Chủ nhật, ngày 12/01/2025

Cảnh báo tàu ngoại lạm thu khi tăng giá dịch vụ cảng biển

Thứ năm, 11/10/2018 10:36 GMT+7

Cảnh báo tàu ngoại lạm thu khi tăng giá dịch vụ cảng biển

Các hãng tàu nước ngoài đang thu phí xếp dỡ container
tại cảng từ doanh nghiệp cao trong khi trả phí cho cảng thấp

Đề xuất tăng giá dịch vụ cảng biển của Bộ GTVT được kỳ vọng sẽ giúp các doanh nghiệp (DN) kinh doanh cảng có cơ hội tích lũy để tái cơ cấu. Tuy nhiên, phía các chủ hàng lại lo sẽ bị hãng tàu lạm thu để bù đắp chi phí.

Giá dịch vụ cảng biển chưa bằng 1/2 khu vực

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Trịnh Thế Cường, Trưởng phòng Vận tải và Dịch vụ hàng hải (Cục Hàng hải VN) cho biết, giá dịch vụ tại cảng biển của nước ta đang ở mức rất thấp so với các nước trong khu vực. Nếu như giá dịch vụ xếp dỡ container tại Hải Phòng chỉ có 30 USD/container 20 feet, Đà Nẵng là 45 USD, TP HCM là 41 USD thì hiện tại Thái Lan là 58 USD, Philippines là 98 USD, Indonesia là 81- 83 USD. Thậm chí, Campuchia quy mô bến cảng không tốt hơn Việt Nam nhưng giá xếp dỡ container đã lên tới 60 USD/container 20 feet.

“Cụm cảng nước sâu hiện đại có khả năng tiếp nhận tàu lên đến 18.000 - 21.500 TEU như Cái Mép - Thị Vải mà giá xếp dỡ hiện cũng chỉ ở mức 46 USD/container 20 feet, 68 USD/container 40 feet”, ông Cường nói và cho biết, mức giá này chỉ bằng 41 - 71% so với mức giá tại các cảng biển khu vực Đông Nam Á. Trong khi đó, suất đầu tư của một cảng container trung chuyển container quốc tế tại Cái Mép - Thị Vải hoàn toàn tương đồng.

Đáng lưu ý, theo ông Cường, do tập quán của các DN xuất nhập khẩu Việt Nam là mua CIF, bán FOB (mua tại cảng đến, bán tại cảng đi), khiến các hãng tàu nước ngoài được hưởng lợi khi phụ thu phí THC (phí xếp dỡ container tại cảng). “Ở Việt Nam, các hãng tàu đang thu phí THC đến 100 USD/container 20 feet và 150 USD/container 40feet, trong khi họ chỉ trả cho cảng của ta chi phí thấp như đã nêu khiến các DN cảng mất đi khoản tiền khá lớn vào tay các nhà vận tải. Vì vậy, việc tăng giá dịch vụ cảng biển là cần thiết để các cảng biển ở Việt Nam có thể thu hồi vốn nhanh và có nguồn lực tái đầu tư”, ông Cường nói.

Giá dịch vụ trong đó có xếp dỡ container tại cảng biển Việt Nam
hiện thấp hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực Đông Nam Á

Lo chủ tàu lạm thu

Ủng hộ việc tăng giá dịch vụ cảng biển, ông Hoàng Nam, Giám đốc Công ty CP Thương mại và Dịch vụ HBS Việt Nam cho hay: Việc tăng giá dịch vụ sẽ giúp cảng có vốn để nâng cấp hạ tầng, hàng hóa được giải phóng nhanh hơn. Tuy nhiên, ông Nam cũng bày tỏ lo ngại khi giá dịch vụ xếp dỡ container mới được áp dụng, hãng tàu nước ngoài sẽ “vẽ” ra nhiều khoản phụ thu khác để bù vào phần phí phải trả thêm cho DN cảng biển. “Ngoài các phí như THC, phí DO, phí lưu container, chủ hàng Việt Nam còn phải “cõng” trên lưng hàng chục loại phí “giời ơi, đất hỡi” khác như: phí kiểm dịch, phí cân bằng container (CIC), phí sửa chữa vỏ container, vệ sinh container, phí trả container rỗng…”, ông Nam thông tin thêm.

