Thứ tư, ngày 15/01/2025

Tai nạn giao thông đường sắt: Nguy cơ từ sự thiếu ý thức

Thứ năm, 21/03/2019 14:33 GMT+7

Những lỗi thuộc về nguyên nhân chủ quan vẫn là yếu tố tiềm ẩn nguy cơ cao gây mất trật tự, an toàn giao thông đường sắt trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

Vụ tai nạn đường sắt nghiêm trọng xảy ra vào tháng 5/2018
liên quan đến lỗi chủ quan của nhân viên đường sắt.

Phức tạp

Hội nghị sơ kết quy chế phối hợp bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông đường sắt do Công an tỉnh và Tiểu ban an ninh trật tự, an toàn giao thông ngành đường sắt khu vực tỉnh Quảng Nam vừa được tổ chức vào cuối tuần qua. Tại đây, nhiều nguyên nhân gây mất an toàn giao thông đường sắt được đề cập. Đáng nói, nhiều hành vi như lấn chiếm hành lang an toàn, tự ý mở lối đi băng qua đường sắt, ý thức hạn chế của người tham gia giao thông lẫn nhân viên đường sắt vẫn đang tái diễn.

Theo thống kê, tuyến đường sắt thống nhất Bắc - Nam qua địa bàn tỉnh Quảng Nam có chiều dài gần 92km, bắt đầu từ thị xã Điện Bàn đến hết huyện Núi Thành, đi qua 31 xã, phường, thị trấn của 7 huyện, thị xã, thành phố. Trong đó các ga Trà Kiệu, Phú Cang, Tam Kỳ, Núi Thành là ga có tác nghiệp vận chuyển hành khách và hàng hóa của tỉnh đi khắp các địa bàn trong cả nước, mỗi ngày đón tiếp hàng trăm lượt khách lên xuống tàu. Dọc tuyến này, ngoài 60 đường ngang, có tới 69 lối đi tự mở, người dân thường xuyên qua lại, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Nổi lên là tình trạng vi phạm quy định về an toàn giao thông đường sắt, bất cẩn khi vượt qua đường sắt của người và phương tiện tham gia giao thông dẫn đến tai nạn khó lường.

Theo thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt (Công an tỉnh), năm 2018, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam xảy ra 16 vụ tai nạn giao thông đường sắt làm 5 người chết, 7 người bị thương, chưa kể một số vụ tông phải trâu bò và phương tiện gây gián đoạn giao thông đường sắt nhiều giờ. Điển hình nhất là vụ tai nạn giao thông rất nghiêm trọng xảy ra vào chiều 26/5/2018 giữa hai đoàn tàu hàng do lỗi của nhân viên đường sắt, gây thiệt hại lớn về tài sản. Đại tá Nguyễn Hà Lai - Phó Giám đốc Công an tỉnh nhận xét, vấn đề nhận thức của một bộ phận người dân lẫn cán bộ, nhân viên đường sắt hiện rất đáng quan ngại. “Thiệt hại do tai nạn đường sắt gây ra khá lớn, nhất là vụ tai nạn ở Núi Thành. Nhiều người dân cố tình điều khiển phương tiện vượt qua đường sắt khi đã có tín hiệu cảnh báo, trong đó có cả ô tô, xe tải, xe ba gác chở hàng làm ảnh hưởng đến an toàn giao thông đường sắt” - Đại tá Nguyễn Hà Lai nói.

Tăng cường phối hợp

Thượng tá Nguyễn Thành Vân - Phó Trưởng Công an TP.Tam Kỳ cho hay, trong số hơn 6km đường sắt đi qua TP.Tam Kỳ, tình trạng lưu lượng phương tiện khá đông về các huyện phía Tây thành phố lẫn từ khu công nghiệp Trường Xuân băng qua đường sắt mỗi ngày đang tiềm ẩn nguy cơ cao. “Trong năm 2018, Tam Kỳ xảy ra 2 vụ tai nạn giao thông đường sắt làm 2 người chết. Nguyên nhân đều do người dân chủ quan, không chấp hành tín hiệu đèn, cố tình vượt qua khi rào chắn đã hạ xuống. Để khắc phục tình trạng này, địa phương đã tham mưu UBND thành phố có công văn chỉ đạo tới từng thôn, khối phố dọc đường sắt để nhắc nhở người dân nâng cao ý thức, chấp hành tốt các quy định, tham gia phát quang cây cối giải phóng hành lang, tạo tầm nhìn thông thoáng tại các lối đi tự mở qua đường sắt. Chúng tôi đã tích cực phối hợp với cơ quan chức năng trong việc vận động bà con không chăn thả gia súc trên hành lang an toàn, đổi mới hình thức tuyên truyền, phát tờ rơi lẫn tuyên truyền trực tiếp khi tuần tra, xử lý vi phạm” - Thượng tá Nguyễn Thành Vân cho hay.

Theo ông Nguyễn Văn Khuyến - Phó Giám đốc Chi nhánh khai thác đường sắt Nghĩa Bình, thời gian qua, đơn vị đã phối hợp xử lý tình trạng ném đá lên tàu, kiểm soát ngăn ngừa ăn cắp vật tư đường sắt, thường xuyên tổ chức giao ban với cơ quan chức năng bảo đảm an ninh trật tự, an toàn đường sắt, phòng chống cháy nổ. Hệ thống camera, biển báo, đèn tín hiệu và rào chắn được lắp đặt tại nhiều tuyến đường ngang đã góp phần quan trọng trong việc ngăn ngừa tai nạn đường sắt.

“Năm 2019, chúng tôi sẽ tăng cường phối hợp với các địa phương và ngành chức năng để thực hiện giải tỏa tầm nhìn tại một số điểm, chấn chỉnh và xử lý nghiêm trường hợp người dân tự ý cản trở, nhổ tà vẹt bê tông cố tình cho ô tô vượt qua đường sắt sau khi công ty đóng thu hẹp. Đơn vị cũng tập trung quán triệt cán bộ, nhân viên thực hiện nghiêm các quy định về an toàn. Đặc biệt, việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cần có sự vào cuộc đồng bộ, tích cực của tất cả các cấp, ngành để khắc phục lỗi ý thức từ người dân, từ đó mới phòng ngừa hiệu quả tai nạn trên đường sắt” - ông Khuyến nói.

Nguồn: Báo Quảng Nam

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)