Sân bay Tân Sơn Nhất
Lãnh đạo VATM cho biết, phân cách tối thiểu giữa 2 tàu bay trong vùng trời tiếp cận sân bay hiện là mức 5 hải lý, tương đương 9.260m. Quy định này được áp dụng từ khi các hệ thống ra đa giám sát hàng không dân dụng được đưa vào sử dụng.
Hiện tại, VATM đã đầu tư đưa vào sử dụng các hệ thống giám sát tiên tiến, đa dạng với độ chính xác cao, giúp việc giám sát hoạt động bay cải thiện cả về chất lượng giám sát, tầm phủ cũng như các mức độ sẵn sàng, liên tục của hệ thống. Các hệ thống giám sát mới cho phép Tổng công ty thực hiện đánh giá và đáp ứng theo các tiêu chuẩn phân cách mới 3 hải lý (5.500m) của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) và Tổ chức an toàn hàng không Châu Âu (EASA).
Việc điều chỉnh và áp dụng tiêu chuẩn phân cách mới phù hợp với năng lực của hệ thống là giải pháp quan trọng nhằm tối ưu hóa năng lực thông qua của vùng trời, nâng cao khả năng linh hoạt trong việc tổ chức và phối hợp điều hành bay trong vùng trời sân bay, góp phần làm giảm chậm chuyến, thời gian bay chờ của tàu bay đặc biệt là trong các vùng trời có mật độ hoạt động bay cao, linh hoạt sử dụng các độ cao bay tối ưu cũng như giảm quãng đường bay, đem lại các lợi ích thiết thực về khai thác và kinh tế. Bên cạnh đó, việc áp dụng giá trị phân cách mới cũng đem lại các lợi ích khác về môi trường, làm giảm lượng khí phát thải của tàu bay.
Vùng trời tiếp cận Tân Sơn Nhất hiện nay có mật độ hoạt động bay cao nhất cả nước. Trung bình một ngày có hơn 600 lần chuyến cất và hạ cánh, ngày cao điểm lên đến hơn 800 lần chuyến. Với việc triển khai thực hiện áp dụng tiêu chuẩn phân cách mới sẽ giúp tăng năng lực thông qua trong vùng trời Tân Sơn Nhất.
Dự kiến trong năm 2019, VATM sẽ tiếp tục thực hiện việc điều chỉnh giá trị phân cách tại vùng trời sân bay Nội Bài và Đà Nẵng. Đồng thời, Tổng công ty sẽ nghiên cứu, đánh giá khả năng áp dụng giá trị phân cách mới trong vùng trời đường dài trên các đường hàng không trong toàn quốc.