Tại Dự thảo Thông tư ban hành biểu khung giá dịch vụ hoa tiêu, dịch vụ sử dụng cầu bến, phao neo, dịch vụ bốc dỡ container và dịch vụ lai dắt tại cảng biển Việt Nam do Cục Hàng hải VN xây dựng trình Bộ GTVT, giá dịch vụ xếp dỡ container tại cảng biển được đề xuất thay đổi theo 2 phương án:Phương án 1: Khung giá dịch vụ bốc dỡ container xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất khu vực I tăng khoảng 10% so với khung giá hiện hành. Riêng khung giá dịch vụ bốc dỡ container xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất khu vực ĐBSCL giảm 50% so với khung giá ở dịch vụ tương tự ở khu vực III. Phương án 2: Khung giá dịch vụ bốc dỡ container xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất khu vực 1 tăng bằng giá khu vực 3, áp dụng theo lộ trình: Năm 2019 tăng 10%, năm 2020 tăng 20%, năm 2030 tăng 30%. Tại khu vực Cái Mép - Thị Vải, giá dịch vụ bốc dỡ container xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất điều chỉnh tăng 10% so với mức quy định tại Quyết định số 3863 của Bộ GTVT. Ngoài ra, khung giá dịch vụ bốc dỡ container xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất tại khu vực Lạch Huyện được đề xuất tăng 10% theo lộ trình; Khung giá bốc dỡ container từ sà lan sang bãi cảng và ngược lại tại khu vực I và III đề xuất tăng 50% so với mức quy định tại Quyết định số 3863.

Về vấn đề này, ông Trịnh Thế Cường cho biết, việc điều chỉnh khung giá dịch vụ bốc dỡ container đối với hàng hóa XNK sẽ không ảnh hưởng đến chủ hàng xuất nhập khẩu. “Các hãng tàu nước ngoài đang phụ thu cước THC đối với chủ hàng xuất nhập khẩu trong nước là 100 USD/container 20 feet và 150 USD/container 40 feet. Việc tăng giá bốc dỡ 10% chỉ chiếm 3% doanh thu từ THC, đây là mức tăng rất nhỏ nên khả năng hãng tàu nước ngoài tăng giá THC đối với chủ hàng Việt Nam là rất khó xảy ra”, ông Cường nói và cho biết, riêng tại khu vực Cái Mép - Thị Vải, hiện việc chào giá của các hãng tàu được tiến hành độc lập, không còn tình trạng thỏa thuận cùng tăng giá THC như những năm trước do sức cạnh tranh ngày càng tăng. Trong khi đó, nếu tăng giá tối thiểu dịch vụ xếp dỡ tại Cái Mép - Thị Vải lên 53 USD/container 20 feet (chỉ tăng 7 USD/container, chiếm 7% mức THC) khiến các hãng tàu khó có thể tăng mức phí THC do lo ngại mất khách hàng vào tay đối thủ cạnh tranh.

Về vấn đề lạm thu phí của các hãng tàu, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công nhấn mạnh: Chính phủ đã ban hành Nghị định 146/2016, trong đó có yêu cầu DN kinh doanh vận tải biển hoặc DN được ủy quyền có trách nhiệm niêm yết các thông tin theo quy định, thông báo địa chỉ trang thông tin điện tử nơi niêm yết giá vận chuyển bằng đường biển, giá dịch vụ tại cảng biển hoặc niêm yết phụ thu,… “Trường hợp thay đổi giá dịch vụ tại cảng biển thì thực hiện kê khai với cơ quan có thẩm quyền và niêm yết theo quy định của pháp luật về giá. Đây sẽ là cơ sở pháp lý để các cơ quan chức năng kiểm soát và ngăn chặn tình trạng hãng tàu tự ý “đẻ” phí, tăng phí, làm tăng chi phí logistics, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa”, Thứ trưởng Công nói.

Tuy vậy, theo ông Phan Thông, Tổng thư ký Hiệp hội Chủ hàng VN, việc niêm yết giá của các hãng tàu nước ngoài rất mập mờ, có những website của hãng tàu lên còn không tìm thấy bảng giá cước mục nào nên công tác kiểm soát của cơ quan chức năng sẽ rất khó khăn. “Chúng ta đã có quy định về việc hãng tàu phải niêm yết, công khai giá cước, phụ phí song việc thu phí của các DN vận tải hiện giống như việc vượt đèn tín hiệu trong tham gia giao thông, có những người vẫn vô tư vượt đèn đỏ chẳng hề hấn gì, có những người vượt vào lúc CSGT đứng đó thì chấp nhận chịu phạt. Nói như vậy có nghĩa, công tác kiểm soát của cơ quan chức năng cần chặt chẽ hơn, tỉ mỉ hơn để phát hiện kịp thời những hãng tàu tăng phí không hợp lý. Để làm được điều đó, việc biên chế nhân sự theo dõi, so sánh sự thay đổi giá cước của các hãng tàu hàng ngày cũng sẽ là thách thức lớn”, ông Thông nhận định.

Nguồn: Báo Giao thông

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)