Ảnh minh họa
Buổi chào cờ đầu tuần đầu tiên của năm học 2019-2020, hơn 2.000 học sinh Trường tiểu học Phù Đổng được nghe Thiếu tá Thái Anh Tuấn, Đội trưởng Đội tuyên truyền (Phòng CSGT Công an thành phố Đà Nẵng) tuyên truyền về Luật Giao thông đường bộ. Không chỉ có tuyên truyền “chay” bằng các văn bản Luật, Thiếu tá Thái Anh Tuấn đưa ra những tình huống thực tế sinh động để giúp các em hiểu rõ hơn về những hành vi sai phạm thường gặp hằng ngày.
Cô Trương Thị Nhã Trúc, Hiệu trưởng Trường tiểu học Phù Đổng cho biết, thực hiện tháng ATGT và thực hiện tốt phong trào “Vì cổng trường bình yên”, để giúp các em hiểu và nắm rõ luật lệ về ATGT và những điều cần lưu ý khi tham gia giao thông, hằng năm, vào đầu năm học, nhà trường phối hợp với CSGT tổ chức tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ cho học sinh. “Không chỉ được nghe, các em học sinh sẽ là “sứ giả” để tuyên truyền, nhắc nhở bố mẹ khi tham gia giao thông trên đường.
Các thầy, cô giáo hy vọng các em học sinh toàn trường sẽ quyết tâm thực hiện tốt phong trào “Vì cổng trường bình yên” cũng như thực hiện nghiêm túc Luật giao thông đường bộ - hành động đơn giản nhất là nhắc nhở bố mẹ phải đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe máy và không vượt đèn đỏ…”, cô Nhã Trúc chia sẻ.
Tại Trường tiểu học Trần Văn Ơn, đầu năm học này, Công an quận Hải Châu đến tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ cho học sinh toàn trường. Em Lê Thị Diệu, học sinh lớp 5 của trường tiểu học này hồ hởi khoe: “Vào đầu năm học chúng em được các chú Công an tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ. Nội dung tuyên truyền rất gần gũi với hoạt động hằng ngày của các em như: Đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe máy, đi xe đạp không được dàn hàng ba, hàng bốn, sang đường đúng nơi quy định, nghiêm chỉnh chấp hành đèn tín hiệu nên rất dễ hiểu, dễ nhớ”.
Công an quận Thanh Khê cũng đã đến tuyên truyền Luật giao thông đường bộ, đồng thời xây dựng phong trào “Cổng trường bình yên” tại Trường tiểu học Trần Cao Vân. Thầy Nguyễn Việt Hùng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, việc tăng cường tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ được nhà trường đặc biệt quan tâm, vì vậy, vào đầu năm học thường phối hợp với Công an quận và phường để triển khai thực hiện chuyên đề.
Ngoài ra, thông qua các buổi chào cờ, giáo viên Tổng phụ trách đội cũng thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở các em học sinh. “Nhiều phụ huynh đôi khi vội công việc nên thường xuyên quên đội mũ bảo hiểm cho các em khi ngồi trên xe máy, hoặc vượt đèn đỏ khi đi trên đường. Chính vì vậy, khi các em được tiếp thu kiến thức về an toàn giao thông, các em sẽ nhắc nhở lại bố mẹ của mình, hạn chế vi phạm giao thông đường bộ”, thầy Hùng chia sẻ.
Đại tá Phan Ngọc Truyền, Trưởng phòng CSGT Công an thành phố Đà Nẵng cho biết, giao thông học đường luôn được các cấp, ngành thành phố quan tâm. Vì vậy, bước vào năm học mới, Phòng CSGT đã xây dựng chuyên đề, chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền về Luật Giao thông đường bộ tại các trường học. “Qua các buổi tuyên truyền, cán bộ CSGT sẽ phổ biến cho học sinh nắm vững các quy tắc cơ bản khi tham gia giao thông như: nhường đường tại nơi giao nhau; chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông, vạch kẻ đường; điều kiện, độ tuổi được phép điều khiển các loại phương tiện tham gia giao thông, trong đó chủ yếu xe máy điện, xe đạp máy, xe đạp…”, Đại tá Phan Ngọc Truyền chia sẻ.
Ngoài công tác tuyên truyền ở trường học vào các tiết chào cờ, Phòng CSGT Công an thành phố còn phối hợp với Sở GD-ĐT tổ chức tuyên truyền mẫu cho 10 trường trên địa bàn thành phố; trong đó có giáo dục về văn hóa và kỹ năng tham gia giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy qua các hoạt động ngoại khóa đầu năm học cho học sinh và cán bộ viên chức ngành giáo dục; tổ chức ký cam kết chấp hành các quy định về an toàn giao thông giữa nhà trường, gia đình và học sinh; phối hợp cơ quan chức năng, chính quyền địa phương bảo đảm trật tự an toàn giao thông khu vực cổng các trường học.
Lực lượng CSGT toàn thành phố còn tăng cường công tác kiểm tra ý thức chấp hành luật giao thông của các em khi tham gia giao thông trên đường. Trong đó, sẽ xử lý các hành vi vi phạm như: điều khiển xe máy không có giấy chứng nhận đăng ký, điều khiển xe mô tô, xe gắn máy khi chưa đủ tuổi... Qua đây, nhằm răn đe, giáo dục phòng ngừa tai nạn giao thông ở lứa tuổi học đường.