Ảnh minh họa
Nguồn nhân lực vừa yếu, vừa thiếu bền vững
Theo Cục Hàng hải Việt Nam, đến tháng 6/2019 số lượng tàu biển treo cờ Việt Nam là gần 1.600 chiếc. Với số lượng khoảng 4 vạn thuyền viên đang có giấy chứng nhận khả năng chuyên môn để làm việc trên tàu biển, về lý thuyết lượng thuyền viên Việt Nam vẫn có thể đáp ứng được nhu cầu cho đội tàu trong nước, bình quân khoảng 15 người/tàu, kể cả nhu cầu của tàu treo cờ nước ngoài.
Nhưng thực tế, các chủ tàu ngày càng khó khăn trong khâu tuyển dụng thuyền viên, đặc biệt là những người có kinh nghiệm, tay nghề cao. Điều đó cho thấy, nhiều thuyền viên có giấy chứng nhận khả năng chuyên môn đã bỏ nghề, chuyển sang các công việc khác trên bờ. Đồng thời, giới trẻ ngày càng ít quan tâm theo học tại các cơ sở đào tạo thuyền viên. Ngành Hàng hải nói chung, nghề làm việc trên tàu biển nói riêng đã không còn sức hấp dẫn.
Theo số liệu từ các cơ sở đào tạo, số lượng thuyền viên tuyển sinh qua các năm từ 2011 đến 2017 giảm thiểu rõ rệt, chỉ từ riêng năm 2018, số lượng tuyển sinh bắt đầu có xu hướng nhích lên. Cụ thể, số liệu tuyển sinh ngành Boong của các cơ sở đào tạo năm 2011 là 2.419 sinh viên nhưng đến năm 2017 chỉ còn 1.085, đến năm 2018 là 1.188 sinh viên. Còn số liệu tuyển sinh ngành Máy của các cơ sở đào tạo năm 2011 là 2.457 sinh viên, đến năm 2017 chỉ còn 900 sinh viên và 2018 là 991 sinh viên.
Trao đổi về vấn đề này, ông Vũ Khang Cường - Trưởng phòng Đăng ký Tàu biển và Thuyền viên, Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, chỉ trong thời gian ngắn quy mô đào tạo suy giảm gần 1/3. Các trường đại học, cao đẳng không đủ nguồn để tuyển sinh, các sinh viên, học viên sau khi ra trường cũng ưu tiên tìm kiếm công việc trên bờ, không thiết tha theo nghề đi biển. Áp lực về nhu cầu thuyền viên đã phá vỡ quy định về tiêu chuẩn chất lượng thuyền viên trong tuyển dụng của các công ty đã áp dụng trong nhiều năm, nhiều công ty nước ngoài đã bắt đầu chuyển sang hoạt động ở các thị trường thuyền viên khác. Điều quan trọng là hiện nay, Việt Nam không đảm bảo đào tạo được đội ngũ thuyền viên trẻ kế cận khi các thuyền viên đến tuổi nghỉ hưu. Mặt khác, chất lượng thuyền viên Việt Nam chưa được các chủ tàu nước ngoài cũng như trong nước đánh giá cao.
Qua đánh giá của các chủ tàu trong và ngoài nước, thuyền viên Việt Nam nhìn chung nhanh nhẹn, tháo vát, nắm bắt nhanh việc vận hành máy móc thiết bị hiện đại. Tuy nhiên, thuyền viên Việt Nam còn rất nhiều hạn chế về kinh nghiệm thực tiễn, trình độ ngoại ngữ, ý thức và tác phong làm việc chưa chuyên nghiệp.
Thu hút, phát triển nguồn nhân lực
Để thu hút, tạo điều kiện phát triển nguồn nhân lực hàng hải, Cục Hàng hải Việt Nam luôn chú trọng quan tâm và có những giải pháp khắc phục hạn chế kịp thời. Cuối năm 2018 vừa qua, Cục Hàng hải đã chính thức thiết lập chuyên trang “Thuyền viên và việc làm” (http://thuyenvienvavieclam.vinamarine.gov.vn). Chuyên trang này là kênh thông tin chính thống về thuyền viên đầu tiên tại Việt Nam. Tại đây, sự kết nối tạo ra không chỉ giữa thuyền viên - chủ tàu mà còn có sự tham gia của cơ quan quản lý nhà nước. Cục Hàng hải Việt Nam sẽ cung cấp cho chủ tàu thông tin về thuyền viên. Chủ tàu hoặc doanh nghiệp vận tải biển có thể tìm và bố trí cho thuyền viên một công việc ổn định với mức thu nhập xứng đáng.
Trong 6 tháng đầu năm 2019, Cục Hàng hải Việt Nam đã phối hợp với các trường đào tạo chuyên ngành hàng hải mở các khóa đào tạo, bồi dưỡng nhân lực cho ngành Hàng hải, cụ thể: 418 sỹ quan vận hành các hạng, 384 sỹ quan quản lý các hạng, 13 sỹ quan kỹ thuật điện, 326 thuyền trưởng và máy trưởng các hạng, tổ chức các lớp đào tạo hoa tiêu cơ bản và nâng cao hàng hải cho 33 học viên.
Theo định hướng phát triển nguồn nhân lực vận tải biển, đến năm 2020 công tác đào tạo và bồi dưỡng sẽ đạt khoảng 42.000 sỹ quan, thuyền viên. Trong đó, khoảng 15.000 người được đào tạo mới. Do đó, để tạo cơ chế thu hút nguồn nhân lực theo học nghề đi biển, thời gian tới Cục Hàng hải Việt Nam sẽ tiếp tục đề xuất Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ nghiên cứu cơ chế hỗ trợ nguồn kinh phí thực tập cho học viên trên các tàu biển để đảm bảo khi kết thúc khóa học các sinh viên tốt nghiệp có đủ chuyên môn đáp ứng được ngay công việc. Ngoài ra, các cơ sở đào tạo cần có tiếng nói chung, rà soát các khó khăn vướng mắc để cùng nhau phối hợp khắc phục những vấn đề nội tại; cần có các giải pháp ngắn hạn, dài hạn cụ thể để công tác tuyển sinh, đào tạo, huấn luyện đáp ứng được yêu cầu đề ra.
Đồng thời, Cục cũng kiến nghị điều chỉnh Bộ luật Lao động theo hướng coi người làm việc trong ngành Hàng hải là lao động đặc thù, áp dụng một số chế độ phù hợp về tuổi học nghề; về vấn đề ký hợp đồng lao động, thời gian làm việc, tiền lương, phụ cấp, an toàn vệ sinh lao động cho đặc thù công việc trong lĩnh vực hàng hải. Đây là quy định có ý nghĩa quan trọng nhất, nếu quy định này được áp dụng trong Bộ luật Lao động thì nó sẽ là luật gốc, điều chỉnh sang tất cả các văn bản QPPL khác liên quan đến thuyền viên.