Nhà đầu tư báo cáo tiến độ cao tốc trung Lương - Mỹ Thuận với Thứ trưởng Nguyễn Nhật
Theo báo cáo của Ban điều hành Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, đến nay dự án đã triển khai thi công 27/36 gói thầu xây lắp trên tuyến chính. Phần đường đã hoàn thành công tác cắm bấc thấm chỉnh tuyến từ tháng 02/2020 và đã hoàn thành gia tải, xử lý đất yếu 10/19 gói thầu. Phần cầu đã thi công 6097/7716 cọc các loại, thi công 161/283 mố trụ, đúc 782/1837 phiến dầm, hoàn thành 41/216 nhịp cầu. Hiện nay, dự án đạt gần 50% khối lượng của toàn dự án.
Trong thời gian qua, mặc dù ảnh hưởng của dịch COVID - 19 và nguồn nguyên vật liệu (cát, đá) khan hiếm gây ra nhiều khó khăn trong công tác thi công, nhưng Ban Điều hành dự án cùng các nhà thầu đã nỗ lực tìm nhiều giải pháp để khắc phục đảm bảo mục tiêu thông tuyến vào cuối năm 2020 và hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm 2021. “Mục tiêu thông tuyến vào cuối năm 2020 là không thay đổi”, ông Hồ Minh Hoàng – Chủ tịch HĐQT Công ty CP BOT Trung Lương – Mỹ Thuận khẳng định.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Nhật đánh giá cao năng lực quản trị, quản lý dự án của Tập đoàn Đèo Cả, của các nhà thầu thi công, để sau hơn 1 năm tổ chức thực hiện đã đạt 50% tổng khối lượng toàn dự án. Bên cạnh đó, Thứ trưởng cho biết sẽ trình lãnh đạo Bộ xem xét giải quyết một số kiến nghị về mặt kỹ thuật của dự án như vị trí trạm thu phí, kết nối với cao tốc TP.HCM - Trung Lương và cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ trong tương lai...
Với Dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận đã đề xuất với Thủ tướng Chính phủ giải pháp triển khai đảm bảo thông toàn tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh đến Cần Thơ năm 2021, hoàn thành năm 2022. Theo đó, điều chỉnh, mở rộng phạm vi Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận theo hình thức BOT do UBND tỉnh Tiền Giang là cơ quan nhà nước có thẩm quyền và bổ sung đoạn cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ vào dự án. Trong đó, cơ cấu vốn của đoạn Mỹ Thuận - Cần Thơ gồm: 2.400 tỉ đồng vốn Ngân sách nhà nước (khoảng 50%), phần còn lại do Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận huy động từ vốn chủ sở hữu và các nguồn vốn khác.
Mặt khác, phương án này sẽ tiết giảm khoảng 2.400 tỉ đồng vốn NSNN bố trí cho Dự án so với phương thức đầu tư công và có thể sử dụng được ngay phần vốn dự phòng còn dư của Dự án Trung Lương - Mỹ Thuận để thực hiện công tác GPMB, đồng thời cũng rút ngắn thời gian thu phí hoàn vốn của toàn dự án trước đây từ 14 năm 8 tháng giảm xuống còn 12 năm 6 tháng (rút ngắn được 2 năm 2 tháng). Đề xuất cũng nhận được sự đồng thuận cao của các tỉnh Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cần Thơ.
Cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Cần Thơ là tuyến giao thông xương sống, huyết mạch của cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tiền đề để triển khai các đoạn tuyến cao tốc tiếp theo, kết nối các tỉnh lân cận với trung tâm kinh tế TP. Hồ Chí Minh.