Thứ sáu, ngày 10/01/2025

Bến Tre: Ða dạng hình thức tuyên truyền an toàn giao thông

Thứ hai, 27/05/2019 08:50 GMT+7

Từ đầu năm 2019 đến nay, Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an tỉnh Bến Tre đã mở nhiều kế hoạch chuyên đề, cao điểm, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông (ATGT) trên địa bàn tỉnh. Trong đó, trọng tâm là công tác tuyên truyền đã có nhiều điểm mới, góp phần làm ổn định tình hình trật tự ATGT, kéo giảm tai nạn trên cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương.

Tuyên truyền theo hình thức hỏi đáp về ATGT
cho học sinh Trường THPT Lê Anh Xuân (Mỏ Cày Bắc)

Đổi mới từ cách làm

Để tuyên truyền có hiệu quả, Phòng CSGT xác định có 4 nhóm đối tượng cần tuyên truyền: (1) Nhóm thường xuyên tham gia giao thông, có nguy cơ vi phạm luật giao thông đường bộ cao là lái xe, thợ hồ, người có ngành nghề lao động tự do; (2) Những người dân sinh sống dọc trên các tuyến giao thông; (3) Nhân dân ở các địa bàn vùng nông thôn; (4) Cán bộ, công chức, học sinh, sinh viên. “Tùy vào từng đối tượng mà chúng tôi tổ chức áp dụng hình thức, nội dung tuyên truyền phù hợp để họ dễ tiếp cận, dễ nhớ, dễ thực hiện”, Thượng tá Võ Văn Nghĩa - Phó trưởng phòng CSGT cho biết.

Nếu trước đây, tuyên truyền trực quan là chính thì bây giờ đơn vị áp dụng nhiều hình thức khác song song với tuyên truyền trực quan như tổ chức tọa đàm, đối thoại, diễn đàn, thi tìm hiểu pháp luật về ATGT… để đưa nội dung tuyên truyền đến gần với tất cả mọi người, giúp cho đối tượng được tuyên truyền nhớ sâu, hiểu rõ hơn vấn đề. Thông qua đó, ngành chức năng cũng có thể nhận xét, đánh giá hiệu quả của công tác tuyên truyền để điều chỉnh cho phù hợp. Đặc biệt là tiến hành các cuộc tuyên truyền trực tiếp đối với người tham gia giao thông, tặng mũ bảo hiểm chất lượng để nhắc nhở mọi người phải tự giác chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông. 

Đại úy Nguyễn Đặng Hữu Trí - Phó đội trưởng Đội Tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn và xử lý vi phạm giao thông, Phòng CSGT cho biết: “Đối với 4 nhóm trên thì thành phần lái xe, thợ hồ, người có ngành nghề lao động tự do là nhóm rất quan trọng vì đây là thành phần tham gia giao thông hằng ngày và khó thực hiện nhất”. Đối với nhóm này, phải chuẩn bị nội dung ngắn gọn, từ ngữ phổ thông dễ hiểu, đánh sâu vào tâm lý, hậu quả, trách nhiệm pháp lý khi liên quan đến tai nạn giao thông để đối tượng tuyên truyền thấy mà phòng tránh. Từ đầu năm đến nay đã thực hiện được 22 buổi tuyên truyền cho nhóm đối tượng này và có sự chuyển biến tích cực.

Phối hợp nhiều kênh

Để kịp thời đưa thông tin đến với người dân, đơn vị đã chủ động phối hợp với báo, đài của tỉnh, Trung ương để đưa nội dung tuyên truyền một cách nhanh nhất đến với tất cả các thành phần, tầng lớp nhân dân biết để vận dụng phù hợp khi tham gia giao thông. Trong năm 2018, Phòng CSGT đã phối hợp với các cơ quan tiến hành xây dựng 15 phóng sự, 63 tin, bài viết phản ánh tình hình trật tự ATGT cũng như hướng dẫn kỹ năng tham gia giao thông an toàn và kết quả xét xử các vụ án về giao thông. Ngoài ra, đơn vị cũng phối hợp với Kênh VOV Giao thông TP. Hồ Chí Minh, đài truyền thanh các huyện, thành phố thông báo về tình hình trật tự ATGT...

Việc đổi mới hình thức và đa dạng nhiều kênh tuyên truyền đã giúp thông tin tuyên truyền được phổ biến đến cụ thể từng đối tượng. Nhận xét về cuộc thi Tìm hiểu pháp luật về giao thông do Phòng CSGT tổ chức, cô Bùi Thị Tuyết Phượng - Phó trưởng phòng Đào tạo Trường Trung cấp Công nghệ Bến Tre cho biết: “Các em học sinh rất thích thú với các hình thức tuyên truyền mới này, nội dung ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, giúp các em nhận biết cái sai của mình mà tự điều chỉnh, chấp hành đúng khi tham gia giao thông”.

Thầy Lê Minh Dưỡng - Bí thư Đoàn Trường Cao đẳng Đồng Khởi cho biết: Trước đây khi tổ chức các hình thức tuyên truyền trực quan thường các em không có sự chuẩn bị trước, khi tham gia thì các em trả lời theo cảm tính. Còn bây giờ, khi tổ chức các chương trình này thì buộc các em phải chịu khó nghiên cứu, học bài, để từ đó khi tham gia chương trình chất lượng chuyên môn có sự nâng cao rõ rệt, giúp các em nhận thức sâu hơn về hậu quả, tác hại của tai nạn giao thông.

Từ đầu năm 2019 đến nay, Phòng CSGT đã tổ chức 52 cuộc tuyên truyền về ATGT cho 7.228 người tham dự. Trong đó đã tổ chức 22 buổi tuyên truyền cho 1.558 chủ xe, lái xe, thợ hồ, công nhân các công trình xây dựng, người dân sống trên tuyến giao thông. Phối hợp cấp phát 2.000 cẩm nang lái xe an toàn cho người đi xe khách, xe mô tô, xe máy. Tổ chức 3 cuộc thi, 3 cuộc tọa đàm về ATGT. Nhắn tin gửi thông điệp tuyên truyền về ATGT qua hệ thống zalo, facebook cho gần 1.000 chủ xe, lái xe, hội viên, đoàn viên, thanh niên trên địa bàn tỉnh… Tiến hành cho 3.395 người thường xuyên vi phạm, thường tham gia giao thông ký cam kết thực hiện nghiêm không vi phạm trật tự ATGT.
 

Nguồn: Báo Đồng khởi

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)