Mô hình “Cổng trường an toàn giao thông” tại Trường tiểu học Kim Đồng (TP. Bạc Liêu)
Mô hình “Cổng trường an toàn giao thông” nhiều năm qua đã được triển khai rộng khắp ở các trường học trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu, từ cấp học mầm non đến THPT. Qua nhiều năm triển khai thực hiện, mô hình đã tạo sức lan tỏa, góp phần hạn chế tai nạn, va chạm giao thông đối với học sinh. Đây là hoạt động thiết thực nhằm nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ, đảm bảo trật tự an toàn giao thông (ATGT) trước cổng trường nói riêng, trên địa bàn tỉnh nói chung.
Trước đây, vào đầu giờ buổi sáng hoặc buổi trưa tan học, cảnh ùn tắc giao thông cục bộ trên tuyến đường dẫn vào trường học ở nhiều nơi vẫn thường xuyên diễn ra. Đặc biệt là trên địa bàn TP. Bạc Liêu có rất nhiều “điểm nóng” về tình trạng ùn tắc, kẹt xe cục bộ do lưu lượng xe đông. Đơn cử như trên tuyến đường Võ Thị Sáu thường ùn tắc tại Trường tiểu học Kim Đồng, Trường THCS Võ Thị Sáu; đường Cách Mạng thường ùn tắc, kẹt xe tại Trường tiểu học Lê Văn Tám; đường Cao Văn Lầu ùn tắc tại Trường THPT Phan Ngọc Hiển và Trường tiểu học Lê Hồng Phong…
Nguyên nhân chủ yếu là do nhiều phụ huynh đậu xe sát cổng trường gây khó khăn cho học sinh khi ra về. Nhất là xe ô tô đậu đỗ không đúng nơi quy định, lấn chiếm vỉa hè… Cá biệt, có phụ huynh còn đưa cả xe 4 bánh vào tận sân trường để đưa đón con em mình, gây bức xúc cho nhiều phụ huynh khác.
Từ thực tế đó, mô hình “Cổng trường an toàn giao thông” đã được phát động và triển khai, trong đó, quy định cụ thể trách nhiệm của phụ huynh và học sinh khi tham gia giao thông đến trường, ra về như: Đối với học sinh phải nghiêm chỉnh chấp hành Luật Giao thông, không tụ tập trước cổng trường, khi tan học khẩn trương theo hàng một ra về, khi sang đường phải quan sát xe hai bên; đối với phụ huynh phải đội mũ bảo hiểm cho con khi tham gia giao thông, khi đưa rước thì phải đậu xe đúng nơi quy định…
Bên cạnh đó, các trường còn thành lập các đội thanh niên xung kích đảm bảo trật tự an toàn giao thông trước cổng trường. Đội xung kích an toàn giao thông được thành lập với nòng cốt là Đoàn trường, cán bộ, giáo viên của trường, hoạt động tích cực, hiệu quả trong thực hiện việc giám sát, nhắc nhở, hướng dẫn học sinh khi tham gia giao thông.
Ngoài ra, các trường cũng tích cực tuyên truyền Luật Giao thông vào mỗi buổi sáng, giờ chào cờ hoặc thông qua các hoạt động ngoại khóa như: Tổ chức các cuộc thi viết, vẽ tranh, dàn dựng tiểu phẩm, sân khấu hóa những tình huống liên quan đến pháp luật…
Tuy vậy, điều đáng buồn là vẫn còn một số phụ huynh ý thức chưa cao, bất chấp các quy định về an toàn giao thông, quy định của trường về nơi đậu đỗ xe khi đưa rước học sinh nên vẫn thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc, kẹt xe cục bộ trước các cổng trường, nhất là trong giờ tan học. Suy cho cùng, một khi ý thức, thái độ của phụ huynh chưa chuyển biến thì sẽ rất khó cho các trường trong việc giữ gìn an toàn giao thông cho học sinh.
Trước thực trạng trên, nhiều ý kiến cho rằng, các trường học ngoài việc tăng cường công tác tuyên truyền thì cần bố trí thêm các cổng phụ cũng như cắm biển hướng dẫn nơi đậu đỗ xe của phụ huynh để tránh ùn tắc. Tuy nhiên, bất cập ở đây là đối với phía ngoài cổng trường thì nhà trường đã không còn “hiệu lực quản lý”. Do đó, chính quyền các địa phương cần có phương án xử lý tình trạng buôn bán hàng rong, đậu đỗ xe trước cổng trường. Bên cạnh lực lượng thanh niên xung kích của nhà trường và địa phương thì cần có sự tham gia của lực lượng dân quân, công an để hỗ trợ tốt hơn việc phân luồng giao thông. Ngoài ra, lực lượng cảnh sát giao thông cần hỗ trợ các trường điều tiết giao thông trên các tuyến đường trong giờ cao điểm, nhất là tại các “điểm nóng”. Đồng thời tăng cường ra quân tuần tra, xử lý các trường hợp vi phạm Luật Giao thông… để cổng trường thật sự an toàn cho học sinh.