Ứng xử có văn hóa của mỗi chúng ta khi tham gia giao thông sẽ góp phần
ngăn chặn tai nạn giao thông xảy ra, bảo vệ tính mạng, tài sản mỗi người và toàn xã hội
(Ảnh minh họa)
Trong thời gian qua, cả hệ thống chính trị và người dân chung sức, đồng lòng cùng tập trung chống giặc Covid-19. Đặc biệt đến thời điểm này Việt Nam đang được thế giới ngợi ca như hình mẫu về chống dịch với con số tử vong vẫn bằng 0. Nếu chúng ta quyết tâm cao thì chắc hẳn số người thương vong về tai nạn giao thông sẽ giảm chứ không đau xót như hiện nay.
Nghị định 100 của Chính phủ được thực thi từ đầu năm, với chế tài xử phạt đủ mạnh, được xem là “phương thuốc” đã giúp tình trạng vi phạm giao thông tạm lắng xuống, nhất là trong thời điểm chống dịch. Nhưng có lẽ khi cơ quan chức năng “nới tay” trong thời điểm hiện nay, đặc biệt là xử lý vi phạm về nồng độ cồn, thì tình trạng này, cộng với các “quái xế” có biểu hiện quay trở lại.
Hẳn nhiên việc ngăn ngừa tai nạn giao thông phải nhìn nhận đồng bộ từ nhiều khía cạnh, nhưng quan trọng nhất vẫn là con người. Sự thiếu ý thức của một bộ phận người tham gia giao thông là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tai nạn giao thông, đặc biệt tai nạn liên quan đến vi phạm quy định về tốc độ, vì rượu bia, vì phóng nhanh vượt ẩu... có xu hướng gia tăng. Dù lực lượng chức năng tăng cường công tác tuần tra, xử phạt, nhưng các đối tượng vi phạm vẫn tìm đủ các lý do để biện minh cho hành vi của mình.
Nếu “chống dịch như chống giặc” và Việt Nam bước đầu đang chiến thắng, bởi các biện pháp quyết liệt của Chính phủ, đặc biệt là sự cảnh giác và ủng hộ của người dân. Thì chúng ta cũng nên coi việc vi phạm luật lệ giao thông như một cuộc chiến. Cả hệ thống chính trị và người dân “trên dưới đồng lòng” với quyết tâm và những biện pháp đủ mạnh, với tinh thần như chống giặc thì tai nạn giao thông sẽ giảm hẳn.
Trong thời gian qua, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Bình Thuận có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác tuyên truyền được đầu tư theo chiều sâu, lực lượng chức năng tăng cường xử lý các hành vi vi phạm, hạ tầng giao thông đảm bảo.., từ đó tai nạn giao thông giảm về số vụ và số người chết.
Công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông được lực lượng chức năng, công an các địa phương đẩy mạnh thực hiện. Cùng với đó, huy động lực lượng, với nòng cốt là Cảnh sát giao thông và Thanh tra giao thông vận tải ra quân kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định pháp luật về an toàn giao thông. Trong đó, tập trung xử lý nghiêm vi phạm quy định nồng độ cồn, sử dụng trái phép chất ma túy, chạy quá tốc độ và không đội mũ bảo hiểm đối với người đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện; tập trung kiểm tra, xử lý vi phạmđối với xe chở khách. Đồng thời, nhanh chóng khắc phục các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông, đảm bảo hạ tầng thông suốt, an toàn cho người dân tham gia giao thông.
Trước hệ lụy mà tai nạn giao thông gây ra, mỗi người tự nhắc nhở bản thân và những người xung quanh cùng chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ, cẩn thận, biết cảm thông, chia sẻ, nhường nhịn khi tham gia giao thông.
Để giảm những “vệt trắng” thì mỗi người khi tham gia giao thông cần nêu cao ý thức khi tham gia giao thông. Đặc biệt, người tham gia giao thông cần tuân thủ nghiêm quy định về tốc độ, không uống rượu, bia - những nguyên nhân chính gây ra các vụ tai nạn giao thông sẽ góp phần thay đổi, ngăn ngừa, hạn chế số vụ tai nạn giao thông cũng như mức độ thương vong. Ứng xử có văn hóa của mỗi chúng ta khi tham gia giao thông sẽ góp phần ngăn chặn tai nạn giao thông xảy ra, bảo vệ tính mạng, tài sản mỗi người và toàn xã hội.