

Cao Bằng: Chủ động ứng phó, đảm bảo giao thông mùa mưa bão

Thứ tư, 01/08/2018 09:12 GMT+7

Cao Bằng là tỉnh có địa hình chia cắt mạnh, độ dốc lớn, hằng năm vào mùa mưa bão thường xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sản xuất, sinh hoạt của nhân dân, đặc biệt là các công trình giao thông. Để ứng phó với thiên tai, trước, trong mùa mưa bão năm nay, Sở GTVT đã có nhiều giải pháp chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị trực thuộc tăng cường công tác ứng phó, đảm bảo giao thông thông suốt cho người và phương tiện.

Huyện Nguyên Bình xử lý dứt điểm các vị trí có
nguy cơ sạt lở cao tại đường tỉnh 216 trước mùa mưa lũ

Toàn tỉnh hiện có 5.361km đường bộ. Phần lớn các công trình giao thông trên địa bàn được bố trí đi men theo bình độ của các triền sông, độ dốc lớn... Vào mùa mưa lũ, các tuyến đường trên chịu nhiều ảnh hưởng lớn từ sụt lở ta luy âm, ta luy âm nền đường, sạt lở nền đường, sụt lở đất làm lấp một phần hoặc toàn bộ mặt đường; nhiều vị trí ta luy âm sụt lở, trôi, tụt nền, gây ách tắc giao thông.

Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Nguyên Bình Nông Văn Di cho biết: Những năm gần đây, vào mùa mưa bão huyện Nguyên Bình đều có thiệt hại về người và tài sản. Để chủ động ứng phó kịp thời, hiệu quả, đảm bảo giao thông thông suốt và an toàn, từ đầu năm 2018, Phòng đã tham mưu cho ngành GTVT, huyện bố trí kinh phí xử lý dứt điểm các vị trí có nguy cơ sạt lở cao tại đường tỉnh 216 do huyện quản lý. Giao cho các đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã quản lý duy tu bảo dưỡng thường xuyên; đường xã quản lý. 

Sở GTVT đã ban hành kế hoạch phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) năm 2018. Theo đó, Sở đã thành lập Ban Chỉ huy PCTT&TKCN ngành GTVT. Chỉ đạo các nhà thầu quản lý đường bộ, phối hợp các nhà thầu thi công xây dựng cơ bản và nhà thầu thi công sửa chữa định kỳ trên các tuyến, Ban quản lý bảo trì đường bộ lập kế hoạch PCTT&TKCN trong phạm vi thi công và quản lý của đơn vị. Xây dựng kế hoạch chuẩn bị nhân lực, thiết bị phương tiện, vật tư dự phòng theo phương châm “bốn tại chỗ”: lực lượng tại chỗ - chỉ huy tại chỗ -  vật tư, hậu cần tại chỗ - thiết bị tại chỗ. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các địa phương, tỉnh nhằm triển khai thực hiện công tác phòng chống, hỗ trợ và ứng cứu khắc phục hậu quả bão lụt, giảm thiểu thiệt hại cho người và tài sản, đặc biệt là công trình giao thông đường bộ và thông xe an toàn trong thời gian ngắn nhất.

Trước mùa mưa bão năm nay, Sở GTVT đã chỉ đạo lực lượng chức năng thống kê, rà soát các điểm xung yếu trên các tuyến quốc lộ do Sở GTVT quản lý có nguy cơ sạt lở  cao. Chỉ đạo các địa phương kiểm tra, xử lý dứt điểm những vị trí sạt lở trước đó. 

Cụ thể, trên Quốc lộ 4A, đoạn Km66+600 - Km69+00 nguy cơ sụt lún đất nền đường do hang động Karsto và ngập nước; đoạn Km274 - Km276 nguy cơ đá lở khối lượng lớn gây cản trở giao thông; đoạn Km310 - Km333 (đèo Nà Tềnh), Km328 - Km 335 nguy cơ xảy ra sụt lở khối lượng lớn, đặc biệt đoạn Km331 - Km335 thường xảy ra sụt lở đá khối lượng lớn. Đối với Quốc lộ 34, nhiều khả năng sụt ta luy âm Km73+600 - Km78 đoạn Pác Nhùng - Bảo Lâm; sụt ta luy âm và ta luy dương đoạn Km85 - Km91; Km110 - Km117 đoạn Bảo Lâm - Bảo Lạc; đoạn Km126 - Km142 Bảo Lạc - Bản Riển; Km142 - Km182 Bản Riển - Bản Ngà - Ca Thành; Km193 - Km209  thị trấn Tĩnh Túc - thị trấn Nguyên Bình. Quốc lộ 4C nguy cơ sụt ta luy âm, dương trên lý trình từ Km200 - Km217.

