Thứ năm, ngày 16/01/2025

Mô hình "Cổng trường an toàn giao thông": Nâng cao ý thức cho phụ huynh và học sinh

Thứ ba, 25/12/2018 14:22 GMT+7

Cần có giải pháp nâng cao nhận thức của phụ huynh và học sinh trong chấp hành luật giao thông đường bộ. Đó là ý kiến chung được đưa ra tại buổi tọa đàm nâng cao hiệu quả mô hình “Cổng trường an toàn giao thông” do Thành đoàn phối hợp với Phòng Giáo dục - Đào tạo thành phố Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam) vừa tổ chức.

Ảnh minh họa

Mô hình “Cổng trường an toàn giao thông” được Thành đoàn Tam Kỳ phát động vào năm 2013 và triển khai thực hiện tại tất cả trường học trên địa bàn thành phố. Trong đó, quy định cụ thể việc phụ huynh và học sinh khi tham gia giao thông đến trường, ra về. Bên cạnh đó, thành lập các đội thanh niên xung kích đảm bảo trật tự an toàn giao thông trước cổng trường.

Theo thống kê, trên địa bàn TP.Tam Kỳ có 53 trường học thuộc 4 cấp học với gần 30 nghìn học sinh. Chính vì thế lưu lượng phụ huynh đưa đón con em đến trường, học sinh tự đến trường vào các giờ cao điểm rất lớn gây nên tình trạng ùn tắc giao thông. Ông Võ Văn Diệu – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Thị Sáu cho biết, do trường chỉ có một cổng chính nằm ở đường Nguyễn Du nên lượng xe lưu thông khá đông, nhà trường phối hợp với Đoàn phường Tân Thạnh tổ chức phân luồng giao thông và hướng dẫn nơi đậu đỗ xe cho phụ huynh khi đưa đón con em. Vậy nhưng vẫn có nhiều phụ huynh đưa xe sát cổng trường gây khó khăn cho học sinh khi ra về. Còn ông Trần Anh Hải – Hiệu trưởng Trường THCS Lý Tự Trọng cho rằng, tình trạng buôn bán hàng rong cũng như các xe taxi đậu đỗ trước cổng trường đã gây mất an toàn giao thông. “Vào giờ tan trường thì các em học sinh lại chen chúc mua đồ ăn vặt tại các xe đẩy hàng rong khiến cho giao thông trước cổng trường trở nên lộn xộn. Mặc dù nhà trường cũng đã nhắc nhở nhiều lần, nhưng chỉ được vài hôm thì đâu lại trở lại đấy” – ông Hải nói.

Nhiều ý kiến cho rằng, các trường học cần phải bố trí thêm các cổng phụ cũng như cắm biển hướng dẫn nơi đậu đỗ xe của phụ huynh để tránh ùn tắc khi tan trường. Bên cạnh đó, chính quyền các địa phương cần có phương án xử lý tình trạng buôn bán hàng rong, đậu đỗ xe trước cổng trường. Ông Ngô Văn Quý – Phó Hiệu trưởng Trường THPT Phan Bội Châu cho rằng, bên cạnh lực lượng thanh niên xung kích của nhà trường và địa phương thì cần có sự tham gia của lực lượng dân quân, công an và bảo vệ dân phố để hỗ trợ tốt hơn việc phân luồng giao thông. Ngoài ra, lực lượng cảnh sát giao thông thành phố cần hỗ trợ cho các trường điều tiết giao thông trong giờ cao điểm, đồng thời tăng cường ra quân tuần tra, xử lý các trường hợp vi phạm luật giao thông.

Theo Đại úy Ngô Đình Kiên – Đội phó Đội cảnh sát giao thông (Công an TP.Tam Kỳ), việc cần làm ngay trước mắt là đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về giao thông cho phụ huynh cũng như học sinh, như lồng ghép việc tuyên truyền pháp luật giao thông đường bộ trong các buổi ngoại khóa. Tổ chức cho phụ huynh ký cam kết chấp hành nghiêm các quy tắc giao thông khi đưa, đón con em đến trường. Ngoài ra, thành phố cần xây dựng các biển cấm đậu đỗ xe tại các khu vực xung quanh cổng trường, cũng như xây dựng cầu đi bộ tại các trường nằm trên đường 1 chiều để đảm bảo an toàn cho phụ huynh và học sinh. Lực lượng Cảnh sát giao thông thành phố tiếp tục hỗ trợ các trường đảm bảo giao thông trong giờ cao điểm và sẽ xử lý các trường hợp dừng và đậu xe không đúng quy định trước cổng trường. “Bên cạnh sự vào cuộc của lực lượng chức năng thì rất cần sự chung tay phối hợp của lực lượng thanh niên xung kích các địa phương cũng như nhà trường trong việc đảm bảo an toàn giao thông trong giờ cao điểm” – Đại úy Kiên nói.

Nguồn: Báo Quảng Nam

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)