Đoàn Việt Nam trong buổi khai mạc kỳ thi
Đoàn Việt Nam dự thi 26 nghề với 52 thí sinh, trong đó sinh viên Trường ĐH Giao thông vận tải TP. HCM dự thi với các nội dung nghề thiết kế và phát triển trang web (sinh viên: Lê Quí Nhất, Lê Thanh Dương); nghề giải pháp phần mềm công nghệ thông tin (sinh viên Nguyễn Ngọc Vương).
Tại kỳ thi này, Đoàn Việt Nam tham gia đầy đủ, tích cực và có trách nhiệm vào tất cả các hoạt động của kỳ thi, được nước chủ nhà Thái Lan và bạn bè các nước trong khối ASEAN đánh giá rất cao về sự nghiêm túc, thái độ thân thiện và đóng góp hiệu quả trong kỳ thi năm nay, góp phần nâng cao hình ảnh quốc gia trong khối ASEAN.
Kết quả như sau: Đoàn Việt Nam xuất sắc đạt thành tích ở 22 trong 24 nghề thi chính thức; đạt 32.576 điểm, xếp thứ hai sau chủ nhà Thái Lan là 33.267 điểm. Đoàn Việt Nam giành vị trí thứ 3 toàn đoàn về tổng sắp huy chương với 7 thí sinh đoạt HCV, 7 thí sinh đoạt HCB và 6 thí sinh đoạt HCĐ và 16 Chứng chỉ kỹ năng nghề xuất sắc.
Cùng với sự nỗ lực của các thầy trong ban huấn luyện (thầy Trần Đức Doanh và Trần Anh Quân, khoa Công nghệ thông tin cùng đi theo hỗ trợ), sinh viên Trường ĐH Giao thông vận tải TP. HCM đã xuất sắc đạt các giải như sau: sinh viên Nguyễn Ngọc Vương giành Huy chương vàng (Nghề giải pháp phần mềm CNTT); sinh viên Lê Quí Nhất giành Huy chương đồng (Nghề Thiết kế web). Sinh viên Lê Thanh Dương giành chứng chỉ kỹ năng nghề xuất sắc.
Thầy và trò Trường ĐH Giao thông vận tải TP. HCM trong niềm vui chiến thắng
Kết quả trên của đoàn Việt Nam là một thành công và đã đạt được mục tiêu đề ra vì thời gian gần đây, các kỳ thi tay nghề ngày càng được các nước trong khu vực quan tâm, trú trọng đầu tư mạnh mẽ cả về thời gian, khoa học công nghệ, chuyên gia và tài chính cho công tác huấn luyện và đào tạo thí sinh.
Kỳ thi tay nghề ASEAN lần thứ 12 có số nghề lớn nhất được tổ chức từ trước đến nay (26 nghề) và lần đầu tiên tổ chức thi 2 nghề mới, trong đó có một nghề mới ra đời trong thời đại cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đó là nghề Kết nối vạn vật Internet (IOT). Kỳ thi được đánh giá rất thành công trên các phương diện về chuyên môn, về trang thiết bị, cơ sở hạ tầng, công tác tổ chức, công tác hậu cần, an ninh an toàn và đặc biệt là việc nước chủ nhà quyết tâm đổi mới nhằm nâng cao chất lượng kỳ thi ngày càng tiến gần với chất lượng kỳ thi tay nghề thế giới. Cụ thể, Ban tổ chức Kỳ thi của Thái Lan đã mạnh dạn lần đầu tiên áp dụng biện pháp chấm điểm bằng phương pháp đo lường và phán quyết (Masurement và Jugement) của Kỳ thi tay nghề thế giới thay cho cách chấm điểm cũ là chấm điểm khách quan và chủ quan; mặt khác, mời nhóm chuyên gia quốc tế từ kỳ thi tay nghề thế giới về quan sát, đánh giá đề xuất cải tiến nâng cao chất lượng, uy tín kỳ thi đồng thời tham gia chấm điểm độc lập thí điểm ở một số nghề.
Tại kỳ thi lần này, Việt Nam đã hỗ trợ huấn luyện cho các thí sinh của nước bạn Lào 5 nghề và các thí sinh đều đạt Chứng chỉ kỹ năng nghề xuất sắc.