Thứ sáu, ngày 24/01/2025

Tìm giải pháp thúc đẩy hàng không phát triển bền vững

Thứ năm, 11/04/2019 18:24 GMT+7

Chiều nay, 11/4, tại Quy Nhơn, Bình Định Báo Giao thông tổ chức tọa đàm “Giải pháp thúc đẩy hàng không Việt phát triển bền vững’ với sự tham gia của nhiều diễn giả, bàn thảo nhiều nội dung, lát cắt khác nhau trong bối cảnh thị trường hàng không có nhiều cơ hội cũng như không ít thách thức.

Thông tin tại Hội thảo cho thấy, hàng không Việt Nam đang ở giai đoạn phát triển mạnh mẽ nhất từ trước đến nay. Với mức tăng trưởng trong 5 năm liên tục đều đạt 2 con số, lên tới xấp xỉ 30%, cao hơn rất nhiều các quốc gia khác.

Trên thị trường hàng không nội địa, hiện có 4 hãng hàng không khai thác, gồm: Vietnam Airlines, Viejet, Jetstar và Bamboo Airways. Tại thị trường quốc tế, 71 hãng hàng không nước ngoài và 4 hãng hàng không trong nước đang khai thác 140 đường bay, kết nối Việt Nam tới 28 quốc gia và vùng lãnh thổ.


Toạ đàm Giải pháp thúc đẩy hàng không Việt phát triển bền vững
do Báo Giao thông và FLC phối hợp tổ chức

Đánh giá về sự tăng trưởng của ngành hàng không thời gian qua, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Phạm Văn Hảo cho biết, giai đoạn từ 2008 - 2018, về số lượng tàu bay, tổng số tàu bay của hàng không Việt Nam đã tăng từ 60 lên 192 tàu. Nếu như trước đây, đội bay chủ yếu chỉ có Vietnam Airlines, còn hiện nay có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp tư nhân, cụ thể là Vietjet, Bamboo Airways. Sự thay đổi này rõ ràng ở cả chất và lượng. Mạng đường bay của hàng không Việt Nam cũng có nhiều chuyển biến sau 10 năm với gần 60 đường bay nội địa và 130 đường bay quốc tế so với 25 đường bay nội địa và 54 đường bay quốc tế vào năm 2008.

“Các tổ chức quốc tế cũng đánh giá hàng không Việt Nam thuộc diện tăng trưởng nhanh nhất thế giới, với tốc độ tăng trưởng luôn đạt mức 2 con số”- ông Hảo nhấn mạnh.

Nói về sự tăng trưởng nhanh chóng, mà có những ý kiến lo ngại là tăng trưởng “nóng” trong lĩnh vực hàng không, ông Trần Minh Phương – Phó Vụ trưởng Vụ kế hoạch đầu tư, Bộ Giao thông vận tải cho rằng: “nóng” vì đó là 2 con số nhưng “nóng” đến đâu là do nhận định của người sử dụng và các nhà cung cấp dịch vụ.

Lo ngại tăng trưởng “nóng” của ngành hàng không, ông Đỗ Đức Tú bày tỏ: Minh chứng cho sự phát triển nóng của hàng không là ở Tân Sơn Nhất. Sân bay này quá tải không chỉ ở giao thông kết nối, nhà ga, sân đỗ mà ngay cả đường cất hạ cánh cũng quá tải.

“Sự phát triển nóng của hàng không có mặt tích cực và cả hệ luỵ nhất định. Tích cực vì đây là cơ hội phát triển hàng không, phát triển kinh doanh vận tải hàng không. Nhưng tăng trưởng quá nhanh, khả năng đáp ứng về hạ tầng sân bay, cụ thể là hạ tầng chưa theo kịp tốc độ của vận tải. Kế đó là vấn đề con người. Có phương tiện nhưng phải có người vận hành đảm bảo an toàn tuyệt đối”, ông Đỗ Đức Tú- Đại diện Bộ Kế hoạch đầu tư nhấn mạnh.

Tuy nhiên, nhìn nhận vào đặc thù của hàng không Việt Nam là thị trường có xuất phát điểm thấp, nên có nhiều cơ hội để phát triển đột phá, ông Phạm Văn Hảo bày tỏ: Với tốc độ tăng trưởng GDP ổn định từ 5,5% - 7,5%/năm trong 10 năm qua, tăng trưởng về hàng không đạt gấp 2 đến 2,5 lần là hoàn toàn phù hợp với các đánh giá, dự báo của các tổ chức, doanh nghiệp hàng không lớn trên thế giới như: ICAO, IATA, Boeing...

Chia sẻ một góc nhìn tích cực với sự tăng trưởng của thị trường hàng không, Chuyên gia kinh tế, TS. Võ Trí Thành bày tỏ, có hai câu chuyện lớn nhất dẫn đến sự phái triển của hàng không Việt Nam, đó là sự phát triển kinh tế trong nước và thu nhập của người dân, đặc tính các phân khúc dân số Việt Nam. Việt Nam đang trở thành trung tâm kết nối thế giới với mức độ hội nhập rất sâu. Chính mức độ hội nhập này là kéo hàng không tăng trưởng. Cái hay nhất của hàng không Việt Nam thời gian qua là cạnh tranh, không có cạnh tranh thì tất cả nhu cầu của chúng ta không có. Đặc biệt, “nếu hiểu cạnh tranh chỉ ở khách hàng thì quá hẹp. Vận tải hàng hóa trong 5 năm qua của VN nhanh nhất khu vực Asean, 200 nghìn tấn lên 450 nghìn tấn . Đó là lĩnh vực cực kỳ hấp dẫn mà ít người nói tới”- TS. Võ Trí Thành nhấn mạnh.

