Thứ tư, ngày 08/01/2025

Nỗi lo tai nạn giao thông ở các xã vùng cao

Thứ hai, 03/06/2019 10:40 GMT+7

Tình trạng trẻ vị thành niên ở các xã vùng cao vi phạm Luật Giao thông diễn ra phổ biến, gây nguy hiểm cho chính họ và cho những người tham gia giao thông.

Hình ảnh thường xuyên bắt gặp ở các xã vùng cao
(ảnh chụp tại xã Đông Giang, tỉnh Bình Thuận).

Nỗi lo thường trực

Những năm gần đây, các tuyến đường về vùng cao trong tỉnh Bình Thuận được đầu tư xây dựng, đã tạo thuận lợi cho việc đi lại của người dân địa phương. Trên những đoạn đường ở khu vực trung tâm xã hay các tuyến đường về thôn, xóm, dễ dàng bắt gặp hình ảnh người dân đi làm, trao đổi hàng hóa bằng các phương tiện xe gắn máy. Tuy nhiên, ở một số xã đang gặp khó khi tình trạng trẻ vị thành niên sử dụng xe gắn máy lạng lách, đánh võng,... để lại nỗi lo tai nạn cho những người tham gia giao thông.

Điển hình ở vài xã như Đông Giang, La Dạ (huyện Hàm Thuận Bắc), Bắc Ruộng, Măng Tố (Tánh Linh)... Hình ảnh những cậu nhóc 13, 14 tuổi, đầu không đội mũ bảo hiểm, điều khiển xe gắn máy nẹt pô, phóng bạt mạng rất dễ nhận thấy. Ông K’Tâm - ở thôn 1, xã Đông Giang nói vui: “Không biết chúng có bằng lái xe chưa mà làm chủ hết con đường. Người đi đường nghe tiếng nẹt pô từ xa là ai nấy tự động dạt vào bên lề để nhường đường”. Còn ông Nguyễn Văn Thanh - thôn 2, xã Măng Tố thì bất an với thanh thiếu niên “người đồng bào” sau khi nhậu nhẹt phóng nhanh vào rẫy, đi ruộng đầu thì không đội mũ bảo hiểm, như muốn tông vào xe khác bất cứ lúc nào.  

 Ngoài việc chưa đủ tuổi lái xe gắn máy, những “quái xế nhí” còn chở 2, chở 3, thậm chí chở 5, chạy quá tốc độ quy định, nẹt pô, lạng lách và rú ga inh ỏi. Từng xảy ra nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng, như vụ mới đây ở xã Bắc Ruộng (Tánh Linh) là điển hình. 5 em học sinh Trường THCS Bắc Ruộng leo lên một chiếc xe gắn máy đi dự sinh nhật một người bạn. Trên đường đi gặp chiếc xe tải chạy cùng chiều ôm cua qua đường, do chạy nhanh xử lý không kịp đã xảy ra tai nạn, 2 trong 5 em thiệt mạng, những em còn lại bị thương.  

Cần quan tâm hơn

Trước thực trạng này, chính quyền các xã vùng cao đã làm công tác tuyên truyền về luật lệ giao thông, bằng nhiều hình thức như tuyên truyền trên loa phát thanh, đưa ra kiểm điểm trước dân những đối tượng vi phạm,... nhằm giáo dục người dân ý thức hơn. Ông K’Văn Vĩnh - Trưởng Công an xã Đông Giang cho biết: Thời gian qua, ngoài việc phối hợp với đoàn thể tuyên truyền về Luật Giao thông đến người dân, Công an xã đã xử lý một số em vi phạm, yêu cầu thay pô xe gắn máy và viết cam đoan không tái phạm. Một khó khăn khác trong việc xử lý trẻ em vị thành niên vùng cao vi phạm Luật Giao thông hiện nay là mời các em đến làm việc hoặc giáo dục về an toàn giao thông, nhưng họ không đến. Cha mẹ nói cũng không nghe nên rất khó, ông Vĩnh cho biết thêm.

Ông Trà Phước Vi - Chủ tịch UBND xã Bắc Ruộng, cho biết: Ngay sau vụ tai nạn của 5 em học sinh, chúng tôi tổ chức đợt tuyên truyền giáo dục để người tham gia giao thông nâng cao ý thức và trách nhiệm, nhất là phụ huynh cần thường xuyên nhắc nhở con em mình. Đồng thời, hàng tuần phối hợp với các trường tuyên truyền về luật lệ giao thông vào các buổi chào cờ đầu tuần.

Thực trạng này, cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương, đặc biệt là sự quan tâm giáo dục của gia đình. Vì lực lượng chức năng, nhà trường, cơ quan đoàn thể có ra sức tuyên truyền giáo dục đến mấy, mà không nhận được sự hợp tác từ phía phụ huynh và các em, thì cũng không có kết quả.

Nguồn: Báo Bình Thuận

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)