Thống kê, rà soát các điểm xung yếu trên 9 tuyến đường tỉnh do Sở quản lý. Qua đó phát hiện đoạn Km18 - Km25 đường tỉnh 202 có nguy cơ sạt lở ta luy dương; đường tỉnh 204 sụt ta luy dương tại đèo Khau Công đoạn Km11- Km13; sụt ta luy dương, đá lở tại đèo Mã Quỷnh đoạn Km15 - Km17; đường tỉnh 207 sụt ta luy âm, dương tại đèo Khau Mòn đoạn Km15 - Km20; đường tỉnh 209 sụt ta luy dương trên lý trình từ Km4 - Km15, Km22 - Km46 từ Canh Tân - Quang Trọng; đường tỉnh 212 sụt ta luy âm, dương tại đèo Cô Lê A đoạn Km0 - Km16, Km18 - Km32… Còn đối với các tuyến đang thi công, các nhà thầu chịu trách nhiệm đảm bảo giao thông khi có sự cố xảy ra. 

Hiện các phương tiện, thiết bị, vật tư dự trữ phục vụ việc khắc phục hậu quả thiên tai, bão lụt, đảm bảo giao thông tại các vị trí xung yếu đã sẵn sàng. Tại Quốc lộ 34, từ Km73 - Km200, Công ty cổ phần Quản lý đường bộ Cao Bằng đã bố trí 2 máy xúc, 2 ô tô, 2 máy ủi; từ Km200 - Km247, của Công ty cổ phần Đường bộ 232 bố trí 1 máy xúc, 1 máy ủi và 2 ô tô; từ Km247 - Km266, Công ty cổ phần Xây dựng công trình giao thông 244 bố trí 2 máy xúc. 

Quốc lộ 4A, từ Km66 - Km74, Km134 - Km204, Công ty cổ phần Phát triển xây dựng và thương mại 909 bố trí 3 máy xúc, 2 ô tô, 2 máy ủi; đoạn Km134 - Km310, Công ty TNHH Nam Hải bố trí 2 máy xúc, 2 ô tô, 2 máy ủi… Quốc lộ 4C, đoạn từ Km200 - Km217, Công ty cổ phần Quản lý đường bộ Cao Bằng bố trí 1 máy xúc; đường tỉnh 204, Công ty cổ phần Quản lý đường bộ Cao Bằng bố trí 1 máy xúc; đường tỉnh 207, Công ty TNHH xây dựng thương mại Hương Trà bố trí 1 máy xúc… 

Trường hợp xảy ra ách tắc giao thông lớn đối với Quốc lộ 3, các đường tỉnh do các huyện quản lý, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Sở sẽ chỉ đạo các nhà thầu quản lý gần nhất hỗ trợ tối đa để thông xe. Ngoài ra, Sở cũng tính đến phương án phải phân luồng khi xảy ra ách tắc lớn hoặc đứt gãy nền đường… 

Giám đốc Sở GTVT Lã Hoài Nam cho biết: Trung bình mỗi năm, ngành giao thông tỉnh phải chi 15 - 18 tỷ đồng để khắc phục hậu quả mưa lũ. Vì vậy, Sở đề nghị UBND tỉnh bố trí nguồn kinh phí khắc phục hậu quả bão lũ kịp thời để thanh toán cho các đơn vị xây lắp; cấp đất để làm bãi đổ thải dọc các tuyến đường khi ngành GTVT trình cấp để có mặt bằng tập kết đất, đá sụt lở khi có khối lượng sụt lớn. Đầu tư kiên cố ta luy dương, ta luy âm bằng hệ thống kè xây tại các vị trí đã bị sụt lở, các vị trí nguy cơ sạt lở lớn gây mất an toàn giao thông để bảo vệ nền đường và tránh xảy ra tai nạn cho người và phương tiện tham gia giao thông. 

Thực hiện khắc phục hậu quả bão lũ bước 2 theo Thông tư số 30/2010/TT-BGTVT ngày 01/10/2010 của Bộ GTVT quy định về phòng, chống và khắc phục hậu quả lụt, bão trong ngành đường bộ trên các tuyến đường tỉnh, đường quốc lộ do Sở GTVT quản lý. Dự trù kinh phí cho công tác PCTT&TKCN để chủ động cho việc dự trữ nhiên liệu, vật tư trước mùa mưa bão…

Nguồn: Báo Cao Bằng

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)