Ảnh minh họa
Phát triển nguồn nhân lực
Trọng tâm của chiến lược phát triển nguồn nhân lực trong giai đoạn tới là phát hiện, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển lực lượng cán bộ quản lý doanh nghiệp có phẩm chất chính trị, có kiến thức quản trị doanh nghiệp tiên tiến, năng động, sáng tạo, có trình độ chuyên môn vững vàng, am hiểu thị trường hàng hải và luật pháp quốc tế. Bên cạnh đó sẽ chú trọng vào việc đào tạo, phát triển đội ngũ sỹ quan thuyền viên đáp ứng được yêu cầu đội tàu biển và xuất khẩu nguồn nhân lực.
Xuất phát từ định hướng phát triển hoạt động kinh doanh của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam giai đoạn 2016 – 2020, Đề án phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2016 – 2020 và định hướng đến năm 2030 tập trung vào các nội dung chính như đổi mới, chuẩn hóa quy trình tuyển dụng, đào tạo, luân chuyển, đánh giá, bổ nhiệm, đánh giá khen thưởng kỷ luật theo nguyên tắc thị trường, trọng dụng người tài. Bên cạnh đó là xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách đãi ngộ, đánh giá và khen thưởng người lao động gồm: hệ thống đánh giá năng lực cán bộ các cấp (KPI), đánh giá kết quả công việc, chính sách tiền lương, quy chế trả lương theo hệ thống trả lương 3Ps, cải thiện điều kiện làm việc và nâng cao chất lượng môi trường làm việc.
Tổng công ty xây dựng chương trình hợp tác với các trường đại học, cao đẳng, trung tâm đào tạo trong và ngoài nước đồng thời có chính sách đầu tư, bồi dưỡng với các sinh viên tại các trường đại học, cao đẳng nhằm cung ứng nguồn nhân lực có chất lượng.
Tổ chức đào tạo kiến thức chuyên môn chuyên sâu, đào tạo các kỹ năng mềm, đặc biệt là kỹ năng lãnh đạo, đào tạo thực tế, đào tạo tại các cơ sở có uy tín tại nước ngoài nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Tổng công ty. Tăng cường luân chuyển nội bộ để cán bộ nhân viên được tiếp cận và trau dồi kiến thức, kỹ năng mới, đào tạo chéo nhằm nâng cao hiệu quả và sự hài lòng trong công việc.
Nâng cao trình độ của sĩ quan, thuyền viên
Tổng công ty chú trọng việc đào tạo, tái đào tạo và nâng cao trình độ đội ngũ sỹ quan thuyền viên đảm bảo tiêu chuẩn của Công ước quốc tế, đặc biệt là nâng cao trình độ ngoại ngữ và sự hiểu biết về thương vụ.
Tăng cường công tác quản lý thuyền viên, xây dựng và ban hành các quy chế, chế tài đủ mạnh nhằm ngăn ngừa hiện tượng thuyền viên để xảy ra tai nạn, sự cố, làm thiếu hụt hàng hóa,…do thiếu trách nhiệm, thiếu mẫn cán trong công việc.
Cùng với việc đề cao tinh thần trách nhiệm, ý thức kỷ luật của đội ngũ sỹ quan thuyền viên trong quá trình khai thác tàu là khuyến khích sự chủ động, sáng tạo trong giải quyết công việc.
Xây dựng văn hóa doanh nghiệp
Bên cạnh vốn và chiến lược kinh doanh, sức mạnh của văn hóa doanh nghiệp sẽ mang lại lợi thế cạnh tranh vô cùng quan trọng. Văn hóa doanh nghiệp sẽ thấm sâu đến từng nhân viên, làm nên sự khác biệt giữa doanh nghiệp với đối thủ cạnh tranh. Sự khác biệt đó được thể hiện ở những tài sản vô hình như: sự cống hiến, lòng tận tụy và trung thành của từng nhân viên trong doanh nghiệp, sự tin tưởng của nhân viên vào các quyết định và chính sách của doanh nghiệp, tinh thần đồng đội trong mọi công việc của doanh nghiệp,…
Khi đó, văn hóa doanh nghiệp làm nên sự khác biệt và là một lợi thế cạnh tranh.