Việc lấn chiếm hành lang đường sắt cần được xử lý dứt điểm
Thành phố xác định các giải pháp tổng thể và phương hướng xử lý vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt đặc biệt là giảm các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt, tuyệt đối không tạo lối đi tự mở qua đường sắt. Phấn đấu giảm tai nạn giao thông đường sắt hàng năm từ 5% đến 10%. Và hạn chế tối đa các vụ tai nạn giao thông đường sắt đặc biệt nghiêm trọng.
Trong đó ưu tiên việc hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật: Rà soát các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ công trình đường sắt, hành lang an toàn đường sắt, đặc biệt là các Quy định.
Về công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến rộng rãi kiến thức pháp luật về đường sắt; vận động các tổ chức, cá nhân thực hiện đúng các quy định của pháp luật trong bảo vệ đường sắt, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và phòng chống tai nạn giao thông đường sắt. Tiếp tục huy động các tổ chức chính trị tại địa phương tham gia xử lý hiện trường tại các đường ngang đường sắt không đảm bảo ATGT.
Về công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường sắt: Tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, phối hợp tổ chức cưỡng chế. Vi phạm hành lang an toàn giao thông, nhất là vi phạm Luật Giao thông đường bộ, vi phạm hành lang an toàn giao thông đối với đoạn đường bộ gần đường sắt, lối đi tự mở đấu nối vào đường bộ thuộc phạm vi quản lý. Tăng cường kiểm tra, rà soát hệ thống biển báo, hạ tầng kỹ thuật tại các đường ngang để điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế. Quản lý chặt chẽ, tuyệt đối không để phát sinh đường ngang dân sinh (lối đi tự mở) trái phép. Phối hợp với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và các đơn vị liên quan rà soát hệ thống hàng rào ngăn cách, bảo vệ hành lang an toàn đường sắt trên địa bàn toàn thành phố đã xuống cấp, hư hỏng. Thành phố cũng yêu cầu chính quyền đô thị khẩn trương tu bổ, sửa chữa, tránh tình trạng lợi dụng việc mở hàng rào để băng qua đường sắt, về lâu dài tạo đường ngang dân sinh trái phép.
Về công tác quản lý đất dành cho đường sắt, giải tỏa lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường sắt. Các đơn vị cần nhanh rà soát, thống kê, tổng hợp toàn bộ đất đai của các tổ chức, cá nhân trong hành lang an toàn giao thông đường sắt để tham mưu, đề xuất UBND Thành phố theo quy định. Phối hợp chặt chẽ với cơ quan, tổ chức quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt, lập hồ sơ quản lý đất đai dành cho đường sắt theo quy định tại Điều 23 và Điều 24 Nghị định số 56/2018/NĐ-CP ngày 16/4/2018 của Chính phủ quy định quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt; lập, quản lý, lưu trữ tài liệu quản lý đất đai đường sắt theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật về lưu trữ, cập nhật, bổ sung biến động quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đường sắt.
Phối hợp với cơ quan quản lý đường sắt rà soát, thống kê, phân loại các công trình vi phạm, công trình ảnh hưởng đến an toàn giao thông đường sắt và các vị trí vi phạm hành lang an toàn giao thông. Giao thông đường sắt tiềm ẩn tai nạn giao thông. Quản lý, bảo vệ mốc giới đường sắt do cơ quan đường sắt bàn giao, tuyệt đối không để tái lấn chiếm, tái sử dụng. Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân lấn chiếm, tái lấn chiếm, sử dụng trái phép đất dành cho đường sắt.