Thứ tư, ngày 08/01/2025

Số ca cấp cứu tai nạn liên quan rượu, bia giảm đáng kể

Thứ ba, 14/01/2020 09:37 GMT+7

Sau gần nửa tháng triển khai Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực, ghi nhận tại các bệnh viện (BV) đa khoa trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho thấy, số ca tai nạn có liên quan đến rượu, bia đã giảm hẳn. Nhiều quán nhậu thưa vắng khách do người dân dè dặt hơn trong việc sử dụng rượu, bia.

Số ca tai nạn giao thông vào cấp cứu tại BV Bà Rịa giảm từ 5 đến 6 ca mỗi ngày.
Trong ảnh: Nhân viên y tế hỗ trợ đưa bệnh nhân vào cấp cứu tại Khoa Cấp cứu, BV Bà Rịa.

Tai nạn liên quan rượu , bia giảm đáng kể

Theo ghi nhận tại các BV đa khoa trên địa bàn tỉnh - nơi tiếp nhận nhiều nhất các trường hợp cấp cứu do tai nạn cho thấy, số ca tai nạn cấp cứu liên quan đến rượu, bia có xu hướng giảm. Chẳng hạn, tại BV Bà Rịa, trước thời điểm Nghị định 100 có hiệu lực, trung bình mỗi ngày, Khoa Cấp cứu của BV tiếp nhận khoảng 50 ca cấp cứu do tai nạn, trong đó phần lớn nạn nhân đều có sử dụng rượu, bia. Từ khi Nghị định 100 có hiệu lực (từ 1/1/2020), số ca tai nạn liên quan đến rượu, bia đã giảm đáng kể. Cụ thể, trong 13 ngày đầu năm 2020, trung bình mỗi ngày, số ca tai nạn giảm từ 5 đến 6 ca. 

Bác sĩ Tạ Anh Tuấn, Trưởng Khoa Cấp cứu cho biết, năm 2019, tình trạng tai nạn do sử dụng rượu bia rất đáng ngại. Chẳng hạn, trong dịp lễ 30/4, 1/5/2019, Khoa tiếp nhận 119 trường hợp cấp cứu thì có tới gần 80 trường hợp tai nạn có nồng độ cồn trong máu cao. Hầu hết các ca cấp cứu tai nạn có sử dụng rượu bia đều trong tình trạng đa chấn thương nặng. “Chúng tôi hy vọng tác động từ Nghị định 100, số ca tai nạn liên quan đến rượu bia trong dịp Tết Canh Tý sẽ giảm, các y, bác sĩ trực cấp cứu sẽ bớt áp lực, căng thẳng”, bác sĩ Tuấn bày tỏ.

Tương tự, bác sĩ Phan Văn Tú (Khoa Ngoại Chấn thương chỉnh hình, BV Bà Rịa) cũng cho hay, các trường hợp bị tai nạn nhập viện tại khoa trong 1 tuần gần đây đã giảm khá nhiều so với trước, đặc biệt là các trường hợp tai nạn liên quan đến rượu, bia.

Tại Khoa Cấp cứu, BV Lê Lợi, trong những ngày qua, tỷ lệ bệnh nhân bị TNGT có nồng độ cồn trong máu giảm đáng kể. Bác sĩ Đào Trung Hiếu, Khoa Cấp cứu BV Lê Lợi cho biết, trong năm 2019, trung bình mỗi ngày, BV tiếp nhận từ 20-30 ca tai nạn, đặc biệt số ca tai nạn thường tăng cao vào những dịp lễ, Tết. Tuy nhiên, từ khi Nghị định 100 có hiệu lực đến nay, số ca tai nạn có liên quan đến rượu, bia có xu hướng ngày càng giảm.

Quán nhậu vắng khách

Những điều khoản quy định mức phạt nặng của Nghị định 100 đã khiến nhiều người dè dặt hơn khi sử dụng rượu bia. Điều này thể hiện qua không khí vắng vẻ tại các quán nhậu trên địa bàn TP. Bà Rịa, TP. Vũng Tàu… trong mấy ngày gần đây, trái ngược với không khí ồn ào, náo nhiệt thường thấy nơi đây vào những dịp cận Tết. 

Anh Nguyễn Thanh Trúc (phường Long Hương, TP. Bà Rịa) bày tỏ: “Tôi và bạn bè, hay anh em trong nhà thường đi uống bia ở các quán bình dân vào dịp cuối tuần hay ngày lễ, Tết. Nhưng khi Nghị định 100 có hiệu lực, đọc thông tin trên báo chí thấy nhiều người bị phạt do lái xe sau khi dùng rượu bia khiến chúng tôi phải dè chừng, bởi chỉ một sơ sẩy, có thể mất cả tháng lương. “Có lẽ chỉ vào ngày giỗ chạp hay tất niên, chẳng đặng đừng, tôi mới uống rượu bia, nhưng cũng phải tính đến chuyện nhờ người chở về cho chắc chắn”, anh Trúc tính toán. 

Anh Trần Văn Lộ (thị trấn Long Điền, huyện Long Điền) thì cho hay: “Thỉnh thoảng, tôi cũng uống vài ly vào dịp cuối tuần hoặc khi có tiệc tùng và nghĩ là không ảnh hưởng đến việc tham gia giao thông. Tuy nhiên, sau khi Nghị định 100 có hiệu lực, tôi đã thay đổi suy nghĩ và không sử dụng rượu, bia dù chỉ là một chút khi tham gia giao thông. Tôi rất ủng hộ Nhà nước thực hiện chính sách mới này vì nó góp phần kéo giảm TNGT và tình trạng ẩu đả gây mất an ninh trật tự do sử dụng rượu bia”.

Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, thay thế cho Nghị định 46/2016/NĐ-CP. Nghị định có hiệu lực từ ngày 1/1/2020. Trong đó, quy định đáng chú ý là cấm tuyệt đối hành vi điều khiển phương tiện mà nồng độ cồn trên “0”. Cụ thể, hành vi sử dụng rượu, bia, chất kích thích khi điều khiển phương tiện giao thông bị xử phạt từ 2 - 8 triệu đồng đối với xe máy; 6 - 40 triệu đồng đối với ô tô, tước bằng lái đến 2 năm. Với quy định này, người điều khiển xe đạp, xe đạp điện cũng có thể bị phạt tới 800 ngàn đồng.

Nguồn: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)