Thứ trưởng Lê Đình Thọ và Chủ tịch CĐGTVT Đỗ Nga Việt biểu dương, chúc mừng các điển hình tiên tiến.
Báo cáo tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Việt Hưng, Chủ tịch Công đoàn Tổng cục ĐBVN cho biết: phát huy truyền thống 75 năm “Đi trước mở đường”, các phong trào thi đua, các cuộc vận động do Công đoàn Tổng cục ĐBVN triển khai đã tiếp tục nhận được sự hưởng ứng tích cực từ đội ngũ cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ trong toàn ngành. Bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, đổi mới, sáng tạo, Công đoàn Tổng cục ĐBVN đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các cấp công đoàn tranh thủ sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, sự phối hợp và tạo điều kiện của chuyên môn, phát động, tổ chức các phong trào thi đua đa dạng và phong phú, phù hợp với đặc điểm của từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; động viên cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ nâng cao tính năng động, sáng tạo, tích cực phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, ứng dụng khoa học, công nghệ góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị chung của toàn ngành. Qua 5 năm thực hiện các phong trào thi đua có nhiều sáng tạo, cách làm đổi mới và phát triển toàn diện trên các lĩnh vực, trở thành động lực quan trọng trong hoàn thành nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị; góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nhiều phong trào thi đua đã có sức lan toả mạnh mẽ. Đặc biệt, Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã tạo bước chuyển biến quan trọng trong mọi mặt công tác và đời sống. Nhiều phong trào, nhiều đợt thi đua, đều được soi sáng, được cổ vũ bởi tấm gương đạo đức vĩ đại của Bác Hồ.
Cụ thể, phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2011 - 2020 được triển khai quyết liệt và sâu rộng. Tổng cục ĐBVN đã chỉ đạo, phối hợp, thực hiện xây dựng Thông tư, sổ tay hướng dẫn, quy mô kỹ thuật, thiết kế định hình công trình giao thông nông thôn; Xây dựng 186 cầu dân sinh cho khu vực miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên. Đặc biệt dự án đầu tư xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương (LRamP) đã được Tổng cục tập trung chỉ đạo, phát động nhiều đợt thi đua cao điểm, kết quả từ năm 2017 đến nay đã xây dựng, bàn giao đưa vào sử dụng hơn 1.850 cầu dân sinh. Những công trình này đã góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, tăng cường kết nối phục vụ mục tiêu xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới; tạo điều kiện phát triển kinh tế- văn hóa- xã hội cho các thôn, bản khó khăn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới trên 50 tỉnh trong cả nước.
Mặt khác, Tổng cục luôn quan tâm, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý nhà nước chuyên ngành Đường bộ tạo sự thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp: Xây dựng nhiều hệ cơ sở dữ liệu chuyên ngành về quản lý tài sản đường bộ, quản lý tài sản đường địa phương, quản lý mặt đường, quản lý cầu, quan trắc cầu dây văng, giám sát hành trình vận tải, quản lý giấy phép lái xe, quản lý kiểm soát tải trọng xe; thực hiện cơ chế một cửa đối với hầu hết các thủ tục hành chính, qua đó rút ngắn thời gian làm thủ tục, tiết kiệm chi phí. Thực hiện nhiều ứng dụng công nghệ tự động vào quản lý như: công nghệ Trạm kiểm soát tải trọng xe, hệ thống thu phí không dừng, hệ thống giám sát doanh thu BOT; Hoàn thiện, nâng cấp các phần mềm quản lý phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành; sử dụng hiệu quả hệ thống họp trực tuyến phục vụ các chương trình làm việc, họp, hội nghị với các cơ quan, đơn vị trực thuộc và tham gia các cuộc họp do lãnh đạo Bộ GTVT chủ trì, đã mang lại hiệu quả rõ rệt trong công tác chỉ đạo, điều hành, triển khai nhiệm vụ, nhất là trong giai đoạn giãn cách xã hội do dịch bệnh Covid.
Với đặc thù quản lý rộng trên địa bàn cả nước, tiếp xúc rất nhiều với người dân và doanh nghiệp ở lĩnh vực hành chính, dịch vụ công. Vì vậy phong trào 4 xin, 4 luôn được ngành Đường bộ triển khai sâu rộng, nhận được sự tham gia, hưởng ứng rất tích cực; kết quả mang lại rõ nét: nâng cao đạo đức công vụ, thái độ lam việc thân thiện, cởi mỡ, tạo sự gần gửi, thoái mái hơn giữa công chức, viên chức làm công tác quản lý nhà nước với người dân. Luôn tôn trọng, lắng nghe, chia sẻ những khó khăn tận tình hướng dẫn, giải thích cặn kẽ những vướng mắc và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp góp phần nâng cao hình ảnh đẹp của CBCC, VC, NLĐ ngành GTVT trong mắt người dân và xã hội.
Phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bỏ lại phía sau”, “Tết vì người nghèo”, “Áo ấm mùa đông”…. Trong 5 năm qua đã kêu gọi, vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và các nhà hảo tâm đóng góp, ủng hộ vào các quỹ Xã hội được trên 8,395 tỷ đồng; từ nguồn này đã thăm hỏi và tặng quà cho trên 200 lượt đơn vị trong ngành ở vùng sâu, vùng xa và 2.100 lượt CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn với kinh phí trên 2 tỷ đồng; ủng hộ đồng bào bị lũ lụt, thiên tai 1,4 tỷ đồng; tôn tạo Khu di tích ngành Vận tải ô tô tại Thái Nguyên 930 triệu đồng; ủng hộ xây dựng Cột biểu tượng ngành GTVT tại khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc và cầu Gianh, tỉnh Quảng Bình 500 triệu đồng; xây dựng và trao tặng 70 căn nhà “Mái ấm công đoàn” cho CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn, cựu TNXP với số tiền là 2,8 tỷ đồng; ủng hộ chục hàng ngàn bộ quần áo, chăn ấm, sách vở; hàng tấn gạo, mì tôm và đồ dùng sinh hoạt thiết yếu khác cho đồng bào nghèo vùng sâu, vùng miền núi các miền núi.
Phong trào thi đua “Giữ đường thông suốt – An toàn – sạch đẹp”, phong trào xây dựng “Chi cục QLĐB kiểu mẫu và ATGT, phong trào “Tết trông cây làm theo lời Bác” vì mục tiêu Giảm tai nạn giao thông, không còn xe quá tải. Đây là những phong trào xuyên suốt của ngành từ nhiều năm nay đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình, trách nhiệm, tâm huyết của đội ngũ CBCC,VC, NLĐ và đoàn viên công đoàn trong ngành Đường bộ tham gia làm cho sức sống của phong trào thi đua yêu nước có sức lan tỏa mạnh mẽ, thiết thực.
Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN Nguyễn Văn Huyện và Chủ tịch Công đoàn
Tổng cục ĐBVN Nguyễn Việt Hưng biểu dương, chúc mừng các điển hình tiên tiến.
Kết quả tiêu biểu qua tổ chức các phong trào thi đua chuyên đề là hơn 24.500 km quốc lộ được giao quản lý luôn đảm bảo giao thông thông suốt, sạch sẽ, an toàn, êm thuận. Tập trung xử lý xóa 1.250 điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT, sơn 1.200km vạch sơn đường; bổ sung 245 km hộ lan phòng hộ, xây dựng 28 đường cứu nạn, hốc cứu nạn; Trồng được hơn 30.000 cây xanh dọc 2 bên các đoạn tuyến quốc lộ vừa tác dụng bảo vệ môi trường, đảm bảo ATGT chống xói lở nền lề đường, phong trào tết trồng cây đã có sức lan tỏa, nhân rộng đến Sở GTVT, đường địa phương trong cả nước.
Trụ sở của 26 Chi cục và 215 Hạt QLĐB ngày càng khang trang, xanh- sạch- đẹp, đời sống, thu nhập, văn hóa tinh thần của NLĐ ngành đường bộ ngày càng được nâng lên. Nhiều sáng kiến và giải pháp cải tiến xuất hiện từ các phong trào thi đua như: phần mềm quản lý GovOne để quản lý, chỉ đạo hiện trường tại các Chi cục QLĐB; cải tiến máy bạt lề, đào rãnh thoát nước, máy phun nước rửa đường, lan can… trong các đơn vị bảo trì đường bộ.
Sáng kiến dán phản quang vào cột KM, vào cọc H, cọc tiêu và tiêu phản quang Hộ lan mềm để người lái xe để quan sát; sáng kiến cải tiến cân xe tự động giảm người đứng trực tiếp ở hiện trường và phòng chống tiêu cực rất hiệu quả.
Đặc biệt sáng kiến Hốc cứu nạn thay cho đường cứu nạn tại các đường đèo dốc nguy hiểm, địa hình phức tạp và tường cứu hộ bằng lốp ô tô cũ, thay cho tường cứu nạn bằng bê tông cốt thép lắp đặt tại các đường đèo dốc, vực sâu, vách đá đã cứu được nhiều xe khi mất phanh, giảm mức độ thiệt hại về người và phương tiện. Góp phần kéo giảm cả 3 tiêu chí TNGT suốt 05 năm qua được người dân và xã hội đánh giá cao. 1) Số vụ từ 22.589 xuống 12.675 (giảm 44%); Số người bị thương từ 21.072 xuống 9.619 (giảm 65%); Số người chết từ 8.728 xuống 5.659 (giảm 35%). Tình trạng xe quá tải cơ bản được kiểm soát hiện chỉ còn khoảng dưới 9% chủ yếu cố tình hoạt động trên các tuyến ngắn, đường địa phương.
