Thứ năm, ngày 16/01/2025

Nhường đường - văn hóa xa xỉ của người Việt

Thứ tư, 31/10/2018 15:09 GMT+7
Đầu giờ sáng, phố Tôn Thất Tùng, người và xe kín đặc. Con phố nhỏ, ngắn nhưng lại có tới 3 trường học...

Người tham gia giao thông điều khiển phương tiện lấn chiếm vỉa hè
dành cho người đi bộ (Chụp tại đường Nguyễn Xiển, Thanh Xuân, Hà Nội) 

Đầu giờ sáng, phố Tôn Thất Tùng (Hà Nội), người và xe kín đặc. Con phố nhỏ, ngắn nhưng lại có tới 3 trường học: Một tiểu học, một trung học cơ sở, một đại học và một bệnh viện. Mẹ dắt con, bà dắt cháu, học sinh qua đường đi học phải luồn lách giữa rừng xe vì chỉ cần hở một chỗ trống là lập tức có xe “điền” vào.

Đối ngược hẳn với hình ảnh trên, con phố chính đông đúc, sầm uất chạy qua khu vực chợ lớn nhất Siem Reap (Campuchia). Phố nhỏ, lượng phương tiện qua lại khá lớn, nào ô tô, xe máy, xe máy kéo (xe tuk tuk), người đi bộ. Nhưng, chỉ cần thấy có người đi bộ chuẩn bị qua đường, các phương tiện liền chạy chậm hoặc dừng hẳn chờ người đi bộ qua.

Nếu làm phóng sự về văn hóa nhường đường ở hai nước láng giềng Việt Nam, Campuchia, những cảnh phim chân thật, không dàn dựng trên đủ để so sánh về ứng xử của người dân mỗi nước khi tham gia giao thông.

Sáng sáng, dắt đứa con nhỏ đang học tiểu học qua đường Tôn Thất Tùng để đến trường, tôi phải “đấu trí” với các tài xế để biết nên lùi hay tiến, đi thẳng hay đi xiên. Nếu một lái xe nào thương tình chạy chậm hay dừng lại để mẹ con tôi qua, lập tức có một chiếc khác vọt lên, chèn vào khoảng trống trước mặt mẹ con tôi để vượt lên. Nhiều khi hốt hoảng kéo tay con lùi lại thì lại vướng xe phía sau.

Trong khi đó, bên nước bạn, lần đầu đi bộ qua đường, chúng tôi dáo dác nhìn các loại xe đang chạy về phía mình rồi theo thói quen “bé nhường to” dừng lại cho ô tô, xe máy qua trước. Nhưng ô tô hay xe máy đều đi chậm lại, thậm chí dừng hẳn cách chúng tôi vài mét. Ban đầu, chúng tôi đứng ngây ra, không hiểu thế nào. Phải đến khi một bác tài vẫy tay ra hiệu, chúng tôi mới biết là mình được nhường đường qua trước. Những lần sau cũng vậy, dù đường đông hay vắng, đường nhỏ hay đường rộng mấy làn xe, xe đi nhanh hay đi chậm, các phương tiện đều tự động giảm tốc nhường đường cho người đi bộ.

“Trông người lại ngẫm đến ta”, dường như “chen ngang, chen chân”, không ai nhường ai đã thành thói xấu của nhiều người dân khi tham gia giao thông ở Việt Nam. Vì thế, cảnh ô tô lấn làn xe máy, xe máy luồn lách giữa các ô tô để di chuyển khiến giao thông hỗn loạn, tắc đường vào giờ cao điểm trở nên quá phổ biến, nhất là ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh.

“Nhường đường” - văn hóa ứng xử tối thiểu khi tham gia giao thông này, nếu được mỗi người dân ý thức thực hiện chắc chắn sẽ giảm ùn tắc giao thông, giảm những vụ tai nạn đáng tiếc.

Nguồn: Báo Giao thông

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)