Thảo luận về vấn đề cạnh tranh giữa các hãng hàng không cũng như việc nhiều hãng hàng không cùng khai thác sẽ hỗ trợ địa phương phát triển nhiều mặt, đặc biệt là du lịch và kinh tế.

Phó Chủ tịch thường trực Bamboo Airways Đặng Tất Thắng cho rằng cạnh tranh  trên thị trường hàng không ở đây không chỉ giữa các hãng hàng không mà cạnh tranh giữa kinh tế Nhà nước và kinh tế tư nhân. Thời kỳ mở cửa, Nhà nước chỉ giữ vai trò định hướng đường lối, chính sách, còn lại làm sao tạo môi trường Nhà nước và tư nhân bình đẳng với nhau. Lĩnh vực nào Nhà nước làm tốt thì Nhà nước làm, không thì để tư nhân làm.


Các diễn giả tham dự buổi Toạ đàm

Ngoài cạnh tranh giữa kinh tế tư nhân và Nhà nước, cạnh tranh giữa các hãng hàng không thì đặc điểm của hàng không là cạnh tranh sẽ mang lại lợi ích lớn cho người dùng. Thị trường hàng không ở nước láng giềng như Thái Lan có tới 13 hãng hàng không, còn hiện Việt Nam mới chỉ có 4 hãng hàng không. Chỉ số phần trăm người dân Việt Nam bay không quá 50%, tức là không quá 50% người dân được trải nghiệm bay. Với sự ra đời của VietJet hay Bamboo, hy vọng sẽ thêm nhiều người dân có cơ hội được bay và đặt chân lên máy bay.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, bà Vũ Thị Thu Thủy bày tỏ, hiện các hãng hàng không Vietnam Airlines, Vietjet và gần đây Bamboo Airlines đã đưa các chuyến bay về đây. Và Quảng Ninh đã lập tức ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ các nhà đầu tư vào sân bay cũng như khách du lịch. Chúng tôi hỗ trợ khách đến/đi sân bay Vân Đồn được miễn phí chuyên chở đến các điểm du lịch, miễn phí thăm quan vịnh Hạ Long. Mới chỉ sau 1 quý đi vào hoạt động, sân bay Vân Đồn đã có lượng khách rất tốt. Tuy nhiên, các hãng hàng không có chuyến bay tới sân bay Vân Đồn nhưng tần suất chưa nhiều. Thời gian tới mong Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways mở thêm đường bay kết nối với TP.Hồ Chí Minh và các sân bay khác trên cả nước và khu vực đang có tỷ lệ khách quốc tế đến Quảng Ninh đông như sân bay của Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và các nước Châu Âu. Đây là việc còn đang gặp khó khăn.

Ông Nguyễn Phi Long, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định chia sẻ, từ chỗ chỉ ước mong có 1 - 2 triệu khách du lịch mỗi năm, Quý I/2019, Quy Nhơn đã đón hơn 1 triệu khách du lịch. Điều mà chúng tôi thấy rõ nhất là người dân của Bình Định có nhiều nguồn thu nhập tăng thêm từ tăng trưởng du lịch. Điều này có được là nhờ thị trường hàng không phát triển. Tỉnh Bình Định sẽ phối hợp với các bộ ngành Trung ương, Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng không Việt Nam để có cơ chế, chính sách phát triển phù hợp, để đón thêm nhiều khách quốc tế.

Để sân bay Phù Cát tiếp tục phát triển hơn nữa, tỉnh Bình Đinh sẽ có trách nhiệm kết nối hạ tầng từ sân bay Phù Cát về Quy Nhơn, và sẽ khánh thành tuyến đường vào cuối năm nay. “Chúng tôi sẽ có chính sách phát triển du lịch, giữ môi trường du lịch trong sạch. Đây là trách nhiệm của địa phương. Tỉnh Bình Định, du lịch Bình Định rất cảm ơn các hãng hàng không đã tích cực mở đường bay đến đây để có cơ hội phát triển đột phá”- ông Long khẳng định.

Tầm nhìn xa hơn, chuẩn bị nguồn nhân lực tốt, đầu tư về công nghệ để giúp năng lực thông qua của hệ thống cảng hàn không, doanh nghiệp tư nhân mong muốn được tham gia vào đầu tư quy hoạch… là những giải pháp được các hãng hàng không đưa ra để giúp thị trường hàng không phát triển bền vững.

 Ở góc độ vĩ mô, chuyên gia kinh tế TS. Lê Đăng Doanh cho rằng, nói về phát triển bền vững, toàn bộ ngành hàng không và du lịch cần vận dụng tốt hơn kinh tế số và công nghệ thông thông tin. Ngoài ra, cần có giải pháp cụ thể giải quyết việc kết nối hạ tầng giao thông từ sân bay về trung tâm thành phố, điểm đến.

“Nếu kết nối sân bay tốt hơn, vận dụng tốt hơn các phương tiện hiện đại sẽ tăng thêm được tần suất và công suất sử dụng của các sân bay lên rất nhiều”, TS. Lê Đăng Doanh phân tích.

 

H.L

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)