Phong trào thi đua sáng kiến cải tiến kỹ thuật tiếp tục được duy trì trong CBCCVCLĐ; đã có hàng trăm sáng kiến, giải pháp trong công tác và lao động sản xuất được áp dụng; giá trị làm lợi hàng chục tỷ đồng. Nhiều sáng kiến được ứng dụng trong sản xuất như: công nghệ tái chế móng mặt đường, bê tông nhựa ấm, bê tông tính năng cao UHPC trong sản xuất dầm cầu; vật liệu Carboncor Asphan CA 19 và CA 12,5, công nghệ bê tông nhựa nguội chịu nước, neo đất SEEE, công nghệ NEO WEB để gia cố nền đường, Công nghệ cào bóc tái sinh tại chỗ công nghệ của Đức, Ứng dụng BTN ấm trong bảo trì; phủ Microsufacinh trên mặt đường BTXM; ứng dụng phần mềm quản lý dữ liệu cầu, đường; tài sản đường bộ….
Phong trào thể dục thể thao, văn hóa văn nghệ trong cán bộ, CCVCLĐ được duy trì thường xuyên. Một số đơn vị đã duy trì hội thao, hội diễn truyền thống. Tổng cục ĐBVN đã tổ chức 3 kỳ Hội thao truyền thống vào năm 2015, 2017, 2019 với sự tham gia của gần 1200 lượt vận động viên đến từ các đơn vị trực thuộc và sở GTVT; hàng năm đều tham gia Hội thao Cụm Văn hóa thể thao do Công đoàn GTVT Việt Nam tổ chức giữa các đơn vị trong ngành GTVT khu vực Hà Nội và đã đạt nhiều giải cao.
Với sự cố gắng vượt qua khó khăn, sáng tạo trong các phong trào thi đua toàn ngành Đường bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được Chính phủ và Bộ GTVT giao. Thông qua các phong trào đã xuất hiện nhiều gương người tốt việc tốt; nhiều tập thể và cá nhân trong ngành đã được Nhà nước, Chính phủ phong tặng các danh hiệu, Chiến sỹ thi đua, Huân chương Lao động, Cờ thi đua của Chính phủ, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và các hình thức khen thưởng khác.
Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN Nguyễn Văn Huyện và Phó Tổng cục trưởng
Tổng cục ĐBVN Nguyễn Xuân Cường biểu dương, chúc mừng các điển hình tiên tiến.
Tại hội nghị này, có 20 tập thể, 85 cá nhân điển hình tiên tiến được ngành Đường bộ biểu dương. Họ là những bông hoa tươi thắm nhất, rực rỡ nhất trong rừng hoa người tốt việc tốt của ngành Đường bộ giai đoạn 2016-2020 đã luôn hết mình vì công việc, không ngừng trau dồi kiến thức, tu dưỡng đạo đức, sáng tạo trong lao động, đam mê với nghề, rất xứng đáng được tôn vinh.
Phát huy những thành tích đã đạt được trong 5 năm qua, để làm tốt công tác thi đua khen thường và triển khai có hiệu quả các phong trào thi đua của ngành trong thời gian tới, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN Nguyễn Xuân Cường, yêu cầu các đơn vị tiếp tục nâng cao nhận thức về công tác thi đua khen thưởng. Trước hết là nhận thức về tầm quan trọng của công tác thi đua khen thưởng và các phong trào thi đua yêu nước trong cấp ủy, lãnh đạo cơ quan đón vị và đông đảo CBCCVC,NLĐ. Xác định công tác thi đua khen thưởng là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của cấp ủy gắn với trách nhiệm của người đứng đầu chứ không phải của riêng tổ chức công đoàn và bộ phận làm công tác thi đua khen thưởng.
Các phong trào thi đua phải gắn chặt với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị; phải thường xuyên liên tục; phải mang tính thiết thực, hiệu quả, tránh phô trương hình thức. Đặc biệt, cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức HCM” cần được đẩy mạnh, làm nền tảng và tạo động lực để đưa các phong trào thi đua lên một tầm vóc mới. Sinh thời, Bác Hồ rất coi trọng, biểu dương gương người tốt, việc tốt. Bác dạy: “Lấy gương tốt trong quần chúng nhân dân và cán bộ, đảng viên để giáo dục lẫn nhau, lấy quần chúng giáo dục quần chúng rất sinh động và có sức thuyết phục rất lớn”. Đó cũng “là cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”. Vì thế, trong mỗi việc làm, hành động, lời nói của những tấm gương điển hình phải thể hiện là “kiểu mẫu”, có sức thuyết phục, được mọi người thừa nhận, học tập.
