Thứ năm, ngày 09/01/2025

Mạnh tay với tài xế sử dụng chất kích thích

Thứ hai, 19/08/2019 15:28 GMT+7

Thời gian qua, trên địa bàn cả nước xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) liên quan đến các lái xe sử dụng rượu bia, ma túy, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về người và tài sản. Trong quá trình chờ hoàn thiện các chế tài xử phạt, các ngành, địa phương đang nỗ lực triển khai nhiều biện pháp nhằm kiên quyết loại bỏ những lái xe sử dụng chất kích thích.

Kiểm tra lái xe tại Trạm CSGT Hàm Tân (Bình Thuận)

Chế tài chưa đủ mạnh

Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019 vừa được Quốc hội thông qua, đã quy định cấm người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia trong khi tham gia giao thông. Tuy nhiên pháp luật hiện hành quy định chế tài đối với người nghiện và người sử dụng ma túy khi lái xe vẫn chưa được điều chỉnh đủ mạnh. Theo khoản 11, Điều 5, Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định “người điều khiển ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô mà trong cơ thể có chất ma túy sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe (GPLX) từ 22 - 24 tháng (trong trường hợp có GPLX) hoặc phạt tiền từ 16 triệu đồng - 18 triệu đồng (trong trường hợp không có GPLX hoặc có nhưng đang bị tước quyền sử dụng GPLX)”. Điều này có nghĩa là tài xế vi phạm vẫn có cơ hội lái xe, dễ dẫn đến tai nạn thảm khốc.

Theo các ngành chức năng, căn cứ vào quy định trên, có thể thấy rằng khung pháp lý này vẫn còn kẽ hở để lái xe lách luật bằng cách không xuất trình GPLX mà chấp nhận nộp phạt hành chính để tiếp tục được lái xe. Mặt khác, trách nhiệm quản lý của không ít doanh nghiệp, chủ xe trong hoạt động kinh doanh vận tải bị bỏ lơ như khoán trắng cho lái xe, tạo áp lực doanh thu và thời gian.

Theo Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh Bình Thuận, qua kiểm tra một số đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh, hầu hết các đơn vị đều chưa quan tâm đến việc ký hợp đồng lao động với lái xe, khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần cho lái xe nhất là các hộ kinh doanh vận tải có từ 1 - 2 xe, việc quản lý lái xe chưa chặt chẽ, đa số lái xe làm việc theo thời vụ và không ổn định. Vì vậy, các yếu tố cần thiết của người lái xe như sức khỏe, kinh nghiệm… không được theo dõi thường xuyên, nguy cơ tiềm ẩn gây ra TNGT là rất cao. 

Tăng cường các đợt tổng kiểm soát

Có thể nói “cuộc chiến” chống “con nghiện” và “ma men” tham gia giao thông vẫn còn hết sức gian nan. Trong quá trình chờ hoàn thiện hơn nữa các chế tài xử phạt, công tác tuần tra, phát hiện, xử lý vi phạm về nồng độ cồn, ma túy luôn được lực lượng chức năng cả nước đặc biệt quan tâm. Hiện Bình Thuận đang triển khai quyết liệt kế hoạch “Tuần tra, kiểm soát và xử lý hành vi vi phạm của người điều khiển xe trên đường bộ mà trong cơ thể có chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn”. Theo đó huy động tất cả các lực lượng, trong đó CSGT là nòng cốt, phối hợp với Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Cảnh sát cơ động, Sở Y tế, công an các địa phương tiến hành tổng kiểm soát các lái xe.

Thống kê trong 6 tháng đầu năm 2019, lực lượng CSGT trên cả nước đã phát hiện, xử lý 78.117 trường hợp vi phạm quy định về nồng độ cồn. Riêng lái xe dương tính với ma túy, đã phát hiện 239 trường hợp, trong đó Bình Thuận phát hiện 5 trường hợp. Mới đây, Công an tỉnh đã triển khai kế hoạch tổng kiểm soát xe ô tô chở khách, ô tô vận tải container và xe mô tô tại các tuyến giao thông đường bộ trên toàn tỉnh. Kết quả chỉ trong 1 tháng (từ 15/7 – 14/8), tại Trạm CSGT Hàm Tân và Tuy Phong (thuộc Phòng CSGT Công an tỉnh Bình Thuận) lực lượng chức năng đã phát hiện thêm 5 trường hợp sử dụng ma túy khi điều khiển phương tiện, hầu hết là tài xế xe container, trong đó có 4 trường hợp dương tính với ma túy đá, 1 trường hợp dương tính với heroin.

Phương án kiểm tra lái xe có nồng độ cồn, sử dụng ma túy được thực hiện xuyên suốt đến hết tháng 12/2019. Mỗi tháng đều có kế hoạch triển khai cụ thể, chia thành 2 đợt, mỗi đợt luân phiên tuần tra, kiểm soát tại 2 vị trí Trạm CSGT Tuy Phong và Hàm Tân. Thượng tá Hồ Thanh Bình - Phó Trưởng phòng CSGT (Công an tỉnh Bình Thuận) cho biết, qua 1 tháng tổng kiểm soát phương tiện, đa số các tài xế được dừng kiểm tra đều chấp hành nghiêm túc, chưa xảy ra trường hợp chống lại lực lượng thi hành công vụ. Đối với các trường hợp vi phạm, Tổ kiểm tra đã tiến hành lập biên bản và xử lý theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, theo Thượng tá Bình vẫn có một số ít trường hợp phủ nhận kết quả kiểm tra nhanh ma túy bằng que thử, tìm cách chối quanh co. “Bằng các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng chức năng đã đưa đối tượng đến cơ sở y tế gần nhất để tiến hành xét nghiệm, cùng với đó lực lượng Cảnh sát kỹ thuật hình sự sẽ giám định mẫu nước tiểu để khẳng định đối tượng có sử dụng ma túy hay không. Đó là căn cứ pháp lý để đấu tranh, buộc lái xe phải thừa nhận hành vi vi phạm” - Thượng tá Bình cho biết thêm.

Nguồn: Báo Bình Thuận

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)