Tại Km1684+780 thuộc xã Hố Nai 3 (huyệnTrảng Bom) người dân thường lấn chiếm
làm nơi họp chợ, bày bán hàng hóa ngay cạnh đường sắt, cột đèn cảnh báo.
Theo đánh giá của Ban ATGT tỉnh Đồng Nai, tai nạn đường sắt thời gian qua không xảy ra tại các lối đi tự mở đã rào thu hẹp. Qua đó, cho thấy hiệu quả của việc thực hiện quyết liệt, đúng đắn các chủ trương, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong việc thực hiện các giải pháp đảm bảo trật tự ATGT đường sắt. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng người dân vi phạm hành lang đường sắt, qua đường không chú ý quan sát khiến tai nạn giao thông đường sắt gia tăng so với cùng kỳ năm 2019.
Ý thức người dân chưa cao
Trong 6 tháng của năm 2020 (từ ngày 15/12/2019 đến ngày 15/6/2020), toàn tỉnh xảy ra 4 vụ tai nạn giao thông đường sắt làm chết 2 người và bị thương 4 người (tăng 3 vụ, tăng 2 người chết và tăng 3 người bị thương so với cùng kỳ năm 2019). Điều đáng nói, các vụ tai nạn đều xảy ra trên địa bàn huyện Trảng Bom. Nguyên nhân là do ý thức chấp hành pháp luật giao thông của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông chưa cao. Một số lái xe không chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về an toàn giao thông đường sắt, khi đi qua đường sắt không chú ý quan sát, cố tình cho xe vượt ẩu dẫn đến tai nạn.
Vào sáng 20/12/2019, tại khu vực đường 20, ấp Hưng Long, xã Hưng Thịnh, H.Trảng Bom giao cắt với đường sắt Bắc - Nam, xe ô tô 16 chỗ biển số 51B-157.81 do tài xế Đ.Đ.H. (61 tuổi, ngụ TP.HCM) điều khiển lưu thông trên đường 20 hướng từ ấp Hưng Long đi Quốc lộ 1, khi đến khu vực giao cắt với đường sắt có rào chắn tại Km1668+350 thuộc ấp Hưng Long, mặc dù phát hiện đèn tín hiệu và chuông báo hiệu nhưng ông H. không cho xe dừng lại mà tiếp tục điều khiển xe đi qua đường ray. Khi gặp gác chắn hướng quốc lộ 1 đã hạ xuống trước đó thì ông H. mới cho xe dừng lại nhưng phần đuôi xe ô tô vẫn còn nằm trên đường ray. Cùng lúc này, tàu chở khách SPT2 chạy tuyến Sài Gòn - Phan Thiết đang lưu thông hướng TP.HCM đi Bình Thuận đã đụng vào phần đuôi xe ô tô khách. Hậu quả làm 4 hành khách trên xe ô tô bị thương.
Hiện nay, hai bên đường sắt đi ngang địa bàn tỉnh Đồng Nai có nhiều hộ dân sinh sống. Do không có đường đi riêng nên ở một số địa phương, nhiều người đã tự ý mở đường đi trái phép vượt qua đường sắt. Ngoài ra, một số địa phương còn có đường dân sinh liền kề, gần với đường sắt rất dễ xảy ra tai nạn nếu không chú ý quan sát khi qua lại đường ray.
Cụ thể, vào chiều tối 21/4, tại Km1669+800 tuyến đường sắt Bắc - Nam thuộc xã Trung Hòa (H.Trảng Bom), cháu T.N.P.T. (gần 2 tuổi, nhà gần đường ray) đã tự ý đi bộ ra ngoài rồi bò lên đường ray. Lúc này, tàu hàng số hiệu HL1 chạy hướng từ TP.Hà Nội đi TP.HCM đã va chạm với cháu T. khiến cháu T. tử vong tại chỗ do bị thương nặng.
Xử lý nghiêm vi phạm
Theo đánh giá của ngành Đường sắt, hành lang đường sắt tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh như: TP.Biên Hòa, TP.Long Khánh, các huyện Trảng Bom, Xuân Lộc… vẫn còn bị xâm phạm bởi các công trình lấn chiếm của người dân. Cặp theo đường sắt là nhà ở, ki-ốt, hàng quán dựng lên san sát. Nhiều trường hợp còn xây dựng xưởng sản xuất đồ mộc, kho chứa hàng hay phòng trọ… Chính vì vậy, tầm nhìn của các phương tiện đi ngang qua đường sắt bị hạn chế, dễ dẫn đến tai nạn giao thông.
Theo Cục Đường sắt Việt Nam, thời gian tới, ngành Đường sắt sẽ tiếp tục phối hợp với tỉnh Đồng Nai giải quyết dứt điểm tình trạng vi phạm hành lang ATGT đường sắt, trả lại hành lang ATGT được thông thoáng. Các cơ quan chức năng liên quan cũng cần tiến hành xóa bỏ triệt để những lối đi tự mở, tìm cách quản lý hiệu quả các đường ngang có gác chắn để không xảy ra những vụ tai nạn giao thông do lỗi chủ quan.
Bên cạnh đó, theo một số địa phương, công việc giải tỏa những vi phạm hành lang an toàn đường sắt đang gặp rất nhiều khó khăn do ý thức của các hộ dân sống ven đường sắt chưa tốt. Công tác quản lý nhà nước về hành lang ATGT đường sắt còn lỏng lẻo, thiếu kiên quyết, thậm chí nhiều nơi còn bị buông lỏng.
Điển hình, tại P.Tân Biên (TP.Biên Hòa), xã Hố Nai 3 (H.Trảng Bom), người dân thường lấn chiếm làm nơi họp chợ, bày bán hàng hóa ngay cạnh đường sắt, cột đèn cảnh báo. Hay tại H.Xuân Lộc, dù địa phương đã lập biên bản buộc tháo dỡ những căn nhà xây trái phép này, nhưng đến nay người dân vẫn tái phạm.
Ông Lê Hữu Đảng, Phó chủ tịch UBND H.Trảng Bom cho biết, để hạn chế và kéo giảm tai nạn giao thông đường sắt trên địa bàn huyện, công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật của các ngành chức năng, địa phương với người dân cần được chú trọng. Trong đó, tập trung tuyên truyền cho các hộ dân, công nhân sinh sống dọc theo tuyến đường sắt hiểu các quy định an toàn khi băng qua đường sắt.
“UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Quản lý đô thị, Công an huyện và các đơn vị liên quan rà soát, kiểm tra những bất cập hiện tại để có biện pháp xử lý nhằm đảm bảo an toàn cho người dân qua lại. Đồng thời, kiến nghị Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn khẩn trương lắp đặt rào chắn có người gác tại Km1684+750 vào kho K860 vì tai nạn hay xảy ra tại khu vực này. Hiện nay, ở đây đã có rào chắn tự động nhưng người dân vẫn điều khiển phương tiện qua lại gây mất an toàn” - ông Đảng nói.