Tổ chức sơ, tổng kết; biểu dương, khen thưởng công bằng, kịp thời; nhân rộng các điển hình tiên tiến. Bên cạnh những kết quả đạt được từ các phong trào thi đua cần phải đề cập những vấn đề tồn tại, yếu kém để rút kinh nghiệm và khắc phục kịp thời những thiếu sót. Việc đánh giá không đúng sẽ làm trở ngại lớn trong việc tổ chức phong trào thi đua, làm nảy sinh việc chạy theo thành tích.
Cũng tại hội nghị, thay mặt Ban thường vụ Công đoàn Tổng cục ĐBVN, Chủ tịch Công đoàn Nguyễn Việt Hưng đã phát động thi đua trong CNVCLĐ ngành đường bộ năm 2020 và giai đoạn 2021-2025.
Theo đó, cuộc phát động thi đua này nhằm động viên toàn thể cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ ngành Đường bộ năng động, sáng tạo, hăng hái thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo; giỏi việc nước, đảm việc nhà; tiếp tục thực hiện phong trào văn hóa công sở với phương châm 4 xin, 4 luôn để góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và mục tiêu, định hướng hoạt động của năm 2020 và giai đoạn 2021-2025 của ngành.
Cùng đó, gắn kết phong trào thi đua với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị, của ngành, phát huy truyền thống giai cấp công nhân, tổ chức công đoàn; khơi dậy ý thức tự giác, tự sáng tạo của cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ; đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, tạo khí thế thi đua sôi nổi, rộng khắp trên mọi lĩnh vực hoạt động; nâng cao ý thức trách nhiệm, tinh thần đoàn kết, phát huy sức mạnh tập thể, sáng tạo của mỗi tập thể, cá nhân.
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ trong toàn ngành; xây dựng cơ quan, đơn vị, các tổ chức Đảng, đoàn thể trong sạch, vững mạnh…
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Lê Đình Thọ, Ủy viên BCS Đảng, Thứ trưởng Bộ GTVT đã trích dẫn câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Giao thông là mạch máu của đất nước, giao thông tốt thì mọi việc dễ dàng, giao thông xấu thì các việc đình trệ”. Thứ trưởng nhấn mạnh vai trò của Giao thông đường bộ đối với sự nghiệp bảo vệ đất nước cũng như phát triển kinh tế của quốc gia. Đồng chí Lê Đình Thọ đề cao những nỗ lực, vượt qua những khó khăn, thách thức của cán bộ, viên chức, lao động ngành Đường bộ Việt Nam. Việc tổ chức, thực hiện tốt các loại hình thi đua khen thưởng đã góp phần thúc đẩy thành công của các công tác liên quan.
Thay mặt Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ GTVT thứ trưởng Lê Đình Thọ nhiệt liệt biểu dương, ghi nhận và chúc mừng những thành tích mà ngành Đường bộ đạt được trong thời gian qua. Trong những năm tới nhiệm vụ của Tổng cục ĐBVN rất nặng nề, vì thế cần đẩy mạnh phong trào Thi đua yêu nước trong toàn ngành với nội dung phong phú hơn để hoàn thành những nhiệm vụ được giao. Để hoàn phong trào đạt kết quả cao, Thứ trưởng đề nghị Tổng cục ĐBVN cần: Chú trọng công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế quy hoạch và thực hiện hệ thống cơ chế, chính sách pháp luật về quy hoạch, sửa đổi Luật Giao thông Đường bộ; Đẩy mạnh lĩnh vực đầu tư xây đầu tư cơ bản; Chủ động trong việc phối hợp giữa các cơ quan Bộ, Ban ngành địa phương trong việc thực hiện đồng bộ các giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông, nâng cao chất lượng công tác quản lý, bảo trì đường bộ.
Đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam, đồng chí Nguyễn Văn Huyện, Bí thư Đảng ủy, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Lê Đình Thọ. Theo đồng chí Nguyễn Văn Huyện, phong trào thi đua và khen thưởng của ngành Đường bộ thời gian qua đã tạo ra phong trào thi đua sôi nổi và phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động, công nhân duy tu bảo dưỡng đường bộ được rèn luyện, bồi dưỡng, có tác phong chuyên nghiệp, ý thức trách nhiệm đối với tập thể và kỹ năng tác nghiệp giữa các vị trí trong hệ thống điều hành giao thông vận tải đường bộ trên toàn quốc. Vì vậy, trong giai đoạn 2020-2025, Tổng cục ĐBVN sẽ tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, chú trọng đến công tác an toàn giao thông, an toàn lao động, nâng cao hơn nữa chất lượng đảm bảo an toàn giao thông.