6 tháng đầu năm 2018, hầu hết các doanh nghiệp cảng biển tiếp tục gặp khó khăn về kinh doanh
Theo ông Lê Công Minh, Chủ tịch Hiệp hội Cảng biển Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2018, hầu hết các doanh nghiệp cảng biển tiếp tục gặp khó khăn về kinh doanh. Thống kê khối lượng container qua các cảng trong 6 tháng đầu năm 2018 giảm 10% so với cùng kỳ năm 2017. Hàng nhập khẩu thông qua các cảng thuộc hiệp hội đạt 108 triệu tấn, nhập siêu giảm còn 21 triệu tấn. Hàng nội địa là 57 triệu tấn (giảm 9% so với với năm trước), chiếm tỷ lệ 21% tổng sản lượng thông qua.
Lý do sụt giảm do thời gian qua tiếp tục diễn ra tình trạng các hãng tàu nước ngoài áp đặt phí và phụ cước một cách thiếu minh bạch và ép giá dịch vụ cảng biển làm giảm tính cạnh tranh của hàng xuất nhập khẩu Việt Nam. Cơ chế năng lực quản lý cạnh tranh quốc tế tại thị trường dịch vụ hàng hải Việt Nam còn chưa theo kịp nhu cầu và năng lực, tiềm năng thị trường vùng miền. Trong khi đó, giá dịch vụ cảng biển chưa được điều chỉnh đúng mức, cạnh tranh nhỏ lẻ về giá vẫn còn là trở ngại chính trong thu hút đầu tư nước ngoài vào kết cấu hạ tầng cảng biển Việt Nam.
Cùng đó, một số cảng biển, địa phương chưa khai thác hết thế mạnh cảng biển của mình. Như địa bàn tỉnh Khánh Hòa, nơi cũng có nhiều cảng quan trọng phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế, quốc phòng của cả nước như: Cảng Cam Ranh, cảng Nha Trang… tuy nhiên, sản lượng hàng hóa thông qua các cảng tại Khánh Hòa mới chỉ ở mức khá.
Cụ thể, trong năm 2017, chỉ có khoảng 700 chuyến tàu thông cập cảng Cam Ranh và Nha Trang với số lượng hàng hóa chỉ khoảng hơn 2,1 triệu tấn, trong đó cảng Cam Ranh chiếm hơn 1,6 triệu tấn, con số này khá thấp so với cảng Quy Nhơn (7,1 triệu tấn), Đà Nẵng (8,2 triệu tấn), Nghệ Tĩnh (3,6 triệu tấn)… “Cần phối hợp phát triển hoạt động hàng hải, khai thác cảng biển, dịch vụ logistics cho khu vực Nam Trung bộ nói chung và Khánh Hòa nói riêng; tạo môi trường kinh doanh và pháp lý lành mạnh trong ngành hàng hải, đặc biệt là lĩnh vực khai thác cảng biển” ông Đào Công Thiên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đề nghị.
Theo ông Lê Công Minh, Bộ luật Hàng hải Việt Nam (sửa đổi, bổ sung) đã được Quốc hội thông qua trong năm 2015 có hiệu lực từ năm 2017 có bổ sung về cơ quan quản lý cảng. Đến nay, khối cảng biển vẫn đang chờ quy định dưới luật cho cơ chế mang tính đột phá này để có thể khắc phục những tồn tại, bất cập hiện nay, triển khai áp dụng nhanh cơ chế đổi mới phát triển kết cấu hạ tầng cảng biển một cách đồng bộ.
“Trước mắt để khắc phục những tồn tại về giao thông kết nối, cơ quan quản lý nhà nước cần rà soát để khai thông, nâng cấp, mở rộng các tuyến đường kết nối với cảng biển; kết hợp với quy hoạch phát triển đồng bộ dịch vụ logistics hỗ trợ cho từng cụm cảng biển. Về luồng lạch, cần ưu tiên đầu tư cho các tuyến luồng kết nối các cụm cảng chính. Đồng thời cũng cần có quy hoạch khu vực đổ thải nạo vét luồng kèm giải pháp cải tạo thay thế cho môi trường tại từng khu vực”, ông Minh đề xuất.