Các trường mang đến nhiều thông điệp ý nghĩa về an toàn giao thông qua phần thi vẽ tranh cổ động. Ảnh: V.H
Cuối tháng 11 vừa qua, Phòng GDĐT Đà Lạt tổ chức Hội thi tìm hiểu Luật Giao thông đường bộ dành cho học sinh từ bậc mầm non đến THCS trên địa bàn thành phố. Những kiến thức về luật giao thông được truyền tải qua các phần thi sinh động như vẽ tranh cổ động an toàn giao thông (ATGT), thi tìm hiểu Luật Giao thông đường bộ bằng hình thức Rung chuông vàng, đặc biệt là các tiểu phẩm, tình huống giao thông thực tế, dí dỏm giúp học sinh dễ hiểu, dễ nhớ những bài học về ATGT.
Là sao đỏ của một trường tiểu học trên địa bàn thành phố Đà Lạt, Thanh Thảo - học sinh lớp 4, sau khi tham gia phần thi tìm hiểu Luật Giao thông đường bộ trả lời câu hỏi bằng hình thức Rung chuông vàng chia sẻ: “Em từng gặp rất nhiều phụ huynh chở con đi học mà không đội mũ bảo hiểm cho con. Khi em ghi tên lại thì bị những phụ huynh này nạt nộ. Cũng có nhiều người, để tránh con bị sao đỏ ghi tên đã đứng đợi ở xa cổng trường để con đi bộ lại rồi leo lên xe máy”.
“Thực tế, tình trạng phụ huynh chở học sinh đến trường bằng xe máy mà không đội mũ bảo hiểm rất nhiều. Việc sao đỏ ghi tên lại không chỉ để trừ điểm thi đua của lớp mà còn nhằm nhắc nhở để lần sau phụ huynh nhớ đội mũ bảo hiểm cho con đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông”, cô Hoài Thanh - Tổng phụ trách Đội Trường Tiểu học Lê Lợi cho hay.
Nhiều bức tranh cổ động ATGT cũng được vẽ từ thực tế này. Với thông điệp “Đội mũ cho con - Trọn tình cha mẹ”, bức tranh của học sinh Trường Tiểu học Trưng Vương tỉ mỉ, sáng tạo với nền xốp và hình ảnh được tạo nên từ đất sét. Là người đưa ra ý tưởng này, Gia Hân - đội trưởng cho biết: “Chúng em mong muốn mọi phụ huynh đều chú ý đội mũ bảo hiểm cho con khi đến trường bằng xe máy. Đây không chỉ là chấp hành quy định của nhà trường mà còn rèn thói quen, ý thức thực hiện luật giao thông cho học sinh cũng như phụ huynh để đảm bảo an toàn cho chính mình và mọi người”.
Phần thi tiểu phẩm và xử lý tình huống ATGT được các đội dàn dựng từ những tình huống hay gặp trong thực tế. Các đội đã xử lý khá tốt các tình huống giao thông có nội dung xoay quanh việc giải quyết các tình huống tham gia giao thông trên đường đi học, các lỗi học sinh thường mắc phải khi tham gia giao thông… Qua đó, tìm hành vi vi phạm và xử lý theo quy định tại Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, các biển báo giao thông và các hành vi ứng xử khi tham gia giao thông. Phần thi tiểu phẩm ngắn có nội dung giáo dục ATGT, nhiều hình thức phong phú được các đội trình bày qua một tiểu phẩm hay biểu diễn một tiết mục văn nghệ như thơ, ca, hò, vè… có nội dung về bảo đảm ATGT, ca ngợi gương người tốt việc tốt về ATGT, đả kích thói hư tật xấu của một số người làm mất trật tự ATGT…
Ấn tượng từ hội thi tìm hiểu Luật Giao thông đường bộ lần này là những hình ảnh, thông điệp sinh động, có ý nghĩa về ATGT như: “Đến trường an toàn - Học ngàn điều hay”, “ATGT là hạnh phúc của mọi nhà”, “Đội mũ bảo hiểm khi đi xe mô tô, xe gắn máy”, “Chúng em thực hiện tốt ATGT”, “Văn hóa giao thông - Hãy không lơ là”, “ATGT - Nói không với bia rượu”, “ATGT là không tai nạn”…
Hội thi đã tạo ra một sân chơi lành mạnh, bổ ích cho học sinh. Qua đó, nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của học sinh là mục tiêu ngành Giáo dục Đà Lạt hướng tới. Theo ông Nguyễn Xuân Phong - Phó Trưởng Phòng GDĐT thành phố Đà Lạt: “Đối với học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường, việc trang bị những kiến thức về luật giao thông, giáo dục ý thức tự giác chấp hành những quy định về ATGT là điều cần thiết. Song, để những kiến thức đó thực sự có ý nghĩa, tác dụng thực tế với các em và có sức lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng thì việc tuyên truyền giáo dục luật giao thông để giúp các em được trang bị, bổ sung kiến thức, kỹ năng về ATGT là điều quan trọng và cần thiết. Qua đó, góp phần nâng cao thói quen cư xử có văn hóa, đúng pháp luật, xóa bỏ những thói quen tùy tiện vi phạm quy tắc giao thông, hình thành những ý thức tự giác tuân thủ chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông. Đồng thời, tạo môi trường giao thông trật tự, an toàn, văn minh, thân thiện làm cơ sở để từng bước hình thành “văn hóa giao thông” trong mỗi học sinh và mỗi người khi tham gia giao thông”.