Thứ bảy, ngày 04/01/2025

Vi phạm nồng độ cồn và những bài học nhớ đời

Thứ sáu, 28/08/2020 11:25 GMT+7

Nghị định 100 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực từ ngày 1/1/2020. Điểm nổi bật của Nghị định này là xử phạt nặng người tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn. Sau 8 tháng Nghị định 100 đi vào cuộc sống, khi đa phần người dân đều chấp hành nghiêm thì vẫn còn một bộ phận chưa từ bỏ được thói quen uống rượu bia - lái xe và hệ quả để lại là những bài học nhớ đời.

Lực lượng CSGT kiểm tra nồng độ cồn đối với người tham gia giao thông.

Giọt nước mắt con trẻ

Những lần theo chân lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) chốt chặn, kiểm tra nồng độ cồn người tham gia giao thông, chúng tôi đã chứng kiến nhiều chuyện bi hài liên quan đến các tình huống của “bợm nhậu”. Trong đó có câu chuyện nhói lòng của ông N.V.T với đứa con trai nhỏ (ngụ thị trấn Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu).

Khoảng 20 giờ, Đội CSGT Công an TP. Bạc Liêu kiểm tra nồng độ cồn trên tuyến đường Trần Phú. Cả 3 trường hợp bị phát hiện vi phạm hôm đó đều vượt quá 0,4 miligam/lít khí thở. Trong đó, ông T. bị lập biên bản vì chạy xe máy trên đường không có gương chiếu hậu bên trái, nồng độ cồn 0,525 miligam/lít khí thở, không xuất trình được giấy chứng nhận đăng ký xe, giấy phép lái xe theo quy định nên lực lượng chức năng đã lập biên bản, tạm giữ xe.

Đang ngà ngà say, khi biết vi phạm của mình có thể phải đóng phạt đến 8 triệu đồng, người đàn ông ngoài 40 tuổi bỗng sực tỉnh, ngồi đờ đẫn nhìn tờ biên bản, không chịu ký, dù cán bộ đã giải thích. Đứa con trai tầm 10 tuổi đi cùng, sau khi chứng kiến toàn bộ vụ việc đã òa khóc nức nở, khiến người cha đành đứng dậy dỗ dành.

Theo lời kể, chiều hôm đó, ông T. cùng bạn bè uống khoảng 4 - 5 chai bia thì đến giờ rước con đi học thêm về. Do vợ mang thai sắp đến ngày sinh nở nên ông đã điều khiển xe máy của gia đình đi từ thị trấn Châu Hưng xuống Phường 3 (TP. Bạc Liêu) đón con, khi trên đường quay về thì bị kiểm tra nồng độ cồn.

Tình cảnh của ông T. khiến nhiều người chạnh lòng, bởi một cuộc nhậu mà phải đánh đổi quá nhiều. Không chỉ là nỗi sợ hãi của đứa con nhỏ khi tận mắt chứng kiến hành vi vi phạm của cha mình; mà phía sau đó còn là những ngày tháng khó khăn của gia đình khi không có phương tiện đi lại, không có tiền đóng phạt trong khi một thành viên nhí sắp chào đời cần nhiều chi phí khác.

Sau khi tự hứa với lòng là sẽ bỏ nhậu, trong bóng tối, ông T. đã lặng lẽ khoác vai con lần bước rời khỏi chốt giao thông. Đứa trẻ vừa đi vừa quệt nước mắt, thỉnh thoảng vang lên tiếng nấc. Từ chốt giao thông đi bộ về đến nhà mất 40 phút, và có lẽ đây sẽ là một trong những đêm buồn nhất của các thành viên trong nhà ông T.

"Nhậu một lần, khổ vạn lần"

Đó chính là câu nói của ông T.T.P (xã Châu Hưng A, huyện Vĩnh Lợi) sau khi bị lập biên bản, tạm giữ xe vì trong hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 0,4 miligam/lít khí thở. Ông P. là lao động chính trong gia đình có vợ và hai con, mọi chi phí sinh hoạt, học hành của các con chủ yếu nhờ vào tiền công thợ hồ khoảng 6 triệu đồng/tháng. Nghề phụ hồ nhiều vất vả nên cuối ngày, nhóm người làm chung thường hay tổ chức nhậu cho “giãn gân cốt”, chuyện đó không còn gì lạ cho đến khi Nghị định 100 có hiệu lực. Khi chưa thay đổi được thói quen vui với bạn bè, lại không dư dả gì để có thể đi taxi về nhà sau mỗi cuộc nhậu, nên ông P. đành phó mặc cho chuyện “hên xui”. Mỗi lần cầm lái, ông chỉ cầu mong cho mình đừng gặp… CSGT!

Nhưng rồi chuyện gì đến cũng phải đến. Cầm trên tay tờ biên bản hẹn đến ngày đóng phạt, xe và bằng lái thì bị tạm giữ, ông P. run run tay khi mở cốp xe, lấy hết đồ cá nhân trước khi chiếc xe bị đưa về trụ sở cảnh sát. Vẻ mặt thiểu não, ông P. than thở: “Một lần nhậu bằng hơn một tháng cày sấp mặt. Nhà nghèo, làm ngày nào ăn ngày nấy, giờ mất đến 7 - 8 triệu đóng phạt là cả nhà tôi vừa đói, vừa khổ. Mà cho dù giờ bỏ xe cũng phải vay mượn nợ để mua xe khác đi làm. Lần này chắc tôi chừa luôn rồi, nhậu một lần mà khổ đến vạn lần”.

Trường hợp của ông P. chính là điển hình cho nhiều trường hợp vi phạm nồng độ cồn hiện nay. Thật chua xót khi hầu hết những người bị giữ xe đều là lao động nghèo, thợ hồ, đồng lương của họ chính là sự sống cho cả gia đình, là tương lai của đàn con thơ dại.

Lái xe khi trong người có rượu bia là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây ra TNGT. Sau 8 tháng Nghị định 100 đi vào cuộc sống, toàn tỉnh Bạc Liêu đã ghi nhận, xử lý hàng trăm trường hợp vi phạm, trong đó có những trường hợp bị phạt đến 35 triệu đồng. Vậy nhưng, vẫn còn một bộ phận người dân chưa ý thức được hậu quả nghiêm trọng khi tham gia giao thông mà trong người có rượu bia.

Rõ ràng, đằng sau vi phạm nồng độ cồn còn ẩn chứa nhiều hệ lụy, những câu chuyện buồn, thấm thía khác. Mong rằng, mọi người tham gia giao thông với tinh thần thượng tôn pháp luật, hãy nghiêm chỉnh chấp hành quy định về nồng độ cồn nói riêng, Luật Giao thông nói chung để giữ an toàn cho mình và hạnh phúc của gia đình, trong đó có việc nêu gương cho con trẻ.

Nguồn: Báo Bạc Liêu

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)