Thứ năm, ngày 09/01/2025

Đẩy nhanh công tác GPMB Dự án cầu Mỹ Thuận 2, Dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ.

Thứ tư, 01/07/2020 08:05 GMT+7

Ngày 30/6, Thứ trưởng Nguyễn Nhật đã có buổi làm việc với UBND các tỉnh Vĩnh Long, Đồng Tháp, Tiền Giang để giải quyết các khó khăn vướng mắc của 2 dự án trọng điểm mang tính quốc gia là Dự án cầu Mỹ Thuận 2 và Dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ.

Thứ trưởng Nguyễn Nhật đề nghị các địa phương đẩy nhanh công tác GPMB

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Nhật nhấn mạnh: Đây là dự án trọng điểm quốc gia giảm tải cho Quốc lộ 1A hiện hữu và kết nối với hai tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Tp.HCM - Trung Lương. Do đó chúng ta cần phải có sự quyết liệt từ Trung ương cho đến địa phương. Bộ GTVT nói riêng sẽ thường xuyên rà soát các vướng mắc hỗ trợ nhanh chóng về các chú trương phê duyệt các công tác có liên quan để đẩy nhanh tiến độ dự án. Vì vậy đề nghị các địa phương giành thời gian cho GPMB đáp ứng đúng tiến độ để dự án có thể khởi công vào tháng 11 năm nay. 

Công tác GPMB tại tỉnh Đồng Tháp đáp ứng đúng tiến độ đến tháng 11, riêng tỉnh Vĩnh Long đang chậm do đó địa phương cần xử lý gấp các vướng mắc. Thứ trưởng Nguyễn Nhật đề nghị UBND tỉnh Đồng Tháp và Vĩnh Long sớm xác định giá đất cụ thể, đặc biệt tại vị trí giáp ranh giữa 2 tỉnh để thống nhất. Sự nhất quán trong bồi thường GPMB và khung chính sách để ưu tiên đảm bảo quyền lợi cho người dân.

Liên quan đế việc trước đó một số địa phương và Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận kiến nghị gộp dự án Mỹ Thuận - Cần Thơ vào dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đang triển khai theo hình thức BOT. Trả lời vấn đề này, lãnh đạo  Bộ GTVT cho biết, việc chuyển đổi dự án Mỹ Thuận - Cần Thơ từ hình thức đầu tư PPP sang đầu tư công đã được Chính phủ phê duyệt. Theo Bộ GTVT, việc ghép dự án Mỹ Thuận - Cần Thơ vào dự án BOT Trung Lương - Mỹ Thuận và giao doanh nghiệp dự án triển khai đầu tư sẽ gặp một số khó khăn, do đây là 2 dự án khác nhau được thực hiện bởi 2 cơ quan nhà nước có thẩm quyền (dự án BOT Trung Lương - Mỹ Thuận đã được giao về UBND tỉnh Tiền Giang). Ngoài ra, dự án Mỹ Thuận - Cần Thơ thuộc phạm vi tỉnh Đồng Tháp, Vĩnh Long, không thuộc địa bàn tỉnh Tiền Giang nên sẽ phát sinh những vấn đề pháp lý, khó khăn khi thực hiện, đặc biệt trong công tác giải phóng mặt bằng.

Việc ghép dự án chưa có nhà đầu tư vào dự án đang triển khai thực hiện không phù hợp với những vấn đề đã được nêu tại Nghị quyết 437 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Kiểm toán Nhà nước cũng đã có ý kiến kết luận kiểm toán của nhiều dự án BOT, việc bổ sung dự án, bổ sung hạng mục ngoài phạm vi dự án BOT ký hợp đồng là chưa phù hợp quy định.

Bộ GTVT cũng đã có văn bản giao nhiệm vụ chủ đầu tư giai đoạn chuẩn bị dự án đầu tư cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ cho Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long (CIPM Cửu Long), thay thế cho Ban quản lý dự án Thăng Long.

Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho biết, Tổng công ty  Cửu Long có vai trò tương tự một ban quản lý dự án khi cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ chuyển sang đầu tư công, thực hiện các nhiệm vụ như lập dự án, triển khai đấu thầu, chọn nhà thầu xây lắp...Đây là đơn vị từng quản lý các dự án lớn đã hoàn thành như cầu Cần Thơ, cầu Vàm Cống, Cao Lãnh, cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi.

Báo cáo tại buổi làm việc, đại diện tỉnh Tiền Giang cho biết, có 389 hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án, trong đó có 360 hộ (đạt 93%) đã thực hiện xong việc chi trả chi phí giải phóng mặt bằng, còn 29 hộ chưa nhận tiền do còn khiếu nại về hỗ trợ tái định cư, giá đền bù, chủ vắng nhà….

“Trong tuần này, tổ công tác sẽ làm việc và trực tiếp đối thoại với các hộ dân, vận động trong vòng 1 tuần không xong sẽ tiến hành cưỡng chế.

Về vấn đề tái định cư, UBND tỉnh Tiền Giang cũng đã phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng Khu tái định cư dự kiến bố trí 1 khu tại xã Hòa Hưng với diện tích 25.104m2, kinh phí thực hiện là ước tính khoảng 57 tỷ đồng.

Hiện nay, đang lựa chọn nhà thầu, để thực hiện việc thi công”, đại diện tỉnh Tiền Giang nói và thông tin thêm, về di dời công trình hạ tầng kỹ thuật là hệ thống điện cao thế, đối với 2 vị trí đường dây 110 KV do Công ty Điện lực Tiền Giang quản lý đã trình thẩm định, hiện đã phê duyệt thiết kế và dự toán, dự kiến triển khai di dời trong tháng 7/2020.

Còn 1 vị trí 500 KV và 2 vị trí 220 KV do Công ty Truyền tải Điện 4 quản lý, địa phương đang thỏa thuận thiết kế kỹ thuật với Công ty Truyền tải điện Quốc gia, dự kiến trình thẩm định, phê duyệt trong tháng 7/2020.

Theo đại diện tỉnh Vĩnh Long, về giải phóng mặt bằng, UBND TP Vĩnh Long đã phê duyệt phương án bồi thường và đã chi trả xong cho 108/112 hộ (đạt 96%), còn 5 hộ chưa nhận tiền.

Theo báo cáo của Trung tâm Kỹ thuật TNMT và Văn phòng Đăng ký Đất đai tỉnh Vĩnh Long thì ranh quy hoạch sử dụng đất dự án trong bản đồ quy hoạch sử dụng đất năm 2020 của các huyện Long Hồ, Bình Tân, thị xã Bình Minh và TP Vĩnh Long bị lệch theo phương ngang so với ranh giải phóng mặt bằng đã cắm ngoài thực địa, do đó kiến nghị Bộ GTVT đề xuất Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh lại quy quạch bởi nếu để địa phương tự thực hiện thì cần phải thông qua Hội đồng Nhân dân sẽ ảnh hưởng đến thời gian thực hiện dự án.

Ông Trần Văn Thi, Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (Công ty Cửu Long) cho biết, đối với dự án, hiện Bộ GTVT đã phân khai vốn giải phóng mặt bằng cho GPMB tỉnh Vĩnh Long 785 tỷ đồng, tỉnh Đồng Tháp 127 tỷ đồng, còn lại Tư vấn và khác 20 tỷ đồng.

Tuy nhiên hiện nay, công tác giải phóng mặt bằng của các địa phương vẫn còn chậm so với kế hoạch đã đề ra. Trong đó, có đoạn qua phường Tân Hòa, tỉnh Vĩnh Long hiện nay đang chậm so với kế hoạch khoảng 20 ngày, đề nghị địa phương đẩy nhanh các công tác để sớm thực hiện và hoàn thành.

P.